Số ca COVID-19 gia tăng, nhiều tỉnh thành tái lập chốt kiểm soát, xét nghiệm diện rộng
- Nguyễn Quân
- •
TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) thông báo gấp sẽ tái lập các chốt kiểm soát người và xe tại các cửa ngõ, hạn chế toàn bộ hoạt động kinh tế-xã hội theo vùng dịch đỏ – nguy cơ rất cao; Vĩnh Long tiến hành xét nghiệm trên diện rộng trên toàn tỉnh sau khi chuyển màu vàng, cam…
Không chỉ hai địa phương trên, một số tỉnh, thành phố trước đó ngoài nâng mức kiểm soát theo cấp độ dịch quy định tại Nghị quyết 128 đã đưa ra các quy định riêng, như lập giờ “giới nghiêm”, hạn chế đi lại đối với người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vắc-xin… trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 gia tăng.
Ngày 6/11, TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) công bố từ 0h ngày 7/11, các chốt kiểm soát ra vào TP Phan Thiết sẽ hoạt động, người dân không được ra vào, trừ các trường hợp đặc biệt; từ 0h ngày 8/11, tất cả các hoạt động kinh tế – xã hội toàn TP sẽ áp dụng theo quy định kiểm soát dịch ở cấp độ 4 (vùng đỏ). Tương tự TP Phan Thiết, huyện Hàm Thuận Bắc hiện cũng được giới chức tỉnh xếp loại là vùng đỏ.
Bốn ngày trước, ngày 2/11, ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký quyết định thiết lập các chốt kiểm soát tại các xã, phường, thị trấn cấp độ 3 và 4 (vùng đỏ, vùng cam) để quản lý người ra, vào.
Người muốn vào vùng đỏ, vùng cam bắt buộc phải xuất trình chứng nhận tiêm đủ liều vắc-xin COVID-19 hoặc có giấy chứng nhận đã điều trị khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng; các trường hợp khác phải có kết quả xét nghiệm âm tính COVID-19 trong 72 giờ.
Quyết định trên được đưa ra khi tỉnh này ghi nhận 560 ca mắc COVID-19 trong 5 ngày, từ ngày 28/10 đến ngày 1/11, tập trung ở TP Phan Thiết (hơn 300 ca cộng đồng) và huyện Hàm Thuận Bắc (hơn 130 ca cộng đồng).
Trong ngày 6/11 (tính đến 16h30), TP Phan Thiết có thêm 144 ca mắc mới, trong đó có 41 ca trong khu cách ly, 9 ca trong khu phong tỏa và 94 ca trong cộng đồng, theo Cổng thông tin UBND TP. Tổng số ca nhiễm trong TP là 2.659 ca (tính từ ngày 27/4), trong đó 1.752 ca bình phục, 19 ca tử vong.
Tối 6/11, Sở GTVT tỉnh đã đề xuất UBND tỉnh dừng toàn bộ hoạt động vận tải khách đường bộ (bao gồm: xe vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh và nội tỉnh, xe buýt, xe taxi, xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng, xe kinh doanh vận tải khách du lịch) đi/đến thành phố Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Bắc từ 0h ngày 8/11 cho đến khi có thông báo mới.
Cùng ngày 6/11, tại tỉnh Hậu Giang, Chủ tịch UBND tỉnh – ông Đồng Văn Thanh ký công văn yêu cầu từ 6h ngày 8/11, người dân không ra đường từ 21h ngày hôm trước đến 4h sáng hôm sau, trừ các trường hợp: cấp cứu, tham gia công tác phòng ngừa dịch; phòng ngừa thiên tai; người của các cơ quan báo, đài; lực lượng phát hành thư, báo; lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị; xử lý sự cố về điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật.
Các xe vận chuyển hàng hoá thiết yếu; xe đưa đón công nhân tại các doanh nghiệp đang áp dụng mô hình “1 cung đường – 2 điểm đến”; xe chở vật tư, hàng hoá xuất nhập khẩu; các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, gas được hoạt động vào thời gian trên.
Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang tạm dừng các hoạt động ăn, uống tại chỗ trên toàn tỉnh, chỉ được bán hàng mang về.
Trước thời điểm quy định trên được công bố, trong 12h tiếng, từ 18h ngày 5/11 đến 6h ngày 6/11, tỉnh Hậu Giang ghi nhận 36 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca COVID từ đầu đợt dịch (ngày 8/7) lên 1.753 ca.
Tại tỉnh Vĩnh Long, ngày 5/11, Sở Y tế thông báo toàn tỉnh là vùng dịch cấp 2 (vùng vàng), riêng TP Vĩnh Long là vùng dịch cấp 3 (vùng cam).
Trong đó, TP Vĩnh Long có 3 đơn vị cấp xã, phường thuộc vùng đỏ; thị trấn Cái Nhum thuộc huyện Mang Thít thuộc vùng đỏ.
Song song với việc nâng cấp độ dịch, UBND tỉnh Vĩnh Long thông báo tạm dừng phục vụ các dịch vụ ăn uống tại TP Vĩnh Long, tiến hành xét nghiệm 100% dân ngoài cộng đồng tại TP từ ngày 6-7/11.
UBND tỉnh Vĩnh Long đã duyệt kế hoạch lập hơn 220 tổ (gần 450 nhân viên y tế) để lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng tại tất cả các địa phương trong tỉnh, dự kiến lấy 800.000 mẫu; riêng tại TP Vĩnh Long là 93 đội lấy mẫu xét nghiệm.
Từ ngày 15/10 đến ngày 5/11, tỉnh Vĩnh Long ghi nhận gần 600 ca mắc mới; ngày 6/11 tăng thêm 97 ca nghi nhiễm mới (chờ Bộ Y tế công bố), trong đó có 71 ca cộng đồng, 19 ca trong khu phong tỏa, 7 ca là công nhân.
Cùng ngày, tỉnh An Giang nâng cấp độ dịch từ cấp 2 – nguy cơ trung bình lên cấp 3 – nguy cơ cao trên toàn tỉnh, theo quyết định do giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang – ông Trần Quang Hiền ký. Ông Hiền giải thích là do tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 đối với người từ 50 tuổi trở lên không đạt trên 80% theo Nghị quyết 128 kể từ tháng 11 nên bắt buộc phải nâng lên 1 cấp độ, theo Tuổi Trẻ.
Trong ngày 5/11, An Giang ghi nhận thêm 491 ca mắc COVID-19, trong đó có 227 ca trong khu cách ly, 190 ca trong khu phong tỏa, 73 ca trong cộng đồng, 1 ca nhập cảnh.
Tỉnh Kiên Giang điều chỉnh cấp độ dịch COVID-19 tại TP Rạch Giá và 2 huyện Châu Thành, Hòn Đất sang cấp độ 3 (vùng cam) từ 14h ngày 5/11.
Ngoài áp dụng các giải pháp hạn chế theo cấp độ dịch theo Nghị quyết 128, UBND tỉnh này hạn chế người dân ra khỏi nhà từ 19h ngày hôm trước đến 5h sáng hôm sau, trừ các trường hợp khẩn cấp.
Ngày 1/11, tỉnh Bạc Liêu nâng 2 cấp, từ vùng dịch cấp độ 2 (vùng vàng) sang cấp độ 4 (vùng đỏ – nguy cơ rất cao) trên toàn tỉnh từ 12h ngày 2/11, theo quyết định do Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều ký.
UBND tỉnh Bạc Liêu cũng ra quy định riêng khi chỉ cho người tiêm đủ 2 liều vắc-xin COVID-19 mới được di chuyển trong vùng đỏ; những người đã tiêm một liều hoặc 2 liều vắc-xin mới được di chuyển trong vùng cam.
Tin cập nhật:
Trong sáng 7/11, Chủ tịch UBND TP Phan Thiết ra quy định ngay từ ngày 7/11, người dân toàn TP không được đi ra khỏi nhà từ 19h ngày hôm trước đến 5h sáng hôm sau, trừ các trường hợp khẩn cấp và ngoại lệ gồm:
Cấp cứu, cứu hỏa; các lực lượng phòng dịch, cơ yếu; lực lượng giữ gìn an ninh, trật tự; cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí; công nhân vệ sinh môi trường, xử lý sự cố về điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật;
Xe ô tô vận chuyển hàng hóa thiết yếu, cấp bách cung cấp cho các cơ sở kinh doanh; các tiểu thương chợ đầu mối (theo danh sách cho phép của chính quyền địa phương); các trường hợp đặc biệt khác do giới chức TP quy định.
Theo Nghị quyết 128, tại vùng dịch cấp độ 4 (vùng đỏ – nguy cơ rất cao), các hoạt động bị cấm tổ chức gồm bán hàng rong, vé số; vũ trường, karaoke, quán bar, quán nét, tiệm làm tóc, làm đẹp; bảo tàng, thư viện, rạp chiếu phim, các hoạt động thể dục thể thao; các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự. Các hoạt động ngừng hoạt động/hoạt động hạn chế gồm các hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời; vận tải hành khách công cộng; trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, cửa hàng tiện ích; nhà hàng, quán ăn, chợ truyền thống; dạy-học trực tiếp; khách sạn, nhà nghỉ, điểm du lịch. Các hoạt động được mở gồm lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh hoặc liên tỉnh; các cơ sở sản xuất, công trường. Tại vùng dịch cấp độ 3 (vùng cam – nguy cơ cao), không có các hoạt động bị cấm hoàn toàn, song được xếp vào nhóm không tổ chức/ngừng hoạt động/hoạt động hạn chế gồm vũ trường, karaoke, quán bar, quán nét, tiệm làm tóc, làm đẹp; bán hàng rong, vé số; các hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời; vận tải hành khách công cộng. Hạn chế hoạt động đối với việc day-học trực tiếp; hoạt động tại cơ quan, công sở; các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; điểm du lịch, khách sạn, nhà nghỉ; bảo tàng, triển lãm, thể dục, thể thao… Các hoạt động được mở gồm lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh hoặc liên tỉnh; các cơ sở sản xuất, công trường; trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, cửa hàng tiện ích; nhà hàng, quán ăn, chợ truyền thống. |
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện xét nghiệm COVID-19 diện rộng chốt kiểm soát Nghị quyết 128