Đây là thông tin được GS Phạm Hồng Tung, Tổng chủ biên Chương trình môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới, đồng thời là Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định.
Theo đó, sự kiện Gạc Ma sẽ được đưa vào 3 phần trong chương trình giảng dạy từ cấp THCS tới THPT.
– Thứ nhất là hợp phần lịch sử của môn Lịch sử và Địa lý cấp THCS. Ở học phần này, sự kiện Gạc Ma sẽ được đưa vào nội dung lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á từ 1986 đến nay và được đặt trong bối cảnh lịch sử dân tộc và lịch sử khu vực, lịch sử thế giới.
– Thứ hai, ở bậc THCS cũng có một chủ đề tích hợp dự kiến là Biển đảo Việt Nam. Chủ đề này bao gồm các nội dung về Địa lý tự nhiên, Kinh tế biển, Tài nguyên biển, Lịch sử chủ quyền biển đảo của Việt Nam, có nhấn mạnh đến chủ quyền Việt Nam trên biển và đề cập tới sự kiện Gạc Ma 1988, hải chiến Trường Sa 1988 và diễn biến cho tới nay.
– Thứ ba, chủ đề về sự kiện Gạc Ma sẽ được được dạy trong cấp THPT với hai chủ đề là Lịch sử các cuộc chiến tranh giải phóng bảo vệ Tổ quốc và chủ đề Biển Đảo Việt Nam.
Nội dung của các phần khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam bằng những bằng chứng lịch sử và pháp lý quốc tế. Đồng thời, nói rõ hành động trái với công ước và luật pháp quốc tế, chà đạp lên căn cứ lịch sử và pháp lý của Trung Quốc khi dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 và dùng vũ lực thảm sát 64 chiến sĩ ở Gạc Ma năm 1988; cũng như bác bỏ những lập luận của Trung Quốc về việc “sở hữu” biển Đông từ thời Tây Hán.
Lý giải về việc chậm đưa nội dung liên quan đến sự kiện Gạc Ma vào sách giáo khoa lịch sử trong suốt 30 năm kể từ năm 1988, GS Tung cho biết tất cả sự kiện lịch sử của Việt Nam và thế giới cần có thời gian để nghiên cứu, thậm chí là cần “độ lùi lịch sử” nhất định để sưu tập, kiểm chứng tư liệu; chiêm nghiệm, đánh giá đúng bản chất vai trò, vị trí của sự kiện trong tiến trình lịch sử dân tộc và khu vực, thế giới.
“Gạc Ma cũng là một sự kiện như vậy, và vì đây là một sự kiện tương đối phức tạp, phải nghiên cứu rất cẩn trọng. Hơn nữa, việc công bố kết quả nghiên cứu sẽ ảnh hưởng đến quá trình nhận thức lịch sử của toàn xã hội. Việc 30 năm sau mới công bố sự kiện Gạc Ma trong SGK và giảng dạy trong Chương trình giáo dục phổ thông mới càng phải cần trọng hơn” – GS Tung lý giải.
Như vậy, sau một thời gian dài, sự kiện Gạc Ma cuối cùng cũng sẽ được đưa vào chương trình dạy học. Đây không chỉ là sự tri ân những chiến sỹ đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, mà còn giúp giới trẻ hiểu rõ hơn về sự kiện này, qua đó các em học sinh sẽ có ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm và vai trò của người công dân, cũng như rèn luyện tư duy khoa học tôn trọng sự thật lịch sử.
Tuấn Minh
Xem thêm:
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…