Tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh được đánh giá là tuyến chính kết nối các khu kinh tế và khu công nghiệp, cảng biển lớn, nằm trong Chiến lược hai hành lang một vành đai của Việt Nam, thuộc khuôn khổ của Khung hợp tác thương mại tự do Trung Quốc – ASEAN.
Cục Đường sắt Việt Nam vừa đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét thẩm định, phê duyệt quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.
Theo Cục Đường sắt Việt Nam, mục tiêu quy hoạch tuyến đường sắt nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải bằng đường sắt và khai thác hiệu quả tối đa năng lực của tuyến; kết nối đường sắt quốc gia với các cảng biển, các khu công nghiệp tập trung, các khu du lịch.
Đây cũng tuyến chính kết nối các khu kinh tế và khu công nghiệp, cảng biển lớn, nằm trong Chiến lược hai hành lang một vành đai của Việt Nam (hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh), thuộc khuôn khổ của Khung hợp tác thương mại tự do Trung Quốc – ASEAN.
Tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh có điểm đầu là Ga Lào Cai (tính từ điểm nối ray với đường sắt Trung Quốc) và điểm cuối là ga Hạ Long (thuộc tuyến đường sắt Kép – Hạ Long). Tổng chiều dài tuyến khoảng 427km, bao gồm 41 ga trên tuyến.
Tuyến đi qua 10 tỉnh, thành phố là Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh.
Liên danh tư vấn lập quy hoạch TRICC – TEDI chia tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh bao gồm 2 tuyến chính và 2 tuyến nhánh.
Hai tuyến chính gồm đoạn từ Lào Cai – Nam Hải Phòng – cảng Lạch Huyện dài hơn 391 km và đoạn từ Nam Hải Phòng – Cái Lân dài 50,5 km. Hai tuyến nhánh gồm đoạn từ Nam Hải Phòng – cảng Nam Đồ Sơn dài 12,6 km và đoạn Nam Đình Vũ – Đình Vũ dài 7,4 km.
Theo Cục Đường sắt Việt Nam, trên toàn tuyến sẽ có 56 cầu lớn với tổng chiều dài 47,5 km đi qua các sông Hồng, Lô, Bạch Đằng và vượt qua cao tốc Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng, Hải Phòng – Quảng Ninh, qua các quốc lộ và một số tỉnh lộ, có 11 hầm.
Toàn tuyến sẽ có 10 ga phục vụ cả hành khách và hàng hóa gồm Yên Bái, Phú Thọ, Việt Trì, Vĩnh Phúc, Vĩnh Yên, Tam Hợp, Bắc Hồng, Đông Anh, Lạc Đạo, Hải Dương, còn lại chỉ dành cho tàu hàng hoặc tàu khách. 5 ga bố trí tại cảng biển Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn, Nam Đình Vũ, Đình Vũ.
Ước tính, tổng nhu cầu vốn của tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh là hơn 179.000 tỷ đồng. Trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 23.448 tỷ đồng. Chi phí xây dựng và thiết bị là 107.260 tỷ đồng. Phần còn lại là chi phí tư vấn, quản lý dự án và dự phòng.
Theo tính toán của liên danh tư vấn lập quy hoạch là TRICC – TEDI, nhu cầu vận tải mạng đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh vào năm 2030 dự kiến là 12,7 triệu tấn hàng hóa và 4,6 triệu hành khách. Vào năm 2040 là 14,9 triệu tấn hàng hóa và 6,2 triệu hành khách. Vào năm 2050 dự kiến là 17,4 triệu tấn hàng hóa và 8,3 triệu hành khách.
Về tiến độ dự án, tư vấn kiến nghị đến năm 2030 triển khai đầu tư xây dựng đoạn tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Với đoạn tuyến Hải Phòng – Quảng Ninh sẽ được nghiên cứu triển khai sau năm 2030 cùng với lộ trình đầu tư của tuyến đường sắt ven biển Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh.
Chính phủ Mỹ mới thêm 30 công ty Trung Quốc vào danh sách cấm nhập…
George Galloway: Nga có 3 tên lửa “hoàn toàn không thể ngăn chặn” với “tên…
Tỉnh Khánh Hòa đang nghiên cứu phương án xây dựng đường hầm hơn 4km xuyên…
Theo thông tư mới ban hành có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, 12 đối tượng…
Sau hơn hai ngày gặp nạn, thi thể hai nạn nhân trên chiếc xe chở…
Tiếng đàn du dương của anh nhanh chóng thu hút sự chú ý của một…