Thế Giới

Lãnh tụ tối cao Iran Khamenei xuất hiện trước công chúng sau nhiều tuần

Lãnh tụ tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei đã lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng vào hôm thứ Bảy (5/7) kể từ sau cuộc chiến kéo dài 12 ngày nổ ra giữa Israel và Iran. Ông xuất hiện trong một lễ tưởng niệm đêm trước ngày Ashoura, một ngày lễ quan trọng đối với người Hồi giáo. 

Lãnh đạo tối cao Cộng Hòa Hồi giáo Iran Ayatollah Ali Khamenei. (Ảnh qua Saharab Daily)

Sự vắng mặt của ông Khamenei trong suốt thời gian cuộc chiến diễn ra cho thấy biện pháp an ninh nghiêm ngặt dành cho vị lãnh đạo này, vốn là người có tiếng nói quyết định trong mọi vấn đề của quốc gia. Truyền hình nhà nước Iran phát sóng cảnh ông Khamenei vẫy tay và gật đầu đáp lại đám đông đang hô vang khi họ đồng loạt đứng dậy chào đón ông bước vào và tọa tại một nhà thờ Hồi giáo gần văn phòng và nơi ở của ông tại thủ đô Tehran. 

Không có báo cáo khẩn cấp nào về bất kỳ tuyên bố công khai nào được đưa ra. Các quan chức Iran như Chủ tịch Quốc hội Iran cũng xuất hiện tại buổi lễ. Những sự kiện như vậy luôn được tổ chức dưới sự bảo vệ an ninh nghiêm ngặt . 

Vị lãnh tụ tối cao của Iran đã ẩn náu trong hầm trú ẩn suốt thời gian cuộc chiến diễn ra để tránh các mối đe dọa đến tính mạng của ông đang ngày càng gia tăng. 

Sau các cuộc không kích của Hoa Kỳ nhằm vào ba cơ sở hạt nhân then chốt của Iran, Tổng thống Donald Trump đã phát đi những cảnh báo đến vị lãnh đạo Iran thông qua mạng xã hội Truth Social rằng Mỹ biết chính xác vị trí nơi ông ta đang ẩn náu nhưng không có ý định thủ tiêu, “ít nhất là tại thời điểm này”.

Vào ngày 26/6, không lâu sau lệnh ngừng bắn có hiệu lực, ông Khamenei lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng sau nhiều ngày im lặng, ông tuyên bố trong một bài phát biểu được ghi hình trước rằng chính quyền Tehran đã “tát vào mặt nước Mỹ” bằng cuộc tấn công đáp trả nhằm vào một căn cứ không quân của Mỹ tại Qatar, đồng thời cảnh báo rằng bất kỳ cuộc tấn công tiếp theo nào từ phía Mỹ hoặc Israel nhằm vào Iran sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng. 

Trước báo giới và trên mạng xã hội, Tổng thống Trump đáp lại: “Nghe này, ông là một người có đức tin mạnh mẽ. Một người rất được kính trọng ở đất nước của mình. Nhưng ông cần phải nói ra sự thật, rằng ông đã bị chúng tôi đánh cho tơi tả”. 

Phía Iran thừa nhận có hơn 900 người đã thiệt mạng trong cuộc chiến, cùng với hàng nghìn người bị thương. Nước này cũng xác nhận các cơ sở hạt nhân đã chịu thiệt hại nghiêm trọng và từ chối cho phép các điều tra viên thuộc cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc được tiếp cận vào các cơ sở này. 

Tổng thống Iran vào hôm thứ Tư (2/7) đã ra lệnh đình chỉ hợp tác với cơ quan giám sát, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), càng làm hạn chế khả năng của các điều tra viên trong việc theo dõi chương trình hạt nhân vốn đã làm giàu uranium ở mức gần đạt cấp độ vũ khí. Phía Israel đã phát động cuộc chiến vì lo ngại rằng Iran đang cố gắng phát triển vũ khí nguyên tử. 

Không có bất kỳ báo cáo chính xác nào về mức độ thiệt hại của các cơ sở hạt nhân của Iran, liệu có bất kỳ lượng uranium đã làm giàu hay máy li tâm nào được chuyển đi trước khi cuộc không kích xảy ra, và liệu phía Tehran có còn sẵn sàng tiếp tục đàm phán với Hoa Kỳ về chương trình hạt nhân của nước này hay không. 

Israel cũng đã nhắm mục tiêu vào các hệ thống phòng thủ, các quan chức quân sự cấp cao và các nhà khoa học nghiên cứu hạt nhân của Iran. Để đáp trả, Iran đã phóng hơn 550 tên lửa đạn đạo nhằm vào Israel, nhưng phần lớn đã bị đánh chặn, khiến 28 người thiệt mạng và gây ra thiệt hại tại nhiều khu vực. 

Lễ tưởng niệm do Lãnh tụ Khamenei chủ trì vào hôm thứ Bảy (5/7) là để tưởng niệm cuộc tử đạo vào thế kỷ thứ 7 của cháu trai Nhà tiên tri Muhammad, ông Hussein. 

Người Hồi giáo Shiite chiếm khoảng 10% trong tổng số 1,8 tỷ tín đồ Hồi giáo, và họ coi Hussein là người kế thừa hợp pháp của Nhà tiên tri Muhammad. Cái chết của Hussein trong cuộc chiến dưới bàn tay của người Sunni tại Karbala, phía nam của Baghdad, đã tạo ra một sự chia rẽ trong cộng đồng đạo Hồi và tiếp tục đóng vai trò then chốt trong việc hình thành bản sắc của người Shiite. 

Tại Iran, nơi đa số người dân theo Hồi giáo Shiite, những lá cờ đỏ tượng trưng cho máu của Hussein và trang phục tang màu đen thể hiện sự tiếc thương. Các đoàn rước gồm những người đàn ông đấm ngực và tự đánh mình để biểu thị lòng sùng đạo mãnh liệt. Một số người phun nước lên những người tham dự buổi lễ dưới cái nóng gay gắt. 

Minh Hoàng

Tôi yêu thích và quan tâm tình hình chính sự và thông tin thời cuộc thế giới, bình luận và phân tích về chính trị Mỹ, Trung và thế giới nói chung. Hiện tại tôi đang đóng góp cho chuyên mục Thế giới của báo trithucvn.org.

Published by
Minh Hoàng

Recent Posts

Trước 15/7, Bộ Tài chính phải trình dự thảo Nghị định về tiền mã hóa

Công điện số 104/CĐ-TTg ngày 6/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, trước ngày…

25 phút ago

Mỹ sắp công bố loạt thỏa thuận thương mại lớn nhằm tránh cuộc chiến thuế quan

Hôm 6/7 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết quốc gia…

27 phút ago

Thanh niên Mỹ định nghĩa lại ‘thành công’: Sức khỏe quan trọng hơn tiền bạc

Những công việc lương cao không còn là tiêu chuẩn vàng để một số thanh…

5 giờ ago

Hà Nội tăng giá vé metro Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – Cầu Giấy 30-40%

Từ ngày 1/8, giá vé lượt hai tuyến metro Cát Linh - Hà Đông và…

7 giờ ago

Không cấp vũ khí cho chế độ đàn áp Kitô giáo ở Kiev — Dân biểu Mỹ

“Tôi hứa rằng sẽ không có vũ khí nào tài trợ cho ông,” dân biểu…

7 giờ ago

Đá sao Hỏa lớn nhất có thể được bán đấu giá với giá 4 triệu đô la

Sotheby's, một nhà đấu giá nổi tiếng thế giới, cho biết một thiên thạch được…

8 giờ ago