Ngày 20/9 tới, 5 đoàn tàu tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông sẽ được vận hành chạy thử liên tục dọc trên chính tuyến ở cả hai chiều, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt, dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho hay.
Hệ thống đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông sẽ được vận hành thử ban đêm, chạy có tải trọng, vận hành nhà ga, công tác lập biểu đồ chạy tàu, vận hành các tiện ích phục vụ hành khách…
Thời gian vận hành thử kéo dài từ 3-6 tháng. Đây là giai đoạn cuối cùng trước khi đưa dự án vào khai thác vận tải thương mại.
Mỗi đoàn tàu sẽ chạy cách nhau 10 phút, xuất phát từ điểm đầu dự án là ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) đi hơn 13 km trên cao tới Cát Linh (quận Đống Đa). Vận tốc tàu chạy tối đa là 65 km mỗi giờ, tốc độ trung bình là 30-35 km mỗi giờ. Mỗi ga đoàn tàu sẽ dừng một phút. Đoàn tàu được vận hành qua hệ thống điều khiển tự động.
Tổng thầu Trung Quốc chịu trách nhiệm hoàn toàn về công tác vận hành thử nghiệm. Được biết, dự án sẽ có 681 nhân sự tham gia vào việc vừa đào tạo tại hiện trường vừa tiếp nhận dự án để sau này quản lý, vận hành và khai thác. Trong đó, 651 người trực tiếp đào tạo lực lượng cho dự án (201 người được đào tạo ở Trung Quốc, số còn lại được đào tạo ở Việt Nam), còn 30 nhân sự quản lý thông qua đào tạo. Hiện toàn bộ lực lượng kỹ sư, công nhân của Trung Quốc đã có mặt tại Việt Nam.
Theo kế hoạch ban đầu, Bộ GTVT đưa ra mốc tiến độ khai thác toàn tuyến từ ngày 31/12/2016. Tới đầu năm 2017, dự án được thông báo tiếp tục lùi tiến độ hoàn thành hơn 1 năm, dự kiến sẽ vận hành thử từ ngày 1/10/2017; khai thác thương mại vào cuối quý 1, đầu quý 2/2018. Tuy nhiên, do thiếu vốn, dự án bị chậm tiến độ, Bộ GTVT báo cáo lên Thủ tướng về việc thay đổi thời gian hoàn thành dự án vào cuối năm 2018.
Về vốn đầu tư dự án, năm 2008, dự án được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư với số vốn 8.769 tỷ đồng (552,86 triệu USD), trong đó vốn vay của Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 133,86 triệu USD. Sau 10 năm thi công với 6 lần điều chỉnh tiến độ, dự án đội vốn lên gấp hơn 5 lần, 47.325 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD). Tính theo số liệu của Bộ Tài chính, ước tính mỗi ngày Việt Nam đang phải trả cho Trung Quốc 2,4 tỷ đồng nợ gốc cộng tiền lãi phát sinh của dự án.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông có chiều dài hơn 13 km, điểm đầu tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa. Trên tuyến có 12 nhà ga trên cao và khu depot dưới mặt đất có đường ray đôi khổ 1.435mm. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa. Tần suất khai thác 3-5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến. Dự án thiết kế tốc độ 80km/h, nhưng trước mắt khai thác tốc độ 35km/h. |
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.