3 trường đại học sẽ rời cơ quan chủ quản Bộ GD&ĐT
- Kim Long
- •
Ba trường đại học không thuộc cơ quan chủ quản của Bộ GD&ĐT là Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Bộ GD&ĐT cho biết Bộ đã yêu cầu 3 trường đại học, gồm: Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội xây dựng đề án không trực thuộc cơ quan chủ quản Bộ, để báo cáo Chính phủ phê duyệt.
Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng sớm ban hành Nghị định về tự chủ đại học thay thế cho Nghị quyết số 77 của Chính phủ để phát triển hơn nữa việc tự chủ, trách nhiệm giải trình về thực hiện hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính.
Nghị định mới sẽ quy định cơ chế tự chủ về thực hiện hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính của cơ sở giáo dục đại học công lập, các đại học vùng, đại học quốc gia, Trường ĐH Việt Đức, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội,…
Cũng theo Bộ, kể từ khi thực hiện Nghị quyết 77 của Chính phủ ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập, đến nay có 23 trường đại học tự chủ.
Bộ cũng nhìn nhận việc thực hiện tự chủ còn nhiều tồn tại, vướng mắc. Cụ thể:
- Một số trường chưa hoàn thiện cơ cấu tổ chức của nhà trường theo quy định, chưa ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng trường;
- Hình thức hoạt động của hội đồng trường chủ yếu bằng các cuộc họp, vai trò giám mờ nhạt, nguồn kinh phí cho hoạt động của hội phụ thuộc vào kinh phí của nhà trường do Hiệu trưởng quyết định;
- Thu từ học phí, lệ phí vẫn là nguồn thu chính cuả trường tự chủ khi chiếm trên 70% tổng thu là rất rủi ro, nguồn thu phụ thuộc nhiều vào tình hình tuyển sinh;
- Các trường chưa được hướng dẫn về chính sách miễn giảm thuế lãi tiền gửi ngân hàng, các hoạt động đào tạo ngắn hạn… Việc phê duyệt chủ trương và các thủ tục đầu tư vẫn phải trình đơn vị chủ quản theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Đấu thầu.
Trong khi đó cơ chế “cơ quan chủ quản” thể hiện sự can thiệp của cơ quan quản lý vĩ mô vào các vấn đề tự chủ, đặc biệt là bộ máy tổ chức, nhân sự và đầu tư của nhà trường. Dù Nghị quyết đặt ra với tinh thần chủ đạo là tăng cường vai trò của Hội đồng trường và giảm mạnh sự can thiệp của bộ chủ quản nhưng chưa thực hiện được.
Trước đó, ngày 25/12/2017, Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức hội thảo về “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về tự chủ đại học” – đã thu hút hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo các trường đại học phía Nam tham dự.
Tại buổi hội thảo, đại diện nhiều trường cho biết các cơ chế, quy định liên quan đến việc tự chủ hiện vẫn còn nhiều bất cập.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM: “Khi có cơ quan chủ quản thì tư duy muốn quản vẫn còn. Tự chủ hiện nay của các trường đại học là tự chủ nửa vời. Tất cả các đầu tư công đều phải xin phép cơ quan chủ quản. Vừa rồi trường chúng tôi lát sàn của nền trong trường cũng phải xin phép Bộ, chẳng khác gì người dân xây cái chuồng heo cũng phải ra chính quyền xin phép”.
Còn theo TS Phạm Duy Nghĩa – Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng “Trước đây đại học được coi là đơn vị hành chính sự nghiệp và nay coi như một doanh nghiệp nhà nước. Đây là xu hướng làm cho nền giáo dục ĐH nước ta ngày càng manh mún, phân tán và chất lượng không so được với ai”.
Về giải pháp, các đại biểu cũng cho rằng để quá trình tự chủ trong các trường đại học được thể hiện đúng thực chất, cần giải quyết hài hòa các vấn đề liên quan, nhất là mối quan hệ giữa quyết định chi ngân sách đầu tư cho giáo dục, mức học phí và cơ chế tạo nguồn thu.
Về mức thu học phí cần được tính toán dựa trên chất lượng đào tạo nhưng phải đảm bảo bù đắp đáng kể cho các chi phí hoạt động của trường đại học.
Về tổ chức nhân sự, Luật Giáo dục ĐH sửa đổi cần có những cơ chế thoáng hơn để các trường được linh động trong việc tuyển dụng, chi trả lương cho giảng viên, cán bộ thì mới thu hút được nhân tài. Quan trọng nhất vẫn phải nâng cao quyền tự quyết và tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học áp dụng mô hình tự chủ.
Kim Long
Xem thêm:
Từ khóa Bộ GD&ĐT Trường ĐH Kinh tế quốc dân Trường ĐH Kinh tế TP.HCM Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đề án không trực thuộc cơ quan chủ quản Bộ GD&ĐT