Doanh nghiệp Xuân Trường vừa đề xuất với UBND TP Hà Nội thực hiện dự án du lịch tâm linh có quy mô 1.000 ha ở khu vực chùa Hương với tổng vốn đầu tư dự kiến 15.000 tỷ đồng.
Theo đề xuất, dự án có quy mô khoảng 1.000 ha (phía Bắc giáp khu bến đò Suối Yến, phía Nam giáp khu du lịch Tam Chúc, phía Tây là dãy núi giáp với tỉnh Hòa Bình, phía Đông giáp sông Đáy tỉnh Hà Nam).
Dự án gồm các hạng mục như nạo vét các dòng chảy để tạo đường thủy khoảng 20 km (giống như Tràng An); khôi phục, tôn tạo đền chùa miếu mạo trong khu vực; xây dựng một tháp mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế cao 100 m để thờ Xá Phật Lợi (tâm điểm là tháp đá đỏ granit); xây dựng hệ thống dịch vụ, khách sạn, nhà hàng…
“Chùa Tam Chúc nằm sát với chùa Hương (Hà Nội), chính vì vậy doanh nghiệp muốn xây dựng Khu du lịch tâm linh Hương Sơn thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội ở giữa chùa Tam Chúc và chùa Hương, với diện tích 1.000 ha gồm núi đá có cây và đầm lầy.
Nếu được triển khai, doanh nghiệp cam đoan Khu du lịch tâm linh Hương Sơn sẽ trở thành di sản văn hóa cùng với khu du lịch Tam Chúc Hà Nam vào năm 2028; khi khu du lịch hoàn thành, sẽ đón từ 6 – 8 triệu lượt khách/năm, tạo việc làm cho 30.000 lao động và ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng/năm”, theo nội dung công văn số 5360/KH&ĐT-NNS do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội gửi UBND TP Hà Nội hồi tháng 9.
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cho biết ngày 13/11, cơ quan này đã chủ trì cuộc làm việc, nghe Doanh nghiệp Xuân Trường báo cáo tóm tắt ý tưởng dự án Khu du lịch tâm linh Hương Sơn. Hiện, Sở vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội báo cáo về đề xuất trên.
Xuân Trường là doanh nghiệp đã đầu tư và đề xuất đầu tư nhiều khu du lịch tâm linh như: Quần thể Bái Đính – Tràng An (Ninh Bình), Khu Du lịch Tam Chúc – Ba Sao (Hà Nam), khu tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp (Hải Phòng), Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên)…
Dự án xây dựng khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) cũng do Xuân Trường làm chủ đầu tư, với tổng diện tích lên tới 18.940 ha, trong đó Hồ Núi Cốc có diện tích khoảng 2.500 ha. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, vốn của Nhà đầu tư và các nguồn vốn hợp pháp khác. Dự án được thực hiện từ năm 2016, dự kiến đến năm 2035 hoàn thành, tuy nhiên đầu năm 2018, tỉnh Thái Nguyên quyết định dừng dự án đến sau năm 2020. Tính tới thời điểm trên, khoảng gần 2.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách đã được chi cho công tác giải phóng mặt bằng.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…