Cuối tháng 12/2017, “Bài viết về Cải tiến chữ quốc ngữ” của PGS. TS Bùi Hiền đã được Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, đồng thời là chủ sở hữu. PGS. TS Bùi Hiền là nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy học phổ thông.
Trong dòng chảy không ngừng nghỉ của các vấn đề nóng về chính trị, kinh tế, xã hội, mặc dù tạo nên những tranh cãi chưa dứt từ phần 1 sang phần 2, công bố của PGS.TS Bùi Hiền về cải tiến chữ quốc ngữ đã góp phần tạo nên một cơ hội để những tiếng nói phản biện trong xã hội được dịp lên tiếng, cũng như một dịp để mỗi từng người hiểu rõ hơn về bề dày văn hóa cũng như giá trị tinh thần đằng sau những ký tự Tiếng Việt, mà dường như đã bị làm cho quen tới mức khó có thể được để tâm ngay cả khi ngôn ngữ và cách dùng đang xuống cấp.
Dưới đây là một bài viết của độc giả Phùng Lên gửi tới Trí thức VN, với mong muốn góp thêm một tiếng nói chia sẻ từ cộng đồng về công trình của nhà nghiên cứu. Trí thức VN xin được đăng tải toàn văn, nhan đề do người viết đặt. Trân trọng cảm ơn sự quan tâm của quý độc giả.
PGS. TS Bùi Hiền đã đăng ký bản quyền cho công trình cải tiến chữ Viết của mình. Theo ông là để có thể trăm năm nữa, người ta có thể áp dụng chính thức mà không có sự bàn cãi về nguồn gốc xuất xứ, và để ngăn chặn việc dùng nó để xuyên tạc, bôi xấu. Dù bây giờ chưa được áp dụng, dù hay hay dở thì cũng được khẳng định đó là công trình của ông.
Tiếng Việt từ khi hình thành luôn đảm bảo tính thuần, đáp ứng đủ để gọi tên những vật dụng thường ngày, có thể gọi tên theo cách hiểu những gì mắt thấy tai nghe, những gì mà người Việt quan niệm được. Suốt quá trình hoàn thiện, nó cũng được thêm những khái niệm mới để gọi tên những vật dụng sinh hoạt và sự xuất hiện của những sự kiện mới. Những sự thâm nhập văn hóa, tôn giáo, vật dụng, hay những sự kiện từ bên ngoài mà từ trước người Việt chưa hề được nhìn thấy hay có quan niệm gì về nó, thì kèm theo đó là những tên gọi gốc cũng được người Việt dùng để gọi. Tất cả các từ ngoại lai này, có cái giữ nguyên (gác-ba-ga) mà đọc, có từ phải Việt hóa về cách đọc (địa phương) để phù hợp với cách phát âm quen thuộc. Dù là thế nào thì tất cả từ đó đều ghi âm lại được bằng chữ quốc ngữ. Có thể nói, chữ quốc ngữ có thể ghi được tiếng nói của mọi dân tộc trên thế giới. Nói vậy để khẳng định, chữ viết của một dân tộc là để ghi âm lại và đảm bảo ghi đúng tiếng nói của dân tộc đó.
Hệ thống chữ cái hiện nay có âm tiết bắt buộc phải dùng “gi” hoặc “d” để ghi. để ý một chút thì dễ thấy, âm đầu tiên trong phần vần của từ là “i”, “e”, “ê”, “y” thì phụ âm đầu (nếu có) của từ đó phải là “k”, “gh”, “ngh”, chứ không bao giờ là “c”, “g”, “ng”. Tại sao lại như vậy, tìm hiểu được thì có khi sẽ hiểu thật sâu về nguồn gốc xuất xứ. Những cải tiến của PGS nhằm rút bớt ký tự trong những phụ âm kép (ch, tr, nh,.. có âm vị là “chờ”, “trờ”, “nhờ”,…) cho ngắn gọn hơn, thiết nghĩ cần được xem xét nghiêm túc. Theo đó thì phải thay đổi ký tự cho một âm vị là dĩ nhiên. Kể ra, theo cải tiến của ông, thì việc học lại để viết theo chẳng có gì là khó, chỉ là việc thay ký tự cho một số âm vị, vậy thôi.
Còn lại thì chỉ thêm những rối rắm, những cái do sai cơ bản về phát âm mà ra. Dùng ký tự “n'” mà thay cho “nh” thì thực sự rối mắt, lại thấy nó Tây Tây thế nào. Nó lẫn vào giữa một rừng chữ đầy đủ sáu dấu thanh, như phụ nữ Tây Âu mặc tà áo dài Việt Nam lẫn trong rừng áo dài thướt tha vậy […]. PGS có thể dùng một ký tự trong chữ viết của các dân tộc khác, như Nga chẳng hạn, rồi đặt âm vị cho nó là “nhờ” để thay cũng được mà. PGS muốn tiện gọn, và tiện gọn theo những gì có sẵn trên bàn phím, bỏ qua cách cảm nhận thuần Việt đã ăn sâu lâu đời.
Người miền Bắc phát âm rất chuẩn những âm tiết có phụ âm cuối là “n”, “ng”, “c”, “t”, thì người miền Trung và miền Nam đọc chưa chuẩn, “lăn” hay “lăng” đều đọc là “lăng”, “mắt” hay “mắc” đều đọc là “mắc”. Người miền Trung phát âm không chuẩn tiếng phổ thông, nhưng cũng hết sức khắt khe, phát âm là vậy, nhưng khi viết thì cũng đều biết đường mà viết cho đúng. Đó là nói chung cách phát âm.
Về việc đọc âm vị của các phụ âm, tôi dám khẳng định, người miền Trung đặc biệt phát âm rất rõ ràng, “cuốc” ra “cuốc”, “quốc” ra “quốc”; “trâu” ra “trâu”, “châu” ra “châu”; “giận” ra “giận”, “rận” ra “rận”; “xâu” ra “xâu”, “sâu” ra “sâu”, phân biệt hoàn toàn rõ ràng, không nhập nhằng như PGS đã đánh đồng “c” và “q”; “tr” và “ch”; “gi”, “d” và “r”; “x” và “s” làm một. Với hệ thống chữ viết hiện tại, có thể ghi lại tiếng nói của tất cả các vùng miền, hệ thống những phụ âm hiện tại đã ghi được cách phát âm rõ ràng của người miền Trung. Do người ta phát âm không chịu uốn lưỡi, bản thân PGS cũng đọc sai cơ bản các phụ âm trên, đọc cứ giống nhau tất. PGS đã phát âm không rõ, lại cũng không hướng người khác phát âm cho rõ, rồi bảo rằng thừa. Mình sai thì không sửa, lại đem sửa chữ để hợp thức hóa, để cái sai của mình thành đúng thì coi sao đặng. PGS gộp những phụ âm mà mình đọc không rõ lại làm một, rồi rút bớt đi cho gọn, vậy thì người dân miền Trung chúng tôi biết lấy gì để ghi lại tiếng nói vốn rất rõ ràng của mình đây! Không lẽ từ bao đời nay người dân quê tôi giao tiếp với nhau và với những người trên mọi miền đất nước bằng cái thứ tiếng không có trong hệ thống ngôn ngữ tiếng Việt. Hay chúng tôi đã tự đặt ra âm vị cho các ký tự mà PGS bảo thừa kia.
Nhà văn Nguyễn Tuân được mệnh danh là “bậc thầy sử dụng tiếng Việt”, ông sính chữ, ông rất không ưa những cẩu thả chính tả. Ông nói: “Nếu thấy dòng chữ ghi “hầm chú ẩn” thì tớ nhất định không vào“. Ở đâu lại có người mê và cất công đi tìm cái hay của con chữ, không chấp nhận việc dùng chữ ẩu tả không đúng nghĩa; mà có người chưa kịp tìm cái hay cái đúng trong đó thì lại vội đem bỏ đi. Nói vậy để thấy, chữ nghĩa nó cũng cần đến người biết sử dụng nó. Phải học cách sử dụng mới có thể sử dụng nó thật hiệu quả và ý nghĩa. Cái chữ, cái tiếng nói, ngoài phương tiện giao tiếp còn là văn hóa đời sống, đang còn cần phải khai thác thật nhiều những tiềm năng phong phú mà nó mang trong mình, thì PGS lại biến tướng nó theo lối công nghiệp đại trà. Vậy thì hỏi còn đâu là bản sắc riêng.
Cải tiến cho đơn giản, để dễ học hơn thì đúng, nhưng vì vậy mà để cả một thế hệ hấp thụ cả cái sai, cái qua loa cẩu thả thì chẳng nên. Sự biến mất của vài âm vị thực sự đã làm mất hẳn số lượng rất lớn những sắc màu âm thanh trong kho tàng tiếng Việt. Tiết kiệm quá thì còn đâu là cái riêng đặc sắc.
Thời công nghiệp hiện đại, con người được sinh ra như để làm việc chứ chẳng hưởng được nhiều những đặc ân từ sự sống. Xã hội đang dần định hình một giá trị sống mới. Con người lao tâm lao lực cũng chỉ để mong có lúc phải chịu tốn kém một chút mà được thỏa mãn những đam mê riêng, từ đó nhận thức sâu hơn giá trị của lao động, càng biết trân trọng bản thân mình. Làm việc tới không có thời gian để tiêu tiền, người ta lại tìm nguồn vui, ghép cả nghệ thuật sống vào nơi công việc. Vậy tốn chút giấy bút thì đã sao. Một con đường được đắp nên là để thuận tiện việc giao thương đi lại. Người ta có thể phá rừng, lấp hồ, bắc cầu, bạt đồi, khoét núi để con đường được thẳng thớm, nhưng có khi người ta lại cho nó chạy vòng theo lối mòn sẵn có. Không phải sợ tốn kém để lấp hồ…, dù bỏ ra một lần rất lớn cũng không bằng cái tốn kém do đi vòng cả trăm năm sau cộng lại. Mỗi lượt đi qua, tốn kém chút năng lượng và thời giờ nhưng bù lại, được chiêm ngưỡng thiên nhiên tươi đẹp. Muốn đi thì phải theo đường, về góc độ nào đó, vạch sẵn một lối đi là đã hướng cho con người tới gần hơn với cái đẹp, và trở nên yêu cái đẹp. Rồi cả chục năm sau đó, người ta mới thấy, khúc đường vòng thật cần biết mấy. Vậy thì giá trị sống đâu cứ phải tiết kiệm mọi thứ.
Không liên quan tới công trình của PGS Bùi Hiền, để gọi đúng tên một bậc tiền nhân, vừa tỏ ra tôn trọng, vừa thể hiện văn hóa, chỉ cần đính chính lại cho đúng và thống nhất cách gọi trên toàn quốc, thì có nơi ghi là Phan Châu Trinh, có nơi lại là Phan Chu Trinh. Rắc rối cho cái sự học còn thừa mứa ra đó, thì PGS khơi ra thêm chi cái chữ vốn đã rất ổn định. Ừ, thì PGS làm bằng kinh phí của ông chứ chẳng phải của ai, để thỏa đam mê của ông. Tôi coi như PGS làm để chơi vậy, nó cũng như tôi viết tắt hay dùng ký hiệu riêng để ghi chép trong tài liệu mà chỉ mình tôi đọc. Nhưng tôi lo, nếu người có quyền, lại cũng có suy nghĩ như ông, ra quyết định sử dụng công trình này một cái, thì chúng tôi thật thất vọng.
Để tạc tượng một bậc tiền bối sống từ cả ngàn năm trước, vào thời chưa có công nghệ lưu hình ảnh, nghệ nhân phải theo một mẫu hình hài thống nhất, mẫu cũng tự tạo ra thôi nhưng đã được ăn sâu cố vị trong tâm linh mỗi người. Để bất cứ ai nhìn vào cũng nhận ra đây là ông Quan Công; kia là ông Tào Tháo. Cũng chẳng ai quy định ông này phải có hình dáng thế kia, nhưng chọn lấy hình hài cho bậc tiền nhân là sự chắt lọc trong cái đã có. Vẻ bề ngoài nào mà lột tả được hết cái phong thái, bản chất của một người mà sử sách ghi lại thì được mặc nhiên công nhận. Lâu dần, bắt buộc ông nọ phải có phong độ hình dáng kia. Một quy định bất thành văn nhưng lại có sức sống bền lạ.
Tượng Phật cũng vậy, hình dáng là do con người tạo. Không bắt buộc các vị phải ngồi hay đứng, đường nét chính xác để phật tử nhìn thì biết đâu là Thích Ca Mâu Ni, đâu là A Di Đà. Cả về sau này, một cái tượng chỉ đạt độ mô phỏng về thần thái, hay được sáng tác lại đường nét khuôn mặt, chỉ vào đó rồi bảo rằng tượng ông nọ bà kia thì chẳng ai chịu. Vì cội rễ của cái quen thuộc đã ăn sâu vào trong tâm thức đến nỗi, nếu làm khác đi thì có kêu gọi thì hồn cũng không nhập tượng vậy. Tất cả trở thành biểu tượng phản ánh một quan niệm, vừa mang nét văn hóa tâm linh. Đến nay, phải khẳng định, con chữ không đơn thuần đến nỗi có thể thay đổi ký tự cho một âm vị. Không phải hễ cứ muốn là thay đổi mà không gây xáo trộn về mặt cảm xúc.
Tôi là người dân thường, viết bài này nói về công trình của một phó giáo sư. Tôi phải học, phải tham khảo đê cố gắng dùng thuật ngữ cho đúng, tôi dùng tiếng nói, chữ viết đã được định hình định nghĩa, chọn trong vô vàn những từ ngữ có sức biểu đạt nhiều cung bậc sắc thái khác nhau để diễn tả cho thật sát với suy nghĩ, cảm xúc của mình. Nếu tôi lột tả ý nghĩ của mình chưa thật đúng thì do tôi dùng từ chưa chuẩn xác, chứ không phải nghĩa của nó bị sai, tôi càng không cả gan mà định lại nghĩa của từ. Thay vì dùng những từ ngữ không chắc đúng thì tôi cố gắng diễn tả theo cách hiểu. Việc khai thác tiềm năng của tiếng Việt thì nhờ vào những nhà chuyên môn. Tôi dám khẳng định, PGS đã làm cho tiềm năng đó trở nên vơi bớt lại, nếu sử dụng thì lâu dần sẽ làm mất đi vẻ phong phú trong nghệ thuật biểu đạt các cấp độ biểu cảm bằng ngôn từ.
Chữ viết là công cụ, phương tiện để ghi tiếng nói ra giấy. Nó ra đời vì nhu cầu đó thì nó phải luôn được giữ đúng bổn phận, mọi thổ ngữ, âm vị mà con người phát ra được thì đảm bảo nó phải ghi lại được. Nay bản quyền đã thuộc về PGS, vậy thì ai dùng mà chưa được ông cho phép thì PGS hãy kiện mạnh đi! Để sử dụng tràn lan rồi lâu dần thành quen, quy trình lại bị đảo ngược, tiếng nói (là thứ có trước) lại bắt buộc phải đọc và cải biên theo chữ viết. Đặc biệt, việc gộp lại một số phụ âm sẽ làm cho tiếng Việt trở nên nghèo nàn hơn, làm mất đi sự phong phú đa dạng của tiếng Việt.
Phùng Lên
Xem thêm:
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…