“Nếu đứa trẻ học đuối mà tìm được một người thầy tuyệt vời thì rất là tốt, nên tất yếu sẽ sản sinh ra việc là cần phải đi Tìm-Thầy-Cho-Con. Bản thân mình là phụ huynh, mình cũng cần đi tìm thầy cho con…” – thầy giáo Nguyễn Hữu Hạnh (Hà Nội).

Anh 1
Thầy Nguyễn Hữu Hạnh từng dạy THPT, sau đó nghỉ việc và dạy môn Toán tại trung tâm luyện thi. (Ảnh: Trí Thức VN)

Ngày 14/2 tới, Thông tư 29/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chính thức có hiệu lực. Theo quy định mới, giáo viên không được dạy thêm ngoài trường có thu tiền với học sinh chính khóa của mình, không được dạy thêm với bậc tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Việc dạy thêm và học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho ba nhóm: học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề chưa đạt, học sinh được lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp.

Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Bài phỏng vấn dưới đây xin được dẫn một góc nhìn của thầy Nguyễn Hữu Hạnh (SN 1982) – giáo viên Toán tại Trung tâm Trọng Đức (Hà Nội) về vấn đề dạy thêm, học thêm, từ góc độ nhu cầu xã hội – của học sinh và phụ huynh học sinh. 

Nhiều giáo viên cho rằng: “Việc dạy thêm ngoài giờ là chính đáng vì xuất phát từ nhu cầu của học sinh, tại sao lại bị cấm?”. Thầy nghĩ sao về vấn đề này? Theo thầy, học sinh có nhu cầu học thêm hay không? 

Thầy Hạnh: Đây là một câu hỏi rất hay, và nó không đơn giản để trả lời đơn nhất vào một tình huống, mà mình nghĩ là nên chia trường hợp.

Nói cụ thể, trong môn Toán của mình, giả sử có những em có năng lực về Toán, yêu thích môn Toán, muốn thi học sinh giỏi, muốn thi vào trường chuyên có uy tín, có chất lượng đào tạo tốt. Nhưng thầy cô tại trường tại lớp không đủ trình độ hoặc không có điều kiện, hoàn cảnh thời gian để dạy học sinh những cái đó… thì trẻ con tự nhiên sẽ phải đi tìm những người thầy giỏi, tâm huyết, đang dạy bộ môn ấy… để học, đó là nhu cầu thật. Nhu cầu ấy là tất yếu thôi.

Một bộ phận nữa là, trong bối cảnh nhà trường bình thường, một lớp học có thể có 3-4 chục học sinh, và học sinh ở các trình độ khác nhau thì phân ra 2 đầu: đầu thứ nhất là những em rất giỏi, và đầu thứ 2 là những em rất yếu. Bản thân người giáo viên quản 40 học sinh rất khó để có thể làm tốt nhất cho tất cả học sinh, bởi vậy học sinh ở 2 đầu kia là chưa nhận được sự đào tạo tốt nhất, do đó, 2 đầu này về cơ bản là có nhu cầu tìm một thầy giáo hay lớp học, tóm lại là tìm một lớp học thêm sát với trình độ của mình. Đây cũng là nhu cầu có thực. 

Giả như đầu học kém gặp được người thầy, thứ nhất là rất có trình độ, hiểu biết được quy trình kiến thức để cho học sinh tiến bộ như đến bước 3 cần qua bước 2, bước 1. Giả dụ nếu người thầy không nắm được quy trình ấy thì có thể là con đang ở trình độ 1 mà lại cho bài ở trình độ 4, trình độ 5 thì tất nhiên là con sẽ không hiểu, và con sẽ đau khổ. 

Trình độ ở đây gồm nhiều phương diện, trong đó có phương diện chuyên môn Toán, phương diện tâm lý, nghiệp vụ sư phạm và tình yêu thương với trẻ, tình trân trọng sinh mệnh thì rất khó để giúp người khác thay đổi. Nếu đứa trẻ học đuối mà tìm được một người thầy tuyệt vời thì rất là tốt, nên tất yếu sẽ sản sinh ra việc là cần phải đi Tìm-Thầy-Cho-Con. Bản thân mình là phụ huynh, mình cũng cần đi tìm thầy cho con.

Với phụ huynh, đối với các thầy cô trên trường thì mình không chọn được, nhưng với các thầy cô để học thêm, bồi dưỡng thêm những môn quan trọng như Toán, Văn, Anh hay các môn nghệ thuật khác thì mình là phụ huynh, mình có quyền lựa chọn, và mình cần chọn những người thầy, nhìn chung là những người thầy tử tế.

Như vậy thì đó là nhu cầu của phụ huynh hay là nhu cầu của học sinh?

Đó là nhu cầu của phụ huynh. Ở độ tuổi của các con, các con chưa thể phân định được như thế nào là tốt, là xấu, là đúng là sai, cho nên đối với phụ huynh, các con dưới 18 tuổi thì cần có trách nhiệm giáo dục các con, định hướng cho các con. Trong quá trình dạy dỗ điều gì đó, các con cũng cần trải qua những rèn luyện khắc khổ.

Vậy cứ dưới 18 tuổi là cha mẹ có thể ép các con học?

Không phải, dùng từ ép không hay… không phải là ép, mà là có trách nhiệm với việc giáo dục con.

day them hoc them cau chuyen tim thay cho con
Thầy Hạnh trong một buổi giảng dạy tại trung tâm. (Ảnh: Trí Thức VN)

Nếu mà con không muốn, mình có “ép buộc” không?

Con không muốn thì có nhiều trạng thái không muốn: nếu đứa trẻ ấy ở trạng trong trạng thái lý tính, nó cân bằng lý tính, nó biết rõ đang như thế nào, thì mình sẽ đóng vai trò tư vấn. Còn nếu như nó đang ham chơi, nó lười học, nó không muốn học, thì mình làm cha làm mẹ cũng cần tìm các biện pháp: có lúc mình cần khích lệ nó, nhưng cũng có lúc mình phải nghiêm khắc với nó, chứ không thể nào mà chiều theo cái nó thích được.

Nếu nó bảo nó không thích học mà không cho nó học, thì đó là sai lầm rất lớn của phụ huynh. Mình là người lớn cũng thế thôi, có những lúc mình lười, mình sai lầm, mình thích cái gì đó nhưng nó không thực sự đúng, thì mình rất cần những người thầy, người anh, chị đồng nghiệp, những người bên cạnh nhắc nhở, khuyên bảo. Ngay cả người lớn còn thế.

Cái từ “ép” đó, nếu mình dùng nó không cẩn thận thì nó sẽ bị sai lạc đi mất.

Tuy nhiên, cũng cần bàn đến trường hợp định hướng của cha mẹ và ý chí của con cái không đồng nhất với nhau. Giả dụ như cha mẹ muốn con vào trường này, nhưng sau khi con vào học thì lại không đúng với ý nguyện của con. Hay về chuyện thi cử không như ý, và thực tế đã có những câu chuyện rất buồn xảy ra…

Tất nhiên, mỗi một đứa trẻ, mỗi một con người, nó không phải là một công thức tuyệt đối, nhưng mà có những phụ huynh cực đoan, và bản thân những đứa trẻ cũng có vấn đề, rất nhiều phương diện, thì sẽ nảy sinh ra những trường hợp đáng tiếc. Nhưng mình nghĩ không thể lấy một vài trường hợp đáng tiếc để phủ định một phương pháp giáo dục nghiêm khắc với những người trẻ.

Có 2 kiểu cực đoan, một kiểu cực đoan là chiều theo mong muốn nguyện vọng sở thích, nghĩa là chiều trẻ. Ở đây mình dạy học mình biết, có những đứa trẻ ngại khó, khi gặp một bài toán ở trình độ của nó là khoảng 8-9 điểm, nó kêu khó không làm được và nó về nói với cha mẹ là thầy dạy khó, và nó xin nghỉ. Thế thì phụ huynh có 2 lựa chọn: 1 là xin cho con nghỉ, con kêu khó, con không học được, chị không muốn ép con. Thế thì hậu quả đứa trẻ sẽ thế nào? Nó càng ngày sẽ càng thấy cái gì nó cũng khó, và cứ khó là nó sẽ xin nghỉ, nó thoái thác, và sẽ trở thành đứa trẻ rất yếu nhược, không có được một trí tuệ và bản lĩnh. 

Nhưng ngược lại có những phụ huynh khác, đứa trẻ về kêu như vậy, thì phụ huynh tư vấn, có lúc căng có lúc chùng, nhưng rất là cứng rắn và yêu cầu con phải cố gắng, vì con chưa nỗ lực hết sức. Rồi đứa trẻ lại quay lại nó học, và nó sẽ vượt qua. Vậy nên việc ép hay không, bản thân việc cứng hay mềm này là một sự lựa chọn trong một thời điểm, và đối với một số người thôi, nó hợp hay không, chứ không có nghĩa là cứng là tốt hay mềm là tốt, mà cần phải phối hợp, cái này là trí tuệ của phụ huynh thôi. 

Có lẽ để nói về một sự hoàn hảo của xã hội thì không có đâu, vì xã hội này không chỉ giáo dục mà bất kể ngành nghề nào cũng đều có rất nhiều vấn đề, và giáo dục cũng có rất nhiều vấn đề, biểu hiện trong phương diện dạy thêm học thêm; quan niệm về “dạy thêm học thêm” có rất nhiều vấn đề cần bàn.

Anh 2
Trên bình diện xã hội, dạy thêm/học thêm có nhiều điều cần bàn. Với học sinh, nếu được định hướng đúng đắn có thể giúp cải thiện năng lực và hứng thú với việc học. (Ảnh: Trí Thức VN)

Trong các lớp học trò của thầy, theo thầy thì có khoảng bao nhiêu % học sinh đến học là do nhu cầu của chính các em, và bao nhiêu % là nhu cầu của cha mẹ.

Ở trong lớp học thêm của mình chỉ có một trường hợp duy nhất, đó là trường hợp các con muốn đi học. Nhưng trong trường hợp muốn đi học này lại có 2 tình huống: 

Thứ nhất là các con muốn học giỏi hơn, do các thầy cô trên trường không đáp ứng được nhu cầu. Tỷ lệ này là chiếm đa số, mình không chính xác được, nhưng ở khối 8 thì khoảng 70-80%, các con đã khá rồi và muốn giỏi hơn nữa. 

Một bộ phận nữa là con gặp vấn đề về môn Toán ở trên trường, và không giải quyết được, nó không thích học. Nhưng từ góc độ phụ huynh thì nhìn ra vấn đề, là nếu con không học được môn Toán thì không lên được cấp 3, thì rất không lợi… có thể phụ huynh thấy tố chất con học tốt, nhưng do hoàn cảnh khách quan hoặc do xao nhãng vào trò chơi điện tử, nên con bị kém đi… và phải tìm giải pháp giúp con quay trở lại niềm yêu thích với môn học. Vào thời điểm đó thì nó không thích, nó còn chối đây đẩy, nhưng có phụ huynh thì ép nó đi đến lớp, nhưng tất nhiên là không ép được lâu … và với một kỳ vọng, hy vọng là qua 1, 2 buổi là nó sẽ thích trở lại, nếu nó không thích thì vẫn phải cho nó nghỉ, thì nó sẽ không đi học nữa… 

Hiện nay nói tuyệt đối thì mình không nói, nhưng hầu hết những em trong trạng thái do phụ huynh “đẩy” đến đây, thì qua 1, 2 buổi đã qua trạng thái ấy, con thích đến.

Về phương pháp của người thầy, mình nghĩ thứ nhất là phải giữ được sự tự tế, và sự lý trí, quý người… mình không nhìn vào điểm dở, điểm không hoàn thiện, mình có thể nhìn vào điểm tích cực của trò, và khích lệ điều tích cực đó… Khi đứa trẻ bị bố mẹ, thầy cô chê nó nhiều về môn Toán, thì dễ sinh ra tậm trạng ức chế. Nhưng khi đến lớp học, thầy có thể nhìn thấy ưu điểm của nó, từ một điểm nhỏ trong tư duy, một điểm nhỏ trong kỹ năng của nó, thì nó cảm thấy được thừa nhận, và tự tin trở lại. Và thứ hai là phương pháp về quy trình dạy học, học sinh đang ở trình độ 1 thì chỉ đẩy lên trình độ 2 thôi, chứ không đẩy lên trình độ 3 được. Ngoài việc đó ra, có phương pháp dạy bài bản hệ thống thì học sinh sẽ hiểu bài, và dần dần lấy lại căn bản và thích học lại.

Cát Minh (thực hiện) – Nguyễn Quân (biên tập)

Đón xem Dạy thêm, học thêm: Phần 2 – “Giáo viên cũng là nạn nhân thôi”