Đề xuất bỏ khẩu hiệu ‘Tiên học lễ, hậu học văn’ từ GS Thêm: Nên hay không nên?

GS Trần Ngọc Thêm (Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM) đề xuất cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.

GS Trần Ngọc Thêm đề xuất cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”. (Ảnh: ulis.vnu.edu.vn)

Đề xuất trên được GS Thêm nói tại Hội thảo giáo dục 2021 với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 21/11.

Theo GS Thêm, lý do đề xuất chấm dứt khẩu hiệu trên là để “khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo”.

Ông Thêm lý giải thêm “Tiên học lễ, hậu học văn” là sản phẩm của nền giáo dục Nho giáo. Khi đã “Tiên học lễ” rồi thì con người sẽ trở nên thụ động, sẽ không còn tư duy phản biện nữa. “Tiên học lễ” đòi hỏi quan hệ một chiều, người dưới tôn trọng người trên. Còn “sức sáng tạo và sự phản biện” tồn tại trong quan hệ hai chiều, người dưới và người trên cần có sự tôn trọng lẫn nhau.

“Chừng nào còn đề cao chữ “lễ” thì người học còn bị trói buộc trong quan hệ kính trọng một chiều. Chừng nào còn đề cao chữ “Lễ” để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển”, GS Thêm nói.

Nên bỏ khẩu hiệu, thay thế bằng môn học giáo dục nhân cách

Báo Dân Trí dẫn lời thầy N.T.H. (giáo viên cấp 2 tại Hà Nội) cho rằng lâu nay khẩu hiệu này được duy trì nhưng lại không chú trọng chuyển hóa thành hiện thực. Giáo viên không có cơ hội và cũng không biết làm thế nào để có thể dạy “lễ” cho học sinh. Đây là lý do dẫn đến nhiều sự việc đáng trách như học sinh “xử” nhau bằng vũ lực; trò hỗn láo, đòi “solo” với giáo viên hay người thầy không tôn trọng ý kiến, quan điểm cá nhân của trẻ…

“Nếu chỉ đơn giản là treo khẩu hiệu rồi quên đi việc thực hiện phương châm ấy, thì theo tôi là nên chấm dứt để giảm thiểu căn bệnh hình thức. Trên thực tế, bất cứ khẩu hiệu nào, dù hay và ý nghĩa đến đâu, nhưng cũng sẽ trở nên vô giá trị khi nó mãi chỉ là khẩu hiệu suông, nói mà không làm hoặc làm không đến nơi đến chốn”, thầy H. nói.

Theo phụ huynh Lê Hải Nam (Hà Nội), khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” cần nên bỏ và thay thế bằng môn học giáo dục nhân cách để học sinh thích ứng và hòa nhập với xã hội hiện đại.

“Chữ lễ trong khẩu hiệu quả là khó hiểu với trẻ em, bởi ngay cả người lớn (trong đó có tôi) cũng hiểu lơ mơ về nó. Giáo dục không dựa trên những tiêu chí cụ thể rõ ràng sẽ không mang lại hiệu quả. Do đó, đã đến lúc phải chấm dứt hô hào khẩu hiệu. Thay vì nói khơi khơi là học “Tiên học lễ..”, chúng ta nên dạy học sinh cách giao tiếp, ứng xử xã hội”, ông Nam nói.

GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho hay “đã đến lúc nên chấm dứt khẩu hiệu này bởi mỗi thời đại cần đưa ra một khẩu hiệu, phương châm giáo dục riêng. Không nên đem khẩu hiệu từ thời Nho học, phong kiến để áp vào thời đại xã hội chủ nghĩa; nhất là giai đoạn kinh tế tri thức, cách mạng công nghiệp như hiện tại”.

“Tiên học lễ, hậu học văn” không hề cũ, vẫn phù hợp với mọi thời đại

Nói trên báo Lao Động, cô Nguyễn Thị Tuyết (giáo viên tại Thanh Hóa) cho rằng, mỗi khẩu hiệu đều mang một ý nghĩa riêng và gắn liền với một triết lý giáo dục. “Tiên học lễ” tức là trước nhất phải học đạo làm người, học các quy tắc ứng xử, lấy đức làm gốc rễ, nền tảng để tạo dựng nhân cách con người. “Hậu học văn” tức là học văn hóa, rèn luyện kiến thức, trình độ chuyên môn cao.

“Đổi mới giáo dục không đồng nghĩa với đoạn tuyệt quá khứ mà phải kế thừa và phát triển. Giáo dục đạo đức trong nhà trường đang bị buông lỏng, một bộ phận học sinh sa sút đạo đức, lối sống, văn hoá ứng xử và yếu kém về kỹ năng sống. Thay vì bỏ triết lý “tiên học lễ, hậu học văn” chúng ta nên chú trọng vào giáo dục đạo đức, khơi dậy ý thức đạo đức lành mạnh ở người học để các em tự giác nhận thức được trách nhiệm đạo đức của mình”, cô Tuyết nói.

Em Nguyễn Khánh Linh (học sinh Trường THPT tại Long Biên, Hà Nội) cho rằng “Tiên học lễ, hậu học văn” đề cao vai trò của đạo đức, của việc thành nhân trước khi thành tài và thành đạt. “Quan điểm này phù hợp trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh, mọi thời đại”, em Linh nói và chia sẻ thêm “Tiên học lễ, hậu học văn” chính là “nền tảng để con người tiến tới sự hoàn thiện về trí tuệ và nhân cách”.

Báo Tuổi Trẻ dẫn ý kiến của bạn Phạm Tuệ Nhi (TP.HCM) cho hay “Tiên học lễ, hậu học văn” chính là quan điểm giáo dục truyền thống, xem trọng việc bồi dưỡng về đạo đức, góp phần hình thành nhân cách tốt đẹp cho người học. Dù chịu ảnh hưởng từ khuôn khổ của giáo dục truyền thống phương Đông nhưng “Tiên học lễ, hậu học văn” không hề cũ, mà ngược lại vô cùng cần thiết trong xã hội hiện tại.

“Đặc biệt, ở nhịp sống hiện đại ngày nay, khi thế hệ trẻ đang bị chi phối bởi rất nhiều làn sóng văn hóa trên toàn cầu, vấn đề về đạo đức, nhân cách và chỉ số cảm xúc của con người đang dần được đề cao hơn.

Sẽ nguy hại như thế nào nếu thế hệ trẻ khi trưởng thành, chỉ có tài năng, vốn tri thức sâu rộng nhưng lại thiếu mất đạo đức lễ nghi, không biết bao dung, yêu thương và san sẻ với những người chung quanh.

Một xã hội chỉ thật sự phát triển khi có những cá nhân có nền tảng đạo đức tốt, thấu hiểu và lan tỏa những hành vi đẹp, nhân ái và giàu tình cảm”, bạn Tuệ Nhi nêu quan điểm.

GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm là giáo sư, tiến sĩ khoa học ngành ngữ văn, nhà văn hóa học nổi tiếng của Việt Nam. Ông nguyên là Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư Ngành Ngôn ngữ học; Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM; Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương của Việt Nam. Ông được phong hàm PGS năm 1992; phong hàm GS năm 2002 và từng được bầu làm thành viên nước ngoài của Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên Nga năm 1999.

GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm là tác giả của nhiều công trình khoa học về ngôn ngữ và văn hóa, như: Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt (xuất bản lần đầu năm 1985, tái bản 7 lần), Cơ sở văn hóa Việt Nam (xuất bản lần đầu năm 1995, tái bản 7 lần), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam (xuất bản lần đầu năm 1996, tải bản 3 lần, bản dịch tiếng Pháp tái bản 3 lần, bản dịch tiếng Hoa mới ra mắt tại Đài Loan tháng 12-2019)…

Ông Thêm được tặng Huân chương lao động hạng III năm 2009, Huân chương lao động hạng II năm 2016…

Hoàng Minh (t/h)

Xem thêm:

Hoàng Minh

Published by
Hoàng Minh

Recent Posts

Đề xuất đưa vàng mã, túi nilon vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…

3 giờ ago

Giám đốc Sở KH&CN Quảng Ngãi bị kỷ luật khiển trách

Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…

4 giờ ago

Tổng thống Biden: Trát ICC đòi bắt Netanyahu là “thái quá”

Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…

5 giờ ago

Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…

6 giờ ago

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

7 giờ ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

7 giờ ago