TP. Vũng Tàu theo góc nhìn từ biển. Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương sẽ sáp nhập với TP.HCM, trở thành "một đô thị khổng lồ". (Ảnh: Nhut Minh Ho/Shutterstock)
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho hay việc sáp nhập tỉnh khiến một số công chức phải đi làm xa, di chuyển nơi ở gây khó khăn về kinh tế, sinh hoạt gia đình, một số cán bộ có năng lực có thể xin nghỉ việc vì không thể sắp xếp cuộc sống.
Thông tin trên được ông Chiến nêu vào sáng 5/5, tại phiên khai mạc kỳ họp 9, khi trình bày trước Quốc hội báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp.
Theo báo cáo, các chủ trương lớn như tinh gọn bộ máy, miễn học phí, sử dụng cơ sở vật chất dôi dư sau sắp xếp bộ máy cho giáo dục, y tế, văn hóa cộng đồng được cử tri ủng hộ.
Tuy nhiên, “có gần 0,7% còn có ý kiến băn khoăn” về đặt tên đơn vị hành chính, xác định địa điểm đặt trung tâm hành chính của tỉnh mới, ông Chiến cho hay.
Một số cán bộ, công chức, viên chức lo lắng gặp khó khăn khi phải chuyển đến làm việc ở đơn vị hành chính mới cách xa trụ sở cũ. Một số cử tri lo lắng nếu không có giải pháp cụ thể thì một số cán bộ có năng lực sẽ xin nghỉ việc do phải đi xa gia đình.
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị bộ, ngành ban hành chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức phải di chuyển nơi ở đến làm việc ở trung tâm hành chính mới; quy định cụ thể về chuyển mục đích sử dụng cơ sở dôi dư sau sắp xếp các cơ quan đơn vị…
Trong bài phỏng vấn trên VOV ngày 10/4/2025, TS Vũ Trung Kiên – Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực 2 cho rằng việc sáp nhập tỉnh lỵ đặt ra yêu cầu phải đơn giản hóa và rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính.
“Nếu Bình Phước nhập với Đồng Nai mà tỉnh lỵ đặt ở Biên Hoà, một người dân ở một xã thuộc huyện Bù Đốp hiện nay để đi tới tỉnh giải quyết công việc có lẽ phải đi từ 3, 4 giờ sáng. Cũng vậy, nếu Bà Rịa Vũng Tàu nhập với TP. HCM, dự kiến trụ sở đặt tại quận 1 thì một người dân ở 1 xã thuộc huyện Xuyên Mộc hiện nay lên để giải quyết công việc cũng phải đi từ rất sớm”, ông Kiên nói.
Đối với cán bộ, công chức, thì cần có chế độ nhà công vụ, chế độ hỗ trợ công chức khi đi làm xa, theo ông Kiên.
“Khi sáp nhập tỉnh, sẽ có một số người nếu làm việc ở cấp tỉnh sẽ phải đi làm xa, vì vậy cũng cần nhanh chóng tính toán cụ thể để có thể có chế độ nhà công vụ, chế độ hỗ trợ công chức khi đi làm xa. Chẳng hạn, nếu một người ở Bà Rịa-Vũng Tàu, cụ thể là TP. Bà Rịa về quận 1 công tác khi giả sử tỉnh này nhập với TP.HCM thì một ngày riêng tiền phí cầu đường đã mất khoảng 300 nghìn, tiền xăng xe khoảng 3, 4 trăm nghìn đó là chưa tính các chi phí khác…”, ông Kiên nhận định.
Theo Nghị quyết 60-NQ/TW, Việt Nam sẽ giảm từ 63 tỉnh, thành xuống còn 34 tỉnh, thành (gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương). Theo đó, cán bộ, công chức của 29 trụ sở tỉnh ủy, thành ủy và 29 trụ sở UBND tỉnh còn lại sẽ phải thay đổi cơ sở làm việc, chưa kể cán bộ, công chức các sở, ngành.
Nguyễn Sơn
Microsoft cho biết dịch vụ gọi điện qua Internet tiên phong Skype chính thức ngừng…
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết những người nhập cư bất hợp pháp…
Hơn 7 tấn thực phẩm là tràng gà, nầm lợn... không rõ nguồn gốc có…
Nhìn chung chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ngừng công bố hàng…
Malaysia bắt đầu tăng cường quản lý, đảm bảo chỉ những hàng hóa được Chính…
Từ 1/7/2025, lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố mới sau sáp nhập sẽ được Thủ…