Categories: Thời sựViệt Nam

‘Dòng sữa cho em’ – Ngân hàng sữa mẹ thứ 4 tại Việt Nam đi vào hoạt động

Sáng ngày 6/8 vừa qua, Bệnh Viện Hùng Vương đã chính thức đưa dự án Ngân hàng sữa mẹ đi vào hoạt động. Ngân hàng có công suất 62 lít sữa mỗi ngày, dự kiến góp phần mang lại nguồn sữa có giá trị dinh dưỡng cao cho hàng ngàn trẻ sơ sinh đang cần sữa mẹ.

Bé sơ sinh đang bú sữa từ bình. (Ảnh minh họa: Tony Stock/Shutterstock)

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với nhiều chất kháng khuẩn, tăng cường sức đề kháng, chống các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là tiêu chảy và viêm đường hô hấp của trẻ. Tuy vậy, không phải người mẹ nào cũng có khả năng cho bé bú với nhiều nguyên nhân có thể do trẻ bị sinh non, thiếu tháng, mồ côi hoặc người mẹ bị bệnh đang điều trị bằng kháng sinh ảnh hưởng đến việc nuôi con bằng sữa mẹ và điển hình nhất là đợt đại dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) vừa qua tại Việt Nam đã khiến cho nhiều trẻ sơ sinh mất đi cơ hội được biết đến dòng sữa mẹ ngọt ngào.

Với tổng diện tích sử dụng lên đến 300m2, vốn đầu tư hơn 6 tỷ đồng, ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Hùng Vương là ngân hàng sữa mẹ thứ 4 của Việt Nam và có quy mô lớn nhất cả nước.

Ngân hàng được trang bị hệ thống máy hấp tiệt khuẩn, máy thanh trùng sữa hiện đại; vận hành kết hợp với phần mềm theo dõi các thông tin về sữa dành cho bà mẹ quyên tặng sữa. Hệ thống có thể thanh trùng 62 lít sữa đạt chuẩn/ngày, đứng đầu về công suất thu thập – xử lý – lưu trữ – phân phối sữa hiện nay.

Hoàng Thị Diễm Tuyết – giám đốc Bệnh viện Hùng Vương bên tủ trữ sữa thô. (Ảnh: bvhungvuong.vn)

Đáng chú ý, công trình có thời gian thiết lập nhanh khi được hoàn thiện và đưa vào vận hành trong vỏn vẹn 11 tháng kể từ thời điểm khởi công xây dựng vào giữa tâm dịch của đại dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) năm 2021.

Trong buổi khai trương, TS.BS Phan Thị Hằng, Phó giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho hay trong năm 2021, bệnh viện có hơn 5.200 trẻ sơ sinh với lượng sữa cần là hơn 12.000 lít nhưng chủ yếu được cho uống sữa công thức, chỉ có 5,5% lượng sữa mẹ ruột được vắt dành cho trẻ. Theo BS Hằng, mặc dù nguồn sữa quý giá đối với trẻ nhưng chi phí sữa thanh trùng cao vẫn chưa được Bảo hiểm y tế chi trả.

Bắt đầu vận hành thử nghiệm từ tháng 7/2022, tới ngày khai trương, ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Hùng Vương đã có 17 bà mẹ hiến tặng 235 lít sữa thô. Đa số người mẹ hiến tặng ở TP.HCM, có 2 mẹ ở Bình Dương và Long An. Ban đầu, do các mẹ chưa thực hiện lưu trữ sữa đúng cách nên có 60% lượng sữa đạt yêu cầu. Có 13 bé đã bắt đầu sử dụng 1,2 lít sữa.

Theo đó, kể từ ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại Việt Nam được mở tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng vào tháng 2/2017, chuỗi ngân hàng sữa mẹ đã dần được nối dài tại nhiều tỉnh thành.

Ngân hàng sữa mẹ của BV Từ Dũ với những chai sữa mẹ đầu tiên đã được sàng lọc và thanh trùng theo chuẩn quốc tế, tháng 3/2019. (Ảnh: medinet.gov.vn)

Hiện tại Việt Nam đang có 4 ngân hàng sữa mẹ và 1 ngân hàng sữa mẹ vệ tinh hoạt động hàng ngày, hàng giờ tiếp nhận và cho đi những giọt sữa mẹ quý giá, gồm:

  • Ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng (khai trương từ tháng 2/2017);
  • Ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Từ Dũ (tháng 4/2019);
  • Ngân hàng sữa mẹ vệ tinh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam (tháng 7/2020);
  • Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh (tháng 7/2020);
  • Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Hùng Vương (tháng 8/2022).

Đối với cơ sở vừa mở tại Bệnh viện Hùng Vương, PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết – Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết đại dịch COVID-19 vừa qua đã khiến cho nhiều em bé phải cách ly mẹ ngay khi vừa sinh ra. Vì vậy, bệnh viện rất mong thành lập ngân hàng sữa mẹ để các bé được tiếp cận nguồn dinh dưỡng quý giá này. Bác sĩ Tuyết cũng mong những người mẹ vừa sinh con cùng chung tay góp chút sức cho ngân hàng sữa mẹ để mang lại hy vọng cho nhiều trẻ sơ sinh hơn.

Lợi ích của sữa chỉ là tuyên truyền?

Nguồn sữa được trao đổi qua các ngân hàng sữa mẹ là rất quan trọng với các bé thiếu sữa và cũng là niềm vui đối với các bà mẹ đang nuôi con nhỏ. Nếu bạn đang có nhu cầu tặng hoặc nhận sữa mẹ, vui lòng liên hệ trực tiếp đến các cơ sở nêu trên để được tư vấn.

Để có thể hiến tặng sữa, người mẹ cần:

  • Là người khỏe mạnh, từ 18 tuổi trở lên
  • Không nhiễm HIV, viêm gan B, viêm gan C và giang mai
  • Không dùng các thuốc chống chỉ định trong thời gian cho con bú
  • Không hút thuốc, sử dụng đồ uống có cồn thường xuyên
  • Không có bằng chứng tiếp xúc với bất kỳ nguồn lây, ô nhiễm
  • Tình nguyện hiến tặng sữa mẹ

Phụ nữ hiến tặng sữa mẹ cho ngân hàng sữa mẹ sẽ qua các bước sàng lọc, xét nghiệm (nếu cần) sau:

1. Sàng lọc (bằng phiếu sàng lọc 10 câu hỏi)
2. Xét nghiệm máu (HIV, viêm gan B và C, giang mai)
3. Trưởng ngân hàng phê duyệt
4. Ký giấy đồng thuận hiến tặng sữa mẹ
5. Nhân viên ngân hàng đến nhà hướng dẫn cho các bà mẹ hiến tặng (cách vắt sữa, bảo quản sữa, hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ,…)

Vui lòng liên hệ tới nhân viên tư vấn để được chỉ dẫn cụ thể hơn.

Ngọc Lâm

Ngọc Lâm

Published by
Ngọc Lâm

Recent Posts

Có cách nào cải thiện tình trạng quần áo bị xù lông?

Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…

5 phút ago

Ý định của ông Trump trong việc muốn giải thể Bộ Giáo dục Mỹ

Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…

7 phút ago

Cựu Dân biểu Matt Gaetz rút lui khỏi vị trí ứng cử viên tổng chưởng lý

Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…

14 phút ago

Ông Trump bán cây đàn guitar có chữ ký với giá hơn 10.000 USD

Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…

33 phút ago

Bệnh tiểu đường gây tổn thương võng mạc như thế nào?

Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…

51 phút ago

Hungary sẽ triển khai hệ thống phòng không gần biên giới của Ukraine

Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…

2 giờ ago