Việt Nam

Dạy thêm, học thêm: Phần 2 – “Giáo viên cũng là nạn nhân thôi”

Học thêm có là gánh nặng hay không – đối với học sinh tùy thuộc rất nhiều vào nhu cầu của các em, vào khả năng lắng nghe, phán đoán của phụ huynh và sự chỉ dẫn của người thầy. Dù là “học chính” hay “học thêm”, thì “tự học” vẫn là yếu tố căn bản. Và trẻ cần thích học để có thể tự học.

Có một điều đáng lưu ý, ngay cả trong câu chuyện trẻ học thêm hay không, có thêm những nạn nhân được nhắc đến, là người lớn nhưng cũng không nắm được quyền tự chủ…

Tự học là điều quan trọng theo suốt cuộc đời, cần tôi rèn từ lúc nhỏ tới khi đến trường, vào xã hội. (Ảnh: NVCC/Trí Thức VN)

Tiếp nối từ phần 1, cuộc trò chuyện xoay quanh chủ đề “Dạy thêm, học thêm” phần 2 có thêm một góc nhìn của thầy Phùng Lê Hoàng (Hà Nội), người có 15 năm dạy trong trường công trước khi nghỉ việc, dạy tại trung tâm dạy thêm. 

Với câu hỏi học sinh có muốn học hay không, dù trong trường hay tại lớp dạy thêm…

Thầy Hoàng: Mình thì có trải nghiệm 2 chiều, khác với thầy Hạnh. Mình từ trong trường trung học phổ thông công lập đi ra. Mình gặp nhiều học sinh không thích học.

Về góc nhìn của phụ huynh thì mình đồng quan điểm với thầy Hạnh, vì mình cũng phải đi tìm thầy cho con. Mình còn phải đưa con mình đi 70km để học tiếng Anh, dù quanh đó cũng có rất nhiều người dạy tiếng Anh, vì mình tìm thấy ở người Thầy ấy, con mình không chỉ học được tiếng Anh thôi… Đứng từ nhu cầu của phụ huynh, trong xã hội có rất nhiều phụ huynh như vậy, mong muốn tìm cho con thầy tốt. Thế nhưng vấn đề là, thầy ấy đang ở đâu?

Phân tích một cách lý tính, mình hiểu là vẫn còn rất nhiều giáo viên tốt, mong muốn được cống hiến cho xã hội, và họ vẫn đang âm thầm làm; và việc dạy thêm nó là một cống hiến dạy học.

Sẽ rất tuyệt vời nếu chúng ta không chỉ khích lệ học sinh, mà các thầy còn khích lệ nhau làm sao tăng chất lượng bài giảng, làm sao để học sinh thích học.

Thầy Hoàng: Theo mình hiểu vấn đề giáo dục có 3 phương diện: Chính sách quốc gia; nhu cầu của học sinh, gia đình; và mong muốn, nguyện vọng của người thầy, cơ sở giáo dục.

Đứng từ góc độ chính sách quốc gia, thì đây là vấn đề lớn. Mình sẽ hiểu được cái thực trạng dẫn đến việc phụ huynh cũng như thầy cô phải gánh áp lực. Nhu cầu thực tế của phụ huynh là muốn con mình vào một trường tốt, ai cũng muốn con mình vào trường tốt, và nó tạo thành áp lực.

Năm nay lớp 1 Hà Nội hình như tăng lên 6.000 em, lớp 6 tăng thêm hình như 7-8.000, lớp 10 cũng tăng. Số lượng học sinh đầu cấp tăng rất nhiều như vậy. Bạn cũng biết ở Hà Nội trường lớp rất thiếu, các tỉnh thành cũng có thể như vậy, tạo ra áp lực về vấn đề học tập, dẫn đến nhu cầu đi học thêm ở ngoài cũng tăng lên.

Thầy cô thì cũng xuất phát từ nhu cầu của họ, có người tốt có người xấu, có người muốn tăng thêm thu nhập, và trong việc tăng thêm thu nhập đó họ cũng truyền tải những giá trị tốt đẹp, nhưng cũng có những người như bạn nói, họ đang làm việc không có trách nhiệm, dẫn đến vấn đề chểnh mảng trên lớp, và họ dạy thêm ở ngoài, thì có tình huống như vậy.

Áp lực thành tích ‘dội’ từ trên…

Bây giờ có tình huống học sinh không học thêm lớp của cô, thì có thể bị “đì”, hoặc có thể khó nắm được bài trên lớp, vì cô chủ yếu dạy ở lớp học thêm.

Thầy Hoàng: Áp lực thành tích từ trên ép xuống, đối với giáo viên cũng là một loại áp lực. Bây giờ bạn dạy lớp 12, và chỉ tiêu giao từ trên xuống là phải đỗ tốt nghiệp 70%, và họ bắt buộc phải ép xuống học sinh. Đấy là một phương pháp không tốt trong giáo dục. Quan điểm cá nhân của mình là như vậy.

Thầy Hạnh: Khi nãy chúng ta bàn về một số phương diện nhu cầu thực, về phương diện tích cực, còn về phương diện tiêu cực khi xã hội nhìn vào vấn đề “dạy thêm, học thêm” là nó như thế này.

Thứ nhất, vai trò của người giáo viên trong trường cực bé nhỏ, là do nhà trường, bên hiệu trưởng, mà thực ra bên hiệu trưởng lại bị từ trên nữa. Thí dụ khi mình còn dạy ở trường công, thì mỗi lần có đoàn của sở về thanh tra cái gì đó thì náo loạn cả trường lên. Về cơ bản, giáo viên có quyền lực cực kỳ kém. Bởi vì nếu thành tích lớp học không ổn là giáo viên “đứt” luôn, là về con đường công danh, tiến thân là đứt.

Và chủ trương dạy trong nhà trường không phải là từ giáo viên. Giáo viên không có quyền bắt học sinh đến học thêm trong nhà trường đâu, hoàn toàn không có quyền đâu, mà họ ở trong cái guồng đó. Ví dụ như trên bảo, chính sách nhà trường dạy thêm như vậy, và lợi ích chia về nhà trường theo tỉ lệ nào đó. Mình không biết tầng cao hơn như thế nào, nhưng ở tầm nhà trường thì giáo viên chỉ là tay chân thôi, để thực hiện việc ấy thôi.

Thầy Hoàng: Mình ở trong trường mình biết, hiện tượng mua quan bán chức thì bạn thừa hiểu rồi, để vào vị trí này thì người ta cần phải bấy nhiêu tiền, và tất nhiên vào vị trí ấy họ sẽ vẽ ra đủ trò, thậm chí có những người, mà phải dùng đến những từ như “lưu manh” và “đểu cáng”…

Thầy Hạnh: Mình nghĩ các giáo viên cũng là nạn nhân thôi, hiệu trưởng cũng là nạn nhân. Bây giờ giả sử một giáo viên trong nhà trường, hiệu trưởng yêu cầu cần dạy thêm theo chính sách của nhà trường như thế như thế. Và để lách báo chí, để lách thế này thế kia, thì họ vẽ ra đủ trò, bắt phụ huynh phải viết đơn xin học thêm, nếu không viết đơn thì … Họ phải làm thế nào để phụ huynh phải phối hợp với chính sách nhà trường, thì thậm chí nhà trường còn đưa ra đề xuất là…, thậm chí còn đưa ra các kiểu để nếu mà con không học thêm thì…

Ví dụ như vợ mình là phụ huynh, gọi điện nhắn tin cho cô giáo chủ nhiệm dạy Toán của con, bảo là hiện nay con đã có 1 chỗ học thêm, chính là bố dạy rồi, trung tâm, và điểm số con rất tốt, và để tránh việc con quá tải trên trường. Nhà trường yêu cầu học thêm tất cả các buổi chiều luôn, học kín buổi sáng và tất cả các buổi chiều luôn, con ngạt thở luôn.

Cô chỉ nói lại thế này: “Cùng là giáo viên với nhau, đừng gây khó khăn cho chị nữa”. Nghĩa là đằng sau cái lời ấy, nghĩa là cô đang phải thực hiện chính sách ép tất cả học sinh phải đi học thêm, và nếu không đi thì gây khó khăn cho cô, và cô chỉ nói ý đấy thôi. Thế là 2 vợ chồng bàn với nhau, thì vợ anh nói là: “Mình là người lớn, nếu mà gặp trường hợp cô không vui, cô “đì”, thì mình có cách ứng xử được, nhưng con của mình còn nhỏ quá, nó mới có lớp 7, gặp những trường hợp ấy nó có thể tổn thương, nó không phát triển được nhân cách và cuộc sống của con ở trên trường”.

Thế nên gia đình mình chọn phương pháp cho lành, là vẫn đi học thêm của cô. Mặc dù các bài của cô thì con kêu là dễ ơi là dễ, chán ngắt, nhưng hiện nay vẫn phải như thế. Hiện giờ rất nhiều phụ huynh là đang như thế.

Không phải việc dạy của cô là không có tác dụng, nó vẫn có tác dụng với một số bạn, mình là giáo viên mình biết mà, mình vẫn soạn bài, vẫn nhắm vào một bộ phận và vẫn rất muốn các con tiến bộ, không có một giáo viên nào mà không muốn học sinh tiến bộ, không phải họ giấu nghề để đưa học sinh đến lớp học thêm đâu, không phải như thế… Không thể nào dạy cho tất cả các em đều tiến bộ được. Như mình đã phân tích lúc trước, các em giỏi hoặc quá kém là không thích hợp học ở các lớp đông. Cái này liên quan đến chủ nghĩa bình quân tuyệt đối, cào bằng…

Học sinh dễ dàng mất gốc khi không bắt kịp những bài giảng dài, cần sức tập trung cao trên lớp học. Học thêm từ đó trở thành giải pháp để “học đuổi”, đối với một bộ phận học sinh. (Ảnh: NVCC/Trí Thức VN)

Có phải điều này còn liên quan đến chương trình giáo dục, nghĩa là chương trình không thể nào khiến cho tất cả các học sinh đều có thể học được?

Thầy Hạnh: Đúng thế, nhưng mà nhà trường lại muốn ép tất cả vào cùng một chương trình, mà cái chương trình đó lại chỉ có lợi cho một bộ phận mà thôi. Nghĩa là với bộ phận không lợi hết, họ đang bị ép đi học thêm… Việc đi học thêm sẽ làm lãng phí thời gian, lãng phí tiền bạc, và nó lấy mất cơ hội trưởng thành của các con. Đây là cái người ta nói là vấn nạn học thêm, lý do ở chỗ ấy. Tức là bị ép đi học cái mà nó không muốn học, và nó không cần học. Đó chính là vấn nạn.

Thầy Hoàng: Phổ cập thì càng xuống thấp, lại càng phải hạ tiêu chuẩn xuống…

Dạy thêm để thêm thu nhập?

Có phải dạy thêm trở thành vấn nạn còn có nguyên nhân vì lương của giáo viên quá thấp?

Thầy Hạnh: Theo tôi thấy vấn đề dạy thêm bây giờ không liên quan gì đến lương. Vì phụ huynh tìm gửi con là muốn nâng cao trình độ để con có thể đỗ vào 1 trường công tốt hoặc là 1 lớp tốt. Đấy là một nhu cầu thật, là không liên quan gì đến lương.

Vậy có mâu thuẫn với việc thầy cô dạy thêm chính vì muốn cải thiện thu nhập hay không, giống như xuất phát điểm mà thầy mở trung tâm này?

Thầy Hạnh: Thực tế, vấn đề gọi là “dạy thêm để kiếm tiền” không hẳn chỉ duy nhất là kiếm tiền đâu. Ví dụ tình huống này, mình là giáo viên, bạn là phụ huynh. Bạn bảo là: thầy ơi, con tôi rất thích học thầy, con cần thầy giúp để con có điểm số như thế như thế… Có nhiều phụ huynh nói như vậy. Thế thì nếu sắp xếp được cô sẽ mở lớp, cô sẽ dạy thôi. Và trong quá trình dạy, ai cũng vậy thôi, cứ là lao động chân chính, là lao động trí tuệ chân chính, thì người ta đều có lòng yêu thích công việc của mình, người ta cảm thấy bản thân mình có ích, giúp được người khác tiến bộ… nên dùng tư duy gọi là tăng một chút lương để giảm vấn đề dạy thêm thì nó cực kỳ vô lý, bởi vì với bộ phận đang dạy thêm thì một vài triệu đối với họ ở Hà Nội này không có tác dụng gì cả.

Thầy Hoàng: Tôi nghĩ câu hỏi này là câu hỏi không nên hỏi. Kiểu như đánh đố “trứng có trước hay gà có trước”, rồi cãi nhau. Bản thân nó tạo ra “mây mờ” cho mọi người, nếu ai trả lời “nếu thế này, nếu thế kia” thì đều trong ý đồ rồi.

Câu chuyện giống như kiểu bây giờ là ông bị ung thư gan ấy, ông chỉ đi chữa gan thôi, ông tìm mọi cách để đi chữa cái gan ấy, nhưng đó phải nguyên nhân đâu, bệnh gan ấy nó đến từ cái khác… Do vậy, khi tư duy về vấn đề dạy thêm – học thêm thì không thể chỉ tư duy từ góc độ “tiền” được. Còn nhiều phương diện khác trong cuộc sống. Bây giờ có một vài giáo viên bỏ nghề vì khó khăn, thế là người ta cho rằng muốn giáo viên không đi dạy thêm thì phải tăng tiền đi, phải có nhiều tiền thì họ sẽ không đi dạy thêm… không phải thế!

Thầy Hạnh: Mình thấy là hiện nay có một số giáo viên ở một số vùng miền, điều kiện vật chất của họ thấp, tức là so công sức mà họ bỏ ra bao nhiêu năm học tập, thì hiện nay lương của họ quá thấp, thật sự là có như vậy. Khi đó, việc tăng lương là rất chính đáng, còn kỳ vọng tăng lương để không dạy thêm thì không liên quan gì.

Hiện nay, có lẽ phần lớn những giáo viên Toán ở Việt Nam này mà có năng lực và được học sinh yêu thích, thì thông thường họ ngoài giờ trên lớp ra thì đều có dạy ở nơi khác, và cái dạy ở nơi khác đó, một cách gọi khác thì đó là “dạy thêm”, và rồi lại ám cho nó một nghĩa tiêu cực. Khi một người từ bên ngoài, một nhà báo viết một từ “dạy thêm” ấy theo nghĩa tiêu cực rồi, thì ấy là đang vô tình đặt bản thân mình đối lập với cộng đồng những người đang làm giáo dục.

Quả thực “dạy thêm” “học thêm”, hay “trung tâm luyện thi” dường như đang bị choàng thêm một lớp nghĩa không tích cực, không được coi trọng chính thức. Tôi được biết ở Nhật Bản, họ có một mô hình gọi là juku, là một mô hình dạy luyện thi chính thức trong giáo dục, song song với trường công. Tôi cũng nhớ đến Khổng Tử, Chu Văn An, hoặc các thầy giáo làng, thầy đồ khi xưa của mình đâu có dạy trong các trường học chính thức, người ta tìm đến vì cái đức độ của Thầy, cái tài năng của Thầy…

Thầy Hoàng: Mình không có ý gì … nhưng ở đây, mọi người còn có dạy thêm miễn phí nữa.

Thầy Hạnh: Tôi xin bàn rộng ra một chút: Một người trẻ nói chung, ở trong xã hội Việt Nam này về mặt cơ bản, trước khi tiến vào xã hội, đầu tiên họ trải qua những ngày tháng học hành, cha mẹ đã rất vất vả để đầu tư và bản thân họ cũng rất nỗ lực để có được sự hiểu biết, trình độ và bằng cấp. Và khi ra trường, một mặt họ bồi dưỡng sở trường ấy, một mặt dùng sở trường ấy để có được một nghề nghiệp trong xã hội này, để thực hiện cái trách nhiệm của mình với xã hội, và có thu nhập, có chỗ đứng, có được cơ sở để có thể lập gia đình, và duy trì một gia đình và thực hiện ngược lại trách nhiệm với cha mẹ và những người xung quanh.

Vật chất và tiền bạc là một trong những yếu tố quan trọng. Ai cho mình nghề nào cũng thế thôi. Bạn là kỹ sư hay bạn là công nhân, hay bạn làm gì đi nữa thì yếu tố vật chất, yếu tố tiền bạc cụ thể để trang trải cuộc sống cơ bản tối thiểu của một con người là ai cũng phải nỗ lực hết, trừ một bộ phận đã có cơ sở sẵn rồi, còn nếu không thì ai cũng phải rất bươn chải, phải rất cố gắng, nỗ lực. Với người chọn nghề làm nghề giáo viên, họ cũng phải thế.

Ví dụ như thu nhập của một giáo viên bình thường mới ra trường, ở mức 7-8 triệu/tháng, ở đất Hà Nội này, liệu có đủ tiền mua nhà, trả góp, đủ để nuôi một đứa con ăn học không? Ví dụ riêng một đứa trẻ học trường mầm non tư thục, ở mức bình thường nhất là 4 triệu, 2 đứa thì bao nhiêu tiền, lương có đủ cho 2 đứa học không… Thế thì rõ ràng là người ta cần dùng sở trường của mình, lao động một cách chân chính để tăng thêm thu nhập là một điều tất yếu chứ? Bất kỳ ai cũng vậy thôi, đều cần nỗ lực như thế. Nếu họ không nuôi sống được bản thân mình, và thực hiện được trách nhiệm với những người xung quanh thì họ đều cảm thấy mình đều phải nỗ lực, ở mức độ cơ bản về mặt vật chất. Một mặt có thể nâng cao trình độ, một mặt phải lao động, nếu chiếu theo phạm vi hẹp thì giáo viên dạy thêm là rất bình thường, rất chính đáng thôi.

Tạo nên niềm hứng khởi học hành cho học sinh là giá trị “ẩn” khó có thể đo lường bằng vật chất. (Ảnh: NVCC/Trí Thức VN)

Đạo nghĩa của người thầy

Với các thầy đây, dạy toàn thời gian ở trung tâm, không dạy trong các trường công lập thì rất dễ hiểu. Nhưng có một tình huống liên quan đến các thầy cô trong biên chế, hay là hợp đồng toàn thời gian trong trường, mà như báo chí đưa tin có tình huống dạy trên lớp sơ sài, khiến trò buộc phải đến lớp dạy thêm… Băn khoăn của nhiều người là thầy cô đã dành hết tâm huyết trong các bài giảng trên trường chưa?

Thầy Hạnh: Tôi xin bàn 2 ý:

Thứ nhất, đối với những người giáo viên trong hệ thống giáo dục, họ là những người lao động trực tiếp, họ nên được xã hội và phụ huynh và chính sách giúp họ thành tựu, giúp họ thực hiện tốt nghề của mình, không nên đối kháng với họ và bới lỗi của họ. Đó là xuất phát điểm rất quan trọng. Xã hội chúng ta không tôn trọng, không trân trọng họ, và không tạo điều kiện cho họ thực hành chức vị của mình trong giáo dục, thì đó là một xuất phát điểm đã sai rồi.

Thứ hai, là một người giáo viên, họ chịu áp lực từ phía trên. Còn một bộ phận họ phải dạy thêm bên ngoài nữa, còn có rất nhiều yếu tố chi phối, ví dụ trong những học sinh của họ có bạn đã giỏi rồi và muốn học tốt hơn nữa và muốn học chính giáo viên đó, vì họ có đức độ, có năng lực và phụ huynh muốn con được bồi dưỡng thêm, phát triển năng lực, trí tuệ – đó là một nhu cầu chính đáng. Một bộ phận khác là có những đứa trẻ có thể nghiện game, có thể còn bị ô nhiễm bởi rất nhiều cái khác, nó bị trượt xuống, không theo được chương trình, theo môn cơ bản, thì phụ huynh đều có một nhu cầu là muốn con được cải thiện, muốn con được trở lại trạng thái bình thường, và do đó cần phải có một người hỗ trợ. Do đó nếu giáo viên họ hỗ trợ những trường hợp như vậy, cũng là rất bình thường và chính đáng. Còn bộ phận theo được chương trình học không có nhu cầu học thêm thì cũng là bình thường.

Vậy nên với một bộ phận những giáo viên dạy thêm, về cơ bản mình nên trân trọng họ, trân trọng giá trị sức lao động của họ. Còn thì, bạn nghĩ xem, trong bất kể ngành nghề nào, gồm cả giáo viên, giáo dục, cũng sẽ có những người có tư tưởng biến dị, đạo đức trượt dốc, vậy thì đặt họ vào đâu thì họ cũng làm những điều trượt dốc thôi. Ngoài điều đó ra thì cơ chế cũng quan trọng.

Vấn đề then chốt chính là nhân tâm, là đạo đức của con người. Đó mới là then chốt.

Vậy làm thế nào giữ được đạo đức nghề thầy? Ý nghĩa của người làm thầy là ở đâu, thưa thầy?

Thầy Hoàng: Nói về ý nghĩa của người thầy, hiện nay có một bộ phận người trong xã hội mắc vào tư duy cực đoan: một là rất coi trọng vật chất mà không coi trọng tinh thần, hoặc rất coi trọng tinh thần mà không coi trọng vật chất, nghèo rớt mồng tơi nhưng lại nói tôi chỉ cần tinh thần thế thôi.

Mình có một người dì, dì có nói một câu: Con ơi, muốn giúp người ta thì mình phải “Có”. Đầu tiên mình phải “Có” đã. Mình có sức khỏe thì mình cho sức khỏe. Mình có tiền thì mình cho tiền. Mình có tri thức thì mình cho tri thức.

Do đó nói về ý nghĩa của người thầy cũng vậy, đầu tiên là phải thành tựu bản thân, phải tự nuôi sống bản thân, nếu có vợ con thì cần thực hiện trách nhiệm với gia đình, cần có trách nhiệm với chính bản thân và gia đình… đồng thời còn có ở góc độ tư tưởng, nếu tư tưởng không được học tập rèn giũa để thăng hoa, để mình không bị hãm vào một cái gì đó, coi mình như một vị “công nhân dạy học” chẳng hạn, thì như vậy là không ý thức được trách nhiệm của người thầy, nói rộng hơn là không ý thức được ý nghĩa sinh mệnh của họ…

Ở đây mình muốn bàn đến là, ý nghĩa của người thầy, đầu tiên là phải ý thức được ý nghĩa của sinh mệnh là gì, mình sinh ra mình làm gì, và thậm chí suy ra được nguồn gốc sinh mệnh của mình đến từ đâu… khi hiểu được điều đó, thì thực hiện được trách nhiệm. Và cần phải là một quá trình thực hiện, chứ không thể ngay lập tức thực hiện được những việc cao cả, đầu tiên phải làm tốt chính bản thân mình, cho gia đình mình, sau đó qua quá trình học tập, tu dưỡng, thì tùy theo cái trí tuệ, tư tưởng, trình độ của mình cao đến đâu, thì mình dần dần mình giúp, trí tuệ càng cao, càng có nhiều thì càng giúp được nhiều người.

Thầy Hạnh: Là một người đọc sách Thánh Hiền, mình cảm thấy cần phải gánh trách nhiệm với những người tương lai, ấy là xuất phát điểm.

Mình làm nghề dạy Toán, trong dạy Toán, bản thân mình và các thầy cô giáo phải luôn luôn là người tu dưỡng phẩm hạnh và rèn luyện chuyên môn, đề cao cả 2 phương diện ấy, và thông qua việc dạy Toán mà truyền đạt, dẫn dắt và thực hiện trách nhiệm trải thảm về mặt văn hóa truyền thống, nhân sinh quan đúng đắn và các giá trị phổ quát như: biết nghĩ cho người khác, lương thiện, chân thật, có ý chí và không ngại khó ngại khổ… cho những người trẻ. Thông qua tương tác với học sinh, thì cũng có liên quan đến phụ huynh mà lan tỏa những giá trị phổ quát ra ngoài xã hội. Nếu mình thực sự làm được tốt, thì nó cũng sẽ trở thành một mô hình để người khác học theo, trong hiện tại và trong tương lai.

Cảm ơn các thầy về cuộc trò chuyện!

Cát Minh (thực hiện) – Nguyễn Quân (biên tập)

Cát Minh

Published by
Cát Minh

Recent Posts

BlackRock bị cáo buộc không báo cáo đầy đủ rủi ro khi đầu tư tại Trung Quốc

Tổng chưởng lý của 17 tiểu bang Hoa Kỳ đã gửi thư cảnh cáo tới…

12 phút ago

Vụ ám sát cựu Tổng thống Kennedy: FBI phát hiện 2400 hồ sơ mới liên quan

FBI cho biết hôm thứ Ba (11/2), họ đã phát hiện 2400 hồ sơ mới…

42 phút ago

Ngoại Trưởng Rubio: Ông Trump muốn giải cứu toàn bộ công dân Hoa Kỳ bị giam tại Nga

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump quyết tâm bảo đảm đưa toàn bộ công dân…

44 phút ago

Elon Musk kêu gọi cải tổ sâu rộng NATO

NATO cần một cuộc đại cải tổ sâu rộng, theo quan điểm của tỷ phú…

1 giờ ago

Tổng thống Trump muốn đóng cửa Bộ Giáo dục Mỹ “ngay lập tức”

Hôm thứ Tư (12/2) Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông muốn đóng cửa…

1 giờ ago

TP.HCM đón mưa lớn trái mùa tháng 2 bất thường trong hàng chục năm qua

Trận mưa đêm 12 và rạng sáng 13/2 ghi nhận được tại một số trạm…

2 giờ ago