Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết đơn vị tư vấn đề xuất giá vé 15.000 đồng cho tuyến metro số 1. Mức giá chính thức sẽ do thành phố quyết định.
Ngày 5/1, Phó Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM – ông Hoàng Như Cương cho biết đơn vị tư vấn gói thầu xây dựng nhà ga Bến Thành đến ga Nhà hát TP đưa ra giá vé tuyến metro số 1 là 15.000 đồng.
Mức 15.000 đồng được tính và cộng cùng các khoản thu ngoài vé để hình thành doanh thu dự kiến. Ông Cương cho biết đây là dự kiến của đơn vị tư vấn và cho hay đề án giá vé metro sẽ do Công ty vận hành đường sắt đô thị TP nghiên cứu. UBND và HĐND TP sẽ quyết định mức giá vé chính thức.
Trước đó, vào đầu năm 2015, ông Đặng Hữu Hòa, Phó giám đốc tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) cho hay mức giá metro dự kiến là 8.000 + 800 đồng (giá bước lên metro là 8.000 đồng và mỗi km cộng thêm 800 đồng).
Về tiêu chí tính giá vé, ông Cương cho biết giá vé được tính toán để đảm bảo metro có thể hoạt động, nhưng cũng phải tính đến yếu tố khuyến khích người dân đi metro. Dự kiến thành phố còn có các tiện ích kèm theo như phí gửi xe máy thấp, các trạm dừng của xe buýt phải thuận tiện… Hành khách đi metro sẽ sử dụng thẻ từ thông minh – dự kiến có thể dùng để đi tất cả các tuyến xe buýt trong thành phố.
Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM – ông Lê Nguyễn Minh Quang cho hay đến năm 2020, tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên sẽ đi vào hoạt động. Sắp tới sẽ lập “Tổ đặc nhiệm” do Chánh văn phòng Ban quản lý làm tổ trưởng. Tổ này có quyền dừng thi công công trình khi phát hiện có các dấu hiệu mất an toàn.
Khởi công từ tháng 8/2012, Dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) có tổng vốn 2,49 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng) (nguồn vốn vay ODA Nhật Bản và vốn trong nước). Theo thiết kế, tuyến đường sắt đô thị này dài gần 20 km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP.HCM) và huyện Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Trong đó, khoảng 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga). Công trình dự kiến được đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2020. Sau khi hoàn thành, dự kiến tuyến metro này có thể vận chuyển được khoảng 186.000 khách/ngày (giai đoạn đến năm 2020) và sau đó tăng lên 620.000 khách/ngày (giai đoạn năm 2020 – 2040). Hệ thống tàu điện ngầm được cho là nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông của TP.HCM. Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020, tổng 7 tuyến metro, 3 tuyến xe điện mặt đất sẽ được xây dựng và vận hành. |
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…