ĐB Đặng Thuận Phong (Bến Tre) chất vấn “chi phí làm đường của Việt Nam từ 700-1.000 tỷ đồng/km còn nước khác chỉ vài ba trăm tỷ, tuổi thọ đường xá của họ 50 năm của ta thì 2-3 năm – vậy bên trong vấn đề này là gì?”. Bộ trưởng giải thích nguyên nhân có việc chi phí lớn như vậy là do phụ thuộc vào việc xử lý nền đất yếu của từng địa phương, các yếu tố vận chuyển, công tác giải phóng mặt bằng,…
Sáng nay (4/6), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội làm rõ những vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm liên quan tới việc cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, vấn đề liên quan tới BOT,… Cũng trong sáng nay, có 30 đại biểu chất vấn và 20 đại biểu tranh luận các vấn đề trên.
Giữ nguyên tên “trạm thu phí”
Dành 5 phút báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ tiếp thu ý kiến dư luận để nghiên cứu thay đổi “trạm thu giá” để trình Chính phủ. Tuy nhiên, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói “việc này không cần nghiên cứu, tôi thấy Bộ GT cứ dùng lại tên gọi cũ là trạm thu phí. Nếu Bộ GTVT cứ nghiên cứu rồi trình thì sẽ rất mất thời gian, không cần thiết”.
Bộ GTVT sợ bị kiện?
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đặt câu hỏi “Bức xúc hiện nay của người dân là 17 dự án đặt thu phí sai, 3 dự án trong đó dân không đi vẫn phải trả tiền. Tôi thấy Bộ trả lời theo kiểu dân chịu thì cứ thu?“
Bộ trưởng Thể cho rằng một số dự án do yếu tố lịch sử để lại. Tuy nhiên, với trách nhiệm của Bộ, Bộ sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
“Các dự án còn lại thì quá trình làm đã có sự tham gia của các bộ ngành nên bộ xem như việc đặt trạm đó là sự hợp lý, còn nếu muốn di dời thì cần phải có một khoản vốn rất lớn. Dự án đường cao tốc thì có khoản đầu tư rất lớn nên Chính phủ cũng đã cho phép mở thêm các trạm thu.
Toàn bộ những việc này chúng tôi thực hiện theo đúng trình tự, có sự tham gia của địa phương. Hiện nay để giải quyết các trạm BOT mà đại biểu nêu thì nguồn vốn rất khó khăn, rất khó để có tiền mua lại. Chúng tôi muốn đại biểu lấy biểu quyết, nếu Quốc hội cho thì chúng ta sẽ lấy tiền mua lại. Hiện giờ thì chúng tôi rất mong cử tri, đại biểu hết sức thông cảm cho Bộ”.
Trước câu trả lời Bộ trưởng, ĐB Hoàng Quang Hàm cho rằng Bộ trưởng chỉ nhắc đi nhắc lại chuyện thuyết phục dân, mong dân thông cảm và cố gắng giảm giá.
Còn trả lời câu hỏi của đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) về việc tại địa phương có tới 3 trạm BOT, Bộ cho biết trong quá trình thực hiện Bộ bám sát thông tư 159 của Bộ Tài chính trong đó quy định với trong cùng 1 quốc lộ, Bộ Giao thông có quyền quyết định khoảng cách trạm 70 km, còn trường hợp dưới 70 km thì cần có sự thoả thuận với Bộ Tài chính, chính quyền địa phương. Bộ trưởng Thể khẳng định, đã làm đúng quy định.
“Tuy nhiên tôi cũng xác nhận có nhiều nơi trạm thu phí dày đặc, gây khó khăn cho người dân. Vậy chúng tôi mong cử tri Bình Định thông cảm”, Bộ trưởng nói.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đặt lại câu hỏi: Có phải do nhà đầu tư BOT có thể kiện lại Bộ GT nên Bộ cứ có ngại ngần trong việc xử lý vấn đề này? Tuy nhiên, Bộ trưởng không trả lời thẳng vào vấn đề.
Trách nhiệm của Bộ chỉ định thầu dự án BOT
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn ĐB TP.HCM) cho biết “Tại một số địa phương hoặc một vài doanh nghiệp được chỉ định thầu hoặc đấu thầu nhưng có những vấn đề khuất tất, các danh nghiệp này được làm những dự án rất màu mỡ lên tới nhiều chục tỷ đồng, nhiều dự án kéo dài, đội vốn, có dự án bị đội vốn lên 36 lần. Xin hỏi có việc này không?”
Bộ trưởng cho biết vừa qua toàn bộ dự án BOT được tổ chức đấu thầu, công bố công khai mời thầu trên mạng một tháng. Nhà đầu tư nào quan tâm sẽ nộp hồ sơ thầu, đấu thầu. Dự án nào có hai nhà đầu tư quan tâm trở lên Bộ sẽ tổ chức đấu thầu.
Tuy nhiên, có những nhà đầu tư thời điểm trước đó chưa rõ luật; nhiều dự án chỉ có một nhà đầu tư quan tâm nên không thể tổ chức đấu thầu.
“Với các dự án này chúng tôi phải chỉ định thầu“, ông Thể nói.
Bộ trưởng cũng khẳng định do Luật Đấu thầu đã quy định rõ nên nếu có vi phạm trong quá trình thực hiện sẽ kiểm tra, xử lý theo luật. Đồng thời, Bộ cũng cho rằng do dự án kéo dài, việc lãng phí là có. Bộ sẽ họp hàng tháng, hàng quý để dự án đúng tiến độ.
Trước câu trả lời Bộ trưởng, ĐB Nghĩa tranh luận lại theo số liệu, 17 dự án BOT đều chỉ định thầu gây lãng phí hơn 20.000 tỷ đồng. “Nhiều dự án lớn phục vụ cho dự án bất động sản của nhà đầu tư, thực tế có những con đường cực kỳ đắt vì sự đánh đổi này. Kiểm toán nêu rồi thì giờ xử lý thế nào, chừng nào xử lý vì liên quan tới dự án hàng nghìn tỷ”.
Bộ trưởng cho rằng đã làm đúng theo quy đinh. Những việc này hết sức minh bạch vì phải trình Chính phủ mới thực hiện.
“Việc gì cho phép thì Bộ làm. Có những việc phải xin ý kiến Thủ tướng, Chính phủ mới thực hiện” – Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng hãy giữ lời hứa
Cũng tại phiên chất vấn, ĐB Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) hỏi Bộ trưởng có cam kết đưa dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận vào sử dụng năm 2020 hay không?
Bộ trưởng cho rằng dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ chậm là do chưa tìm được vốn hơn 10 ngàn tỷ.
“Tháng 9, Bộ sẽ phê duyệt dự án cầu Mỹ Thuận 2. Năm ngân hàng đã hứa tài trợ vốn 7.000 tỷ đồng. Chúng tôi cố gắng đến 2020 sẽ thông cao tốc từ Trung Lương – Mỹ Thuận. Với Mỹ Thuận – Cần Thơ thì có 4 nhà thầu, trong đó 3 liên danh trong nước, 1 liên danh trong nước và nước ngoài. Đến tháng 7 hoặc tháng 8/2018, Bộ sẽ tổ chức đấu thầu, chọn được nhà thầu“.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc lại đã nghe “Bộ trưởng hứa đến 2020 sẽ thông xe cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Bộ trưởng nhớ giữ lời hứa này“.
Chi phí làm đường của Việt Nam lớn nhất thế giới
Liên quan đến chi phí làm đường, ĐB Đặng Thuận Phong (Bến Tre) chất vấn: “Dư luận hiện nay có những chuyện cho rằng chi phí làm đường của Việt Nam từ 700-1.000 tỷ đồng/km còn nước khác chỉ vài ba trăm tỷ, tuổi thọ đường xá của họ 50 năm của ta thì 2-3 năm? Bộ trưởng cho biết bên trong vấn đề này là gì?”
Bộ trưởng giải thích việc này Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, trong đó có Bộ xây dựng cung cấp thông tin liên quan đến suất đầu tư của đường Việt Nam với các nước trong khu vực.
“Chúng ta xây dựng đường phụ thuộc vào nền móng, nền móng yếu như đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, ven biển miền Trung, chúng ta phải xử lý đất yếu vì lớp đất yếu có thể dày 30-40 m và xử lý rất tốn kém, chi phí vận chuyển đất để làm nền đường cũng rất lớn, phụ thuộc từng địa phương, từng nước. Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng chi phí cũng rất cao. Cho nên nói rằng suất đầu tư đường chúng ta 700-1.000 tỷ đồng/km thì cũng đúng nhưng không phải là tất cả. Tôi không bình luận về thông tin này” – Bộ trưởng cho hay.
Cũng trong sáng nay, nhiều đại biểu đặt câu hỏi về việc liên quan tới đăng kiểm phương tiện giao thông, tai nạn giao thông, tình trạng ngành đường sắt còn lạc hậu,…
Chiều nay, Bộ GT sẽ tiếp tục trả lời các câu hỏi chất vấn. 14h chiều, Quốc hội tiếp tục làm việc.
Trần Tâm – Phạm Toàn
Xem thêm:
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…