Việt Nam

ĐBQH: Giá nhà ở xã hội 25 triệu/m2 vượt quá khả năng của người lao động

Thảo luận tại Quốc hội ngày 24/5, các đại biểu nhấn mạnh giá nhà ở xã hội 25 triệu đồng/m² và giá thuê 6 triệu đồng/tháng là rào cản lớn với người lao động thu nhập thấp, đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ thiết thực.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân. (Ảnh: quochoi.vn)

Ngày 24/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận về Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, chia sẻ rằng hàng triệu người lao động thu nhập thấp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và đô thị lớn chỉ mong có một mái nhà nhỏ để an cư, yên tâm làm việc, nuôi dạy con cái và phụng dưỡng cha mẹ.

Tuy nhiên, với mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng, họ phải chi trả cho nhiều khoản như tiền ăn, học phí, thuê nhà, điện nước và các chi phí sinh hoạt khác. Điều này khiến việc tiếp cận nhà ở xã hội trở thành giấc mơ xa vời.

Bà Trân nhấn mạnh rằng giá nhà ở xã hội hiện nay, dù được gọi là ưu đãi, vẫn quá cao, trong khi tiêu chí và thủ tục xét duyệt không phù hợp với người thu nhập thấp, khiến nhiều người đăng ký nhưng phải từ bỏ.

Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, giá nhà ở xã hội 25 triệu/m2 vượt quá khả năng của người lao động. (Ảnh: quochoi.vn)

Đồng quan điểm, ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết giá nhà ở xã hội khoảng 25 triệu đồng/m² là quá cao so với thu nhập dưới 15 triệu đồng/tháng của người lao động. Giá thuê nhà ở xã hội, với mức 200.000 đồng/m², tương đương 6 triệu đồng/tháng cho căn hộ 30 m², cũng vượt khả năng chi trả của nhóm đối tượng này, chủ yếu là người trẻ, có công việc bấp bênh và thu nhập chưa ổn định.

Ông Hạ nhận định, dù đã có nhiều chính sách, nhu cầu nhà ở xã hội ngày càng tăng nhưng nguồn cung còn hạn chế, chưa đáp ứng được thực tế.

Ông Thạch Phước Bình, đại biểu đoàn Trà Vinh, cho rằng giá bán và giá thuê nhà ở xã hội chưa hợp lý. Ông dẫn báo cáo Kiểm toán Nhà nước năm 2022, chỉ ra dấu hiệu gộp khống chi phí vào giá nhà ở xã hội tại một số địa phương. Ngoài ra, việc kiểm soát chuyển nhượng nhà ở xã hội còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng trục lợi và đầu cơ.

Ông đề xuất công khai chi tiết phương án giá bán, giá thuê trên cổng thông tin điện tử của các tỉnh, đồng thời tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư và người lao động trước khi phê duyệt.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh. (Ảnh: quochoi.vn)

Ông Phan Đức Hiếu, đại biểu đoàn Thái Bình, nhận định việc xác định giá trần hoặc cho phép doanh nghiệp chủ động giá bán có thể giúp giảm chi phí và giá nhà ở xã hội.

Ông cũng đề xuất thí điểm xây nhà ở lưu trú cho công nhân, bỏ yêu cầu bắt buộc trong khu công nghiệp, và mở rộng điều kiện cho doanh nghiệp mua nhà ở xã hội làm nhà lưu trú.

Về quỹ đất, ông Hoàng Văn Cường, đại biểu đoàn Hà Nội, kiến nghị với các dự án nhà ở thương mại được phê duyệt trước Luật Nhà ở 2023, phần diện tích nhà ở xã hội nên được chuyển sang đất thương mại và đấu giá để tạo quỹ phát triển nhà ở xã hội.

Ông Trịnh Xuân An, đại biểu đoàn Đồng Nai, đề xuất cơ chế “một cửa, một đầu mối” tại Sở Xây dựng để đơn giản hóa thủ tục, với thời gian thẩm định hồ sơ tối đa 90 ngày. Ông cũng đề nghị cập nhật cơ sở dữ liệu về người đủ điều kiện mua nhà ở xã hội.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030” đã triển khai 679 dự án (623.000 căn), nhưng mới hoàn thành 108 dự án (73.000 căn). Năm 2025, chỉ tiêu là 100.275 căn, nhưng hiện chỉ hoàn thành 15.600 căn và khởi công 19.492 căn.

Ông Minh thừa nhận vướng mắc về cơ chế, thủ tục, và quy trình thực hiện, đặc biệt với gói tín dụng 145.000 tỷ đồng, khi chỉ giải ngân được khoảng 3% (3.400 tỷ đồng) sau 5 năm do thủ tục tín dụng phức tạp.

Ông cho biết dự thảo nghị quyết đã lược giản nhiều thủ tục, giảm thời gian thực hiện xuống đáng kể so với mức 300 ngày hiện nay.

Về giá bán, ông Minh khẳng định không thể áp giá sàn do đơn giá vật liệu khác nhau giữa các địa phương, và giá sẽ được phê duyệt dựa trên dự toán của Sở Xây dựng và Sở Tài chính.

Các đại biểu đề xuất bổ sung cơ chế trợ giá, bù giá từ ngân sách hoặc quỹ nhà ở quốc gia, đảm bảo giá nhà ở xã hội phù hợp với thu nhập của người lao động, cùng với quy trình xét duyệt minh bạch để người lao động có cơ hội tiếp cận công bằng.

Minh Long

Minh Long

Published by
Minh Long

Recent Posts

Trung Quốc tái bùng phát COVID-19 với triệu chứng họng đau như cắt

Trung Quốc đang chứng kiến làn sóng COVID-19 mới, với nhiều bệnh nhân báo cáo…

21 phút ago

Tin tặc Trung Quốc kiểm soát hơn 2.000 máy chủ trên toàn cầu – Báo cáo của Hàn Quốc

Một tổ chức tin tặc bị nghi ngờ có liên hệ với Trung Quốc đã…

28 phút ago

ĐCSTQ điều tra dự án thuộc tập đoàn của giá tộc Lý Gia Thành

Hồng Kông điều tra “chống tham nhũng” đối với dự án của CK Asset Holdings…

36 phút ago

Đồng Nai: Bé gái 10 tuổi bị cuốn trôi xuống suối

Khi các bạn tắm mưa, bé gái 10 tuổi bị trượt chân, rơi xuống dòng…

59 phút ago

Đường dây đa cấp gần 200.000 thành viên bán TPCN chứa chất cấm

Một đường dây kinh doanh theo mô hình đa cấp gần 200.000 thành viên, trong…

2 giờ ago

Tổng thống Donald Trump phát biểu tại lễ tốt nghiệp tại Học viện Quân sự West Point

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Bảy (24/5) đã có bài phát biểu…

2 giờ ago