Categories: Thời sựViệt Nam

Chuyên gia: Phòng dịch sao lại cấm người dân ra đường vào ban đêm, cách ly tập trung?

Một số chuyên gia ngành y đang có ý kiến trái chiều với một số biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19 mà một số địa phương đang áp dụng, với nhận định rằng các biện pháp này mang tính hành chính, không có hiệu quả thực tiễn trong phòng ngừa dịch bệnh lây lan, như việc cấm ra đường vào ban đêm tại Bạc Liêu và một số tỉnh thành, hay F1 vẫn tiếp tục phải cách ly tập trung trên diện rộng.

Công an kiểm tra lý do người ra đường vào ban đêm tại chốt kiểm soát trên đường Trần Phú (Phường 7, TP. Bạc Liêu), tháng 7/2021. (Ảnh: T.H/baobaclieu.vn)

“Không lẽ ban đêm virus lây nhiễm nhiều hơn ban ngày?”

Ngày 21/11, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn, nguyên Tổng biên tập báo Sức Khỏe & Đời Sống (Bộ Y tế) bày tỏ băn khoăn trên trang Facebook cá nhân:

“Không hiểu tại sao Bạc Liêu và một số tỉnh thành khác để đối phó với dịch COVID-19 lại cấm người dân ra đường vào ban đêm?

Không lẽ ban đêm virus lây nhiễm nhiều hơn ban ngày? Cấm người dân ra đường vào ban đêm, để giải quyết công việc thì có khi họ tập trung ra đường ban ngày nhiều hơn, tập trung đông hơn, khó thực hiện 5K hơn.

“Những quy định hành chính không dựa vào cơ sở khoa học, gây phiền phức cho người dân cần phải được xóa bỏ để ban hành những quyết định hợp lý, hiệu quả hơn trong phòng chống dịch COVID-19”, bác sĩ Tuấn viết.

Bác sĩ Trần Sĩ Tuấn, nguyên TBT báo Sức Khỏe & Đời Sống. (Ảnh: Trần Sĩ Tuấn/Facebook)

Vào chiều 20/11, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã ký Quyết định 498 cập nhật, công bố toàn tỉnh Bạc Liêu vẫn ở cấp độ dịch 3 – nguy cơ cao (vùng cam), đồng thời tạm thời thắt chặt một số hoạt động trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tăng cao liên tục trong nhiều ngày.

Theo quy định mới, từ ngày 21/11, chỉ người đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng, người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin COVID-19, người đã tiêm 1 mũi vắc-xin sau 14 ngày và người đi tiêm vắc-xin mới được phép ra khỏi nhà/nơi lưu trú (người chưa tiêm vắc-xin cũng không được đi chợ, phải qua hình thức mua hộ hoặc mua hàng khác).

Từ 20h hôm trước đến 4h sáng hôm sau, mọi người không được ra đường trừ các trường hợp khi có yêu cầu công vụ hoặc yêu cầu công tác phòng chống dịch, cấp cứu y tế, xử lý các sự cố khẩn cấp và công nhân đi làm ca đêm về.

Các cơ sở, quán ăn uống, nhà hàng (kể cả nhà hàng trong khách sạn) chỉ được bán mang về và chỉ được phép hoạt động từ 4h sáng đến 19h hàng ngày.

Không chỉ Bạc Liêu, một số tỉnh thành đã đang áp dụng quy định hạn chế người dân ra khỏi nhà, khung giờ từ 19h ngày hôm trước đến 5h sáng hôm sau, trừ các trường hợp khẩn cấp, để kiểm soát dịch, như tỉnh Tiền Giang (từ ngày 20/10), tỉnh Kiên Giang (từ ngày 4/11), TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) (từ ngày 7/11); tỉnh Hậu Giang (từ ngày 8/11, khung thời gian từ 21h đến 4h sáng hôm sau)…

Hà Nội dè dặt thí điểm “cách ly F1 tại nhà” nhưng mở rộng các cơ sở cách ly tập trung

Ngoài góp ý về bất cập hạn chế người dân ra đường vào ban đêm, bác sĩ Tuấn chia sẻ thêm về quy định cách ly tập trung đối với F1 (người tiếp xúc gần người nhiễm COVID-19 – F0) trước thông tin các quận, huyện tại Hà Nội đã rà soát, lập danh sách thành lập các khu cách ly tập trung nhằm nâng công suất lên 100.000 chỗ khi 25/50 khu cách ly tập trung đã tiếp nhận cách ly 7.793 F1 và người nhập cảnh trên tổng công suất gần 20.000 người.

Bày tỏ quan điểm ủng hộ “giãn cách tối đa” để tránh lây nhiễm và lây nhiễm chéo, bác sĩ Tuấn cho rằng biện pháp cách ly tập trung đối với F1, F0 chỉ nên áp dụng khi không còn biện pháp nào an toàn hơn.

Ông Tuấn viết: “Theo tôi quan điểm của phòng bệnh COVID-19 là giãn cách tối đa nếu có thể để tránh lây nhiễm và lây nhiễm chéo chứ không phải tập trung. Ta chỉ cách ly tập trung với F1 , F0 khi không còn biện pháp nào an toàn hơn.

Với F1, F0 không triệu chứng có đủ điều kiện cách ly tại nhà thì dứt khoát nên để ở nhà. Nếu tập trung thì không quá đông và khu cách ly tập trung phải đủ điều kiện nhằm tránh lây nhiễm chéo. Ở nhà không đủ điều kiện lây nhiễm ít, vào khu cách ly tập trung không bảo đảm sẽ lây nhiễm rất nhiều, có khi đến hàng trăm lần khi cách ly tại nhà.

Trong khi ta quá chú trọng đến điều kiện cách ly tại nhà mà buông lỏng điều kiện khu cách ly tập trung, [sẽ] dẫn đến bùng phát dịch và phải trả giá bằng mạng sống của người dân!”

Bác sĩ Tuấn đề xuất Hà Nội nên xây dựng nhiều khu cách ly tập trung trên từng quận để chia nhỏ số lượng F1, để tránh tập trung vào một chỗ. Đến một thời điểm nếu số lượng F1 quá nhiều không đủ chỗ thì nên cho cách ly tất cả tại nhà.

Tại các quận nên thành lập nhiều khu lưu dung để theo dõi và phân loại F0 nếu không đủ điều kiện cách ly theo dõi tại nhà. Các F0 vào đây phải được theo dõi và điều trị kịp thời, tránh tình trạng vào đây mà không được quan tâm. Tại quận nếu F0 diễn biến nặng sẽ chuyển thẳng lên bệnh viện được thành phố được chỉ định trước, tránh tình trạng phải chuyển bệnh lòng vòng như TP.HCM đã từng xảy ra.

Chăm sóc và điều trị F0 tại nhà thật tốt, phát hiện sớm diễn biến của bệnh để điều trị kịp thời, điều này giúp bệnh nhẹ không chuyển thành nặng, bệnh nặng sẽ kéo dài thời gian vàng dẫn đến giảm tử vong. Sẽ giảm áp lực cho tất cả các tầng điều trị!

Các bệnh viện thành phố nên chia ra hai tầng là điều trị bệnh nhân COVI-19 có tiên lượng nặng, và ICU để điều trị bệnh nhân đã diễn biến nặng , để tránh lúng túng.

“Cái cần quan tâm nhất của Hà Nội bây giờ không phải mất thời gian vào việc thí điểm F0, F1 cách ly tại nhà nữa. Điều này các nơi đã áp dụng rồi. Hãy tận dụng thời gian vàng này vào việc nếu F1, F0 quá nhiều, không đủ điều kiện cách ly tại nhà mà khu cách ly tập trung quá tải thì kịch bản là gì? Khi các bệnh viện, các tầng điều trị quá tải thì phải làm gì để hạn chế tử vong? Làm thế nào để nâng cao năng lực điều trị COVID-19 cho tất cả các tầng: tại nhà, tại quận và tại bệnh viện. Làm sao để hạn chế lây nhiễm, dịch không bùng phát diện rộng. Nếu dịch bùng phát thì nơi nào ưu tiên dập trước…

TP Hà Nội không nên để mất thời gian vàng này, vì diễn biến dịch rất phức tạp rồi!” – bác sĩ Tuấn lo ngại.

Đồng quan điểm với bác sĩ Tuấn, PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng Hà Nội cho phép cách ly tại nhà đối với F1, thậm chí cả với những F0 thể nhẹ, không có triệu chứng, dẫn theo Lao Động ngày 16/11.

Theo ông Nga, việc cho phép cách ly tại nhà sẽ đạt được nhiều mục đích. Thứ nhất, đảm bảo an toàn cho bản thân họ, vì vào khu cách ly tập trung nhiều nguy cơ lây nhiễm hơn. Thứ hai, đỡ tốn kém chi phí cho Nhà nước. Thứ ba, không gây nguy cơ lây lan cho người ở trong khu cách ly tập trung, đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), năm 2020. (Ảnh: tapchibaohiemxahoi.gov.vn)

“Nếu nhà họ có đủ điều kiện đảm bảo cách ly được thì nên để họ cách ly tại nhà. Ở nhà ấm áp hơn, tinh thần thoải mái hơn, điều kiện vệ sinh tắm rửa đầy đủ hơn, có thuốc điều trị sẽ hỗ trợ họ tốt hơn” – ông Nga nhìn nhận, và cho rằng đối với những trường hợp nhà cửa không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì vẫn nên đưa họ đi cách ly tập trung, nhưng phải trên cơ sở tự nguyện.

Vnexpress ngày 20/11 dẫn đề xuất của ông Nga rằng nên áp dụng “cách ly F1 tại nhà ở tất cả các địa phương trên toàn quốc”, và bỏ cách ly F1 đã tiêm đủ liều vắc-xin vì những người này có nguy cơ lây nhiễm thấp. “F1 ở nhà tự mua kit xét nghiệm, nếu dương tính thì báo cơ quan y tế”, ông Nga nói.

Cùng bản tin trên, ý kiến của PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Đại học Y Dược TP HCM được trích dẫn, rằng với F1 đã tiêm đủ vắc-xin thì không cần phải cách ly mà vẫn được tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường với điều kiện tuân thủ 5K, nhất là đeo khẩu trang; xét nghiệm 2 lần (vào ngày thứ 5 và thứ 7 kể từ khi tiếp xúc F0). Nếu F1 có kết quả xét nghiệm dương tính mới buộc phải cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở y tế.

“F1 đã tiêm đủ liều vắc-xin và xét nghiệm âm tính nghĩa là nguy cơ mắc bệnh, chuyển nặng và lây nhiễm cho người khác đã được giảm thiểu; nếu vẫn cách ly họ sẽ ảnh hưởng đến việc phục hồi sản xuất, kinh doanh”, ông Dũng nói.

Ông Dũng viện trường hợp thực tế, rằng trong các nhà máy, nếu chỉ vài lao động nghỉ việc sẽ ảnh hưởng đến cả dây chuyền sản xuất. Ngoài ra, nếu vẫn quy định cách ly F1 đã tiêm đủ liều vắc-xin có thể khiến nhiều người giấu thông tin, khai báo không trung thực dẫn đến hệ lụy lớn hơn.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Nguyễn Quân

Published by
Nguyễn Quân

Recent Posts

Bộ Tài chính Mỹ nhắm mục tiêu vào Gazprombank của Nga với các lệnh trừng phạt mới

Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…

8 phút ago

Một trường tiểu học tồn hơn 185,5 triệu đồng tiền “nước uống” của học sinh

Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…

17 phút ago

Tổng thống Zelensky thừa nhận Ukraine không thể giành lại Crimea bằng vũ lực

Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…

21 phút ago

Nga thông báo mục tiêu tấn công “ưu tiên” mới ở Ba Lan

Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…

44 phút ago

Nhật Bản phát lệnh bắt cậu bé 14 tuổi người Trung Quốc vẽ bậy tại Đền Yasukuni

Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…

2 giờ ago

ĐBQH: ‘Không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa’

Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…

2 giờ ago