HĐND TP. Đà Nẵng đã thông qua chủ trương chấp nhận chuyển đổi tổng cộng gần 80 ha đất rừng tại 3 dự án.
Đối với dự án khu nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp làng Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu), tổng diện tích rừng chuyển đổi là 29,73ha. Trong đó, hơn 18 ha rừng trồng keo của các hộ gia đình, hơn 11 ha rừng trồng keo, sao đen, thông, dầu rái có nguồn vốn ngân sách thành phố.
Dự án được quy hoạch trên diện tích đất hơn 1.000 ha với vốn đầu tư dự kiến 35.000 tỷ đồng (khoảng 1,5 tỷ USD). Dự án chia làm 6 giai đoạn, hoàn thành trong 5 năm kể từ ngày khởi công.
Dự án trên được đề xuất từ năm 2011. Tuy nhiên, 5 năm sau, vào ngày 27/8/ 2016, dự án này mới được cấp quyết định chủ trương đầu tư Công ty Cổ phần Vinpearl.
Quyết định nêu rõ tiến độ xây dựng hoàn thành đồng bộ khu hạ tầng dự án theo quy hoạch được phê duyệt và đưa vào khai thác sử dụng trong thời hạn 5 năm kể từ ngày có quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, đến nay đã qua 7 năm, dự án vẫn án binh bất động chưa thể khởi công.
Tại dự án Khu công nghiệp Hòa Ninh, 44 ha đất rừng phải chuyển đổi, chủ yếu là nơi trồng keo của người dân ở xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang).
Khi khu công nghiệp này hoàn thành, dự kiến sẽ thu hút được 218 dự án, tổng vốn đầu tư 26.000 tỷ đồng.
Tại Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn, 5ha rừng phải chuyển đổi để thành phố đầu tư thêm hộc rác số 7, kinh phí dự kiến khoảng 25 tỷ đồng, trước tình trạng hộc rác số 6 sẽ đóng cửa cuối năm 2024.
Hiện mỗi ngày, Đà Nẵng thu gom rác thải sinh hoạt từ 1.800 đến 2.500 tấn, nhưng chỉ có một bãi rác Khánh Sơn xử lý bằng phương pháp chôn lấp, thường xuyên bốc mùi hôi khó chịu.
Ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP. Đà Nẵng, cho rằng việc nâng cấp hộc rác số 7 chỉ là giải pháp tình thế. Khánh Sơn là khu vực xử lý rác cho toàn thành phố nên về lâu dài cần đẩy nhanh thủ tục đầu tư hai dự án 650 tấn và 1.000 tấn một ngày để giải quyết vấn đề an ninh nguồn rác.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng đánh giá độ che phủ rừng tại thành phố còn thấp. Đến nay, Đà Nẵng vẫn chưa thực hiện xong việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng để có phương án cắm mốc, quản lý phù hợp.
Trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại Đà Nẵng, mục tiêu độ che phủ rừng giảm so với năm 2021, thấp hơn mức trung bình đề ra trong chiến lược.
Cụ thể, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được trồng năm 2022 là 130,86ha (thấp hơn mục tiêu bình quân 140ha/năm). Diện tích rừng tự nhiên được nuôi dưỡng, xúc tiến tái sinh là 270,44ha (thấp hơn mục tiêu trung bình 400ha/năm).
Tỷ lệ che phủ rừng toàn thành phố 45,5% (thấp hơn so với mức trung bình 47% đặt ra trong mục tiêu).
Đà Nẵng hiện có 18.986,53ha rừng gỗ tự nhiên giàu trữ lượng với nhiều loại gỗ quý, hiếm, có giá trị sử dụng cao, trong khi nhu cầu sử dụng gỗ tự nhiên trong xã hội ngày càng tăng. Gỗ rừng trồng và các vật liệu thay thế khác chưa đáp ứng được, dẫn đến khai thác gỗ tự nhiên trái phép luôn tiềm ẩn vi phạm, gây áp lực lớn trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Thêm vào đó, việc du khách tự do tham quan, lưu trú, đốt lửa, cắm trại qua đêm dọc tuyến du lịch và tình hình du khách đến tham quan bán đảo Sơn Trà ngày càng nhiều, các điểm dừng chân gây ô nhiễm môi trường, gây tai nạn giao thông, nguy cơ xâm nhập vào rừng trái phép và dễ xảy ra cháy rừng nhất là vào mùa nắng nóng ảnh hưởng đến sự tồn tại và sinh trưởng của hệ sinh thái tại bán đảo Sơn Trà.
Tình trạng du khách cho khỉ ăn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho du khách và động vật hoang dã, bẫy bắt động vật hoang dã trái phép trên bán đảo Sơn Trà còn xảy ra, tạo nên dư luận không tốt trong xã hội… Sở này đánh giá.
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…