Đó là ý kiến của ĐB Lưu Bình Nhưỡng nhận định về vấn đề giáo dục Đại học.
Sáng ngày 7/9, Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, trong đó có vấn đề tài chính và tự chủ đại học.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết hiện có hai loại ý kiến khác nhau về mô hình hệ thống cơ sở giáo dục đại học.
Thứ nhất, cơ sở giáo dục đại học gồm có trường đại học và đại học (hệ thống các trường đại học).
Theo đó, hạt nhân cơ bản của hệ thống giáo dục đại học là trường đại học có cơ cấu gồm các trường chuyên ngành, các khoa, bộ môn và các tổ chức cần thiết khác phục vụ cho hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ tùy theo nhu cầu của nhà trường.
Luật quy định các trường đại học tùy theo nhiệm vụ, chức năng, tự nguyện hoặc được nhà nước quy định kết hợp, sáp nhập với nhau tạo thành một tổ hợp/hệ thống các trường đại học hoặc khi một trường đại học tự lớn mạnh lên và thành lập hệ thống các trường đại học thì được hình thành một Đại học. Hệ thống này được quản lý, vận hành trên cơ sở chia sẻ trách nhiệm và lợi ích chung, được luật pháp bảo vệ và có những quyền tự chủ của hệ thống.
Thứ hai, cơ sở giáo dục đại học gồm có đại học, trường đại học, học viện và các cơ sở giáo dục đào tạo có tên khác phù hợp với quy định của pháp luật, gọi chung là đại học.
Ông Bình cho hay về ý kiến này chưa giải quyết được bản chất vấn đề về mô hình trường đại học bên trong đại học của các đại học hiện nay, cả về nội dung và tổ chức, đồng thời có thể làm phức tạp thêm hệ thống khi quy định tất cả cơ sở giáo dục đại học là đại học. Các cơ sở giáo dục đại học đa lĩnh vực được thành lập các trường trực thuộc bên trong mà chưa phân định rõ tư cách pháp nhân, địa vị pháp lý của các tổ chức này.
Tại buổi thảo luận, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay quy định về mô hình đại học thể hiện trong bản dự thảo luật mới nhất chưa giải quyết được các vấn đề vướng mắc trong thực tế.
Phó thủ tướng lấy dẫn chứng hiện có rất nhiều ý kiến băn khoăn là tại sao chỉ các Đại học quốc gia, đại học vùng được gọi là “đại học” trong khi có rất nhiều các trường khác như Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế quốc dân… lại không được gọi đúng từ định danh đó.
Ngoài ra, Phó thủ tướng cho rằng còn một vấn đề nữa là khó khăn cho việc hội nhập vì khi dịch ra tiếng Anh, chỉ có một từ thống nhất để chỉ trường đại học là University.
Những hạn chế trong mô hình tổ chức hai Đại học Quốc gia cũng như ba đại học vùng hiện nay cũng được Phó thủ tướng đề cập đến. Các cơ sở này được hình thành từ những năm 1995, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, là một biện pháp sáp nhập cơ học các trường đại học lại với nhau và việc vận hành cho đến bây giờ, không phải là đều thuận lợi.
Vì thế, theo Phó thủ tướng, phương án của cơ quan thẩm tra sẽ khó tháo gỡ được những bất cập thực tế đã bộc lộ trong khi phương án đề xuất ban đầu của Chính phủ là dựa trên nguyện vọng của nhiều trường, sẽ giải quyết được một phần các vấn đề đó.
Giải trình thêm, ông Bình cho rằng yêu cầu về việc đào tạo nguồn nhân lực đang buộc các đại học phải năng động, cạnh tranh hơn, mức độ cạnh tranh thậm chí phải với cả quốc tế.
Xu hướng khác của giáo dục đại học là đa lĩnh vực, thậm chí đến trường Y giờ cũng không còn phải là chuyên ngành đào tạo độc lập nữa mà cần thiết phải đứng trong một tổ hợp. Vậy nên các trường đại học đều đang bắt đầu hình thành các tổ hợp như thế.
Ông Bình dẫn chứng Philippines đã có Đại học Quốc gia với 17 trường đại học thành viên. Nhật Bản cũng đã hình thành Tập đoàn Đại học Quốc gia để giải quyết những bài toán lớn đặt ra ở tầm quốc gia.
Dùng quyền tranh luận, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng không nên phức tạp về mô hình mà cần nhìn vào thực lực, vào nhu cầu của đất nước và của người học. Sai lầm trong việc tổ chức, phân loại là chỉ nhìn vào quy mô trường mà không nhìn vào năng lực đào tạo, vào nhu cầu của người học… Theo đại biểu Nhưỡng, việc phân loại mô hình theo hướng tư duy này ảnh hưởng lớn đến sức phát triển của giáo dục đại học.
“Xưa nay cứ nói đến Đại học Quốc gia là nói tới sự hoành tráng, quy mô nhưng trong Đại học quốc gia không phải trường nào, khoa nào cũng nhận được sự đánh giá cao từ xã hội. Trong khi đó Đại học Quốc gia lại sinh ra một bộ máy quản lý trung gian cồng kềnh, phức tạp” – ông Nhưỡng ý kiến.
Các cơ sở giáo dục đại học cần được bình đẳng trong không gian đào tạo và sáng tạo từ học thuật đến sản phẩm, không phân biệt quy mô to hay nhỏ, loại hình công lập hay tư thục.
“Nếu tiếp tục phân biệt là giết chết sự sáng tạo” – đại biểu Nhưỡng nói.
Văn Duy
Xem thêm:
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…