UBND TP. Đà Nẵng chọn phương án dừng hoạt động sản xuất của hai nhà máy thép để giải quyết những bức xúc và phản đối của người dân trước tình trạng hai nhà máy gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Chiều ngày 2/3, tại UBND xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, đại diện UBND TP. Đà Nẵng thông báo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố về tình hình hoạt động của hai nhà máy thép Dana-Ý và Dana-Úc.
Theo đại diện chính quyền TP. Đà Nẵng, trong thời gian qua, hoạt động của hai nhà máy này tại thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2 (thuộc xã Hòa Liên) đã ảnh hưởng đến cảnh quan, đời sống của người dân địa phương và không phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển tại khu vực.
Do đó, lãnh đạo thành phố thống nhất không để hai nhà máy tiếp tục hoạt động tại xã Hòa Liên từ ngày 2/3, đồng thời thống nhất thu hồi, hủy bỏ phương án giải tỏa, di dời các hộ dân tại khu vực xung quanh hai nhà máy.
UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu hai nhà máy thép ngừng toàn bộ hoạt động sản xuất trực tiếp (nấu, luyện) gây ô nhiễm môi trường; còn các hoạt động vận chuyển bốc, dỡ, xuất nhập hàng hóa và các hoạt động hành chính khác của doanh nghiệp vẫn được thực hiện bình thường. Tuy nhiên, các hoạt động này được thực hiện dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng.
Đây là câu trả lời của chính quyền TP. Đà Nẵng trước sự phản đối mạnh mẽ của người dân về việc hai nhà máy gây ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe và sinh hoạt của khu dân cư.
Trước đó, từ 19h ngày 26/2, hàng trăm người dân đã vây kín cổng hai nhà máy thép không cho công nhân vào làm việc để phản đối việc hai nhà máy gây ô nhiễm. Ngày 28/2, chính quyền TP. Đà Nẵng phải tổ chức đối thoại với người dân về vụ việc.
Nhiều người dân tham dự buổi đối thoại cho biết hơn 10 năm kể từ khi hai nhà máy thép đi vào hoạt động, các hộ dân sống gần khu vực nhà máy phải chịu nhiều ô nhiễm nặng nề như: khói bụi, nước thải chưa xử lý xả thẳng ra môi trường, công ty chôn nhiều tấn xỉ sắt, thép ra khuôn viên nằm sát khu dân cư làm xáo trộn cuộc sống của người dân…
Mặc dù người dân đã nhiều lần phản ánh tình trạng ô nhiễm tại khu vực gửi đến chính quyền thành phố nhưng không được giải quyết. Cũng tại buổi đối thoại hôm 28/2, phía cộng đồng dân cư mong muốn chính quyền thành phố không tiếp tục hứa nữa mà cần chọn phương án cuối cùng: di dời nhà máy hay di dời cụm dân cư để giải quyết thỏa đáng.
Sau khi có thông báo kết luận của chính quyền thành phố về việc dừng hoạt động của hai nhà máy thép, người dân kiến nghị UBND thành phố, UBND huyện Hòa Vang và các cơ quan chức năng sớm giải quyết những vấn đề tồn tại do ô nhiễm môi trường như: trữ lượng xỉ rất lớn của 2 nhà máy, nguồn nước ngầm bị nhiễm độc… đồng thời kiến nghị thành phố hỗ trợ người dân cải tạo và phục hồi sản xuất.
Diệp Thu
Xem thêm:
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…