Trước nhiều ý kiến thảo luận từ các nhà chuyên môn và cộng đồng, lãnh đạo TP. Đà Nẵng đã lựa chọn phương án xây hầm chui qua sông Hàn.

ham-chui-qua-song-han-2
Mô phỏng hầm chui qua sông Hàn. (Ảnh chụp Youtube/ Britec_Media)

Ông Lê Văn Trung – Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng cho biết Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng vừa chốt phương án làm hầm chui qua sông Hàn dự kiến khởi công vào năm 2018.

Dự án có tổng vốn 4.700 tỷ đồng lấy từ ngân sách thành phố và khai thác quỹ đất. Công trình nối thẳng từ nút giao Đống Đa – Như Nguyệt (quận Hải Châu) qua nút Vân Đồn (quận Sơn Trà) với quy mô 6 làn xe. Để thực hiện dự án, thành phố dự kiến sẽ giải tỏa 210 hộ dân thuộc diện ảnh hưởng ở 2 đầu của hầm.

Nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia và cộng đồng

Việc TP. Đà Nẵng lựa chọn phương án xây cầu hay hầm chui qua sông Hàn nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học,… và cộng đồng trong suốt thời gian qua với nhiều ý kiến đồng thuận và trái chiều.

Trên Báo Giao Thông, Kiến trúc sư Hoàng Quang Huy – Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Đà Nẵng cho rằng việc xây thêm cầu sẽ làm mất không gian và vẻ đẹp của dòng sông, biến sông Hàn thành con kênh chật chội và làm xấu đi cấu trúc đô thị.

Kiến trúc sư Huy cho hay xây hầm chui qua sông Hàn là phương án tốt nhất dù tốn nhiều tiền đầu tư và vận hành. Ông Huy cũng đề nghị “TP.Đà Nẵng cần xem xét kỹ vị trí xây hầm chui có tuyến metro đi qua trong tương lai không, từ đó có thể nghiên cứu kết hợp 2 trong 1”.

Theo một số ý kiến khác, nếu Đà Nẵng muốn giữ lại khoảng mặt sông rộng rãi duy nhất còn lại trên sông Hàn để phục vụ đua thuyền, các lễ hội trên sông và có khả năng chỉnh sửa thiết kế về sau… thì giải pháp hầm chui là phù hợp nhất. Bên cạnh đó, cảng sông Hàn (cách vị trí dự kiến làm công trình khoảng 500m) đang được thành phố quy hoạch thành bến tàu du lịch, việc xây hầm sẽ giúp cảng hoạt động tối đa.

Trong khi đó, nhiều ý kiến trái chiều cho rằng TP. Đà Nẵng nên cân nhắc việc xây hầm chui qua sông Hàn vì chi phí xây dựng, chi phí duy tu bảo dưỡng hàng năm rất lớn trong khi khu vực dân cư từ phía quận Hải Châu sang quận Sơn Trà không thực sự lớn.

Ông Trần Dân – Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Đà Nẵng cũng không đồng tình với phương án làm hầm chui qua sông Hàn mà chọn phương án xây cầu.

Ông Dân chia sẻ trên báo Gia Đình & Xã Hội: “Tôi thấy bỏ một nguồn vốn quá lớn để làm hầm là không được, trong khi nguồn thu không phải là lớn lắm. Mà nguồn thu là của dân chứ của ai? Lãnh đạo có quyền quyết chi tiêu, nhưng chi tiêu quá lớn như vậy thì có ổn không? Chưa kể, hàng năm phải mất gần 30 tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng, quản lý nữa. Đây là công trình vĩnh cửu, nếu cứ mất số tiền hàng năm lớn như thế, hàng trăm năm thì sẽ ra sao?”.

Tầm nhìn dài hạn vì tương lai của thành phố

Trao đổi về dự án, ông Lê Văn Trung – Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng cho rằng phương án xây hầm chui qua sông Hàn đảm bảo các tiêu chí như không phá vỡ cảnh quan chung của sông, giữ lại khoảng không trên sông thuận lợi cho việc tổ chức các sự kiện lớn của thành phố như Lễ hội pháo hoa quốc tế, Cuộc đua thuyền buồm quốc tế Clipper Race…

Tại cuộc họp báo ngày 21/12/2016, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cho biết dự án xây hầm chui qua sông Hàn đã được chuẩn bị rất kỹ, sau hơn một năm thảo luận, lãnh đạo thành phố mới chọn phương án này.

Ông Xuân Anh nhấn mạnh: “Quan điểm của chúng tôi là không nghe bên nào cả… Chúng tôi sẽ cân nhắc, quyết định trên tinh thần vì sự phát triển của thành phố, vì tầm nhìn của thành phố, vì tương lai của thành phố. Chúng tôi là lãnh đạo thành phố. Hãy cho chúng tôi thẩm quyền được quyết định…

Ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cũng chia sẻ thêm, việc xây hầm chui qua sông Hàn sẽ tốn hơn 1.000 tỷ đồng so với làm cầu. Tuy nhiên, thành phố chọn phương án làm hầm vì sử dụng mặt nước sông tốt hơn cho các sự kiện lớn, trong khi làm cầu thì không đậu tàu bè, không hoạt động đường thủy được; đồng thời cũng giúp giảm áp lực dân cư, mật độ dân số lên hạ tầng giao thông của thành phố.

Dự án hầm chui qua sông Hàn do Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Cầu Lớn – Hầm (BRITEC – Bộ GTVT) thiết kế theo phương án hầm thẳng nhằm giảm độ dốc khi vào hầm để đảm bảo an toàn cho các phương tiện khi lưu thông, dự kiến sẽ được hoàn thành trong 36 tháng.

Đăng Nguyên (T/h)

Xem thêm: