Tổng kinh phí phục hồi di tích Hải Vân Quan lấy từ nguồn vốn ngân sách của Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng.
Ngày 23/4, HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế họp phiên bất thường, trong đó có thông qua tờ trình về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị Di tích quốc gia Hải Vân Quan.
Tổng kinh phí thực hiện dự án khoảng 42,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách của Thừa Thiên Huế 50% và TP. Đà Nẵng 50%; được tiến hành xây dựng trong 2 năm (2019- 2020).
Theo nội dung dự án, công trình trong di tích sẽ được tu bổ, phục hồi như Hải Vân Quan, công trình Thiên hạ đệ nhất hùng quan, các tường thành nhà Nguyễn, nhà Trú Sứ 3 gian, nhà Vũ Khố 3 gian. Tuyến bậc cấp từ Hải Vân quan xuống phía Nam, tuyến đường Thiên Lý từ Thiên hạ đệ nhất hùng quan đi Huế cũng sẽ được phục hồi.
Ngoài ra, tu bổ đoạn đường nối Hải Vân Quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan bằng đá xếp theo dấu tích nguyên gốc; tu bổ, phục hồi hệ thống tường chắn đất bằng đá, bậc cấp và nền xếp đá khu vực nhà Trú Sứ và nhà Vũ Khố; tu bổ chống xuống cấp 5 lô cốt; bia chiến thắng Đồn Nhất được điều chỉnh hướng và hình thức kiến trúc bia phù hợp cảnh quan, không gian kiến trúc…
Đồng thời, tôn tạo cảnh quan xung quanh và xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ đón tiếp khách tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng tại khu vực này.
“Sau khi Hải Vân Quan được phục hồi, tôn tạo, gắn với việc phát huy giá trị di tích thì sẽ trở thành điểm khai thác du lịch rất tốt. Đây cũng sẽ là điểm nhấn du lịch trên con đường di sản miền Trung và là biểu tượng của sự kết nối, hợp tác giữa hai địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế”- ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế – đơn vị chủ đầu tư, nhận định.
Đơn vị thẩm tra dự án – Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh đồng ý với việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, đồng thời cho rằng việc tu bổ, phục hồi di tích phải được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng cho ý kiến trước khi thực hiện dự án vì đây là di tích cấp Quốc gia.
Hải Vân Quan thuộc địa giới hành chính của thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng).
Cụm kiến trúc Hải Vân Quan nằm ở vị trí quan trọng trấn giữ đường thiên lý Bắc – Nam. Theo sách Đại Nam thực lục, vào truyền Nguyễn, năm Minh Mạng thứ 7 (1826), vua cho xây Hải Vân Quan thành một trong những tổ hợp công trình để phòng thủ cho Kinh đô Huế. Hải Vân Quan có mặt trước quay về hướng nam, chủ yếu để trông coi mặt biển ở vịnh Đà Nẵng. Năm 1849, triều đình cho đặt 7 khẩu súng ở Hải Vân Quan để coi xét mặt biển.
Sau nhiều năm bị bỏ… bơ vơ, ngày 14/4/2017, Hải Vân Quan được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Hiện di tích đang trong tình trạng hoang phế, xuống cấp nghiêm trọng.
Nguyễn Sơn
Xem thêm:
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…