Giá điện tăng 4,8% từ ngày 11/10, chưa gồm thuế giá trị gia tăng, sẽ khiến các hộ gia đình dùng từ 100-300kWh/tháng tăng từ hơn 19.000 đồng đến hơn 32.000 đồng/tháng. Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng mức điều chỉnh này đã được tính toán cho “hài hòa”, “nếu đúng quy định sẽ cao hơn nhiều”…
Tại buổi trao đổi với báo giới về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện, chiều 11/10, ông Nguyễn Xuân Nam – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết với Quyết định số 1046/QĐ-EVN ngày 11/10/2024 do EVN ban hành, từ ngày 11/10, giá bán lẻ điện bình quân là 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành đã được Chính phủ và Bộ Công Thương cân đối “để không tác động nhiều đến đời sống, sinh hoạt của người dân” – ông Nam cho hay.
Đại diện EVN công bố mức tăng hóa đơn tiền điện theo từng nhóm khách hàng sau khi điều chỉnh giá điện.
Nhóm hộ sử dụng điện dưới 50kWh (chiếm 11,51% số hộ hách hàng sử dụng điện), mức tiền điện tăng khoảng 4.350 đồng/hộ/tháng.
Nhóm hộ sử dụng từ 51-100 kWh (chiếm 15,53%), mức tăng tiền điện tăng khoảng 8.850 đồng/hộ/tháng.
Nhóm hộ sử dụng từ 101-200kWh (chiếm 34,31% – nhóm khách hàng lớn nhất), mức tăng tiền điện tăng khoảng 19.250 đồng/hộ/tháng.
Nhóm hộ sử dụng điện từ 201-300kWh (chiếm 18,5%), mức tăng tiền điện khoảng 32.350 đồng/hộ/tháng.
Đối với nhóm hộ sử dụng điện từ 301-400kWh (chiếm 8,87%), mức tăng tiền điện khoảng 47.050 đồng/hộ/tháng.
Đối với nhóm hộ sử dụng điện từ 400kWh trở lên (chiếm 11,28%), mức tăng tiền điện khoảng 62.150 đồng/hộ/tháng.
Ngoài ra, theo tính toán của EVN, hiện có khoảng 547.000 khách hàng kinh doanh dịch vụ đang sử dụng điện, sau điều chỉnh, mỗi khách hàng phải trả thêm bình quân 247.000 đồng/tháng. Với 1,921 triệu hộ sản xuất, tiền điện tăng khoảng 499.000 đồng/tháng.
Với 691 khách hàng hành chính sự nghiệp, hóa đơn tiền điện sau điều chỉnh tăng thêm 91.000 đồng/tháng.
“Nếu đúng quy định, mức tăng sẽ cao hơn nhiều. Nhưng Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN đã tính toán ở mức 4,8% để hài hòa không làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển của đất nước”, ông Nam nói.
Mức tăng giá điện khoảng 4,8% sẽ làm CPI cả năm tăng khoảng 0,04%. Ông Nam cho rằng “mức tăng này cũng khá là thấp”.
Về kết quả lãi/lỗ của EVN sau khi tăng giá điện, đại diện EVN cho biết hết năm 2024, sau khi có báo cáo giá thành theo quy định báo cáo giá thành của Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), EVN mới có số liệu công bố đến báo chí.
Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết việc tăng giá điện là một trong các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng thời gian dài.
Một ngày trước khi giá điện tăng 4,8%, Bộ Công Thương công bố nội dung về kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Việc kiểm tra được tiến hành trên báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh điện (đã kiểm toán), báo cáo tài chính hợp nhất (đã kiểm toán), báo cáo tài chính (đã kiểm toán) của Công ty mẹ EVN và các đơn vị thành viên; hợp đồng mua bán điện.
Theo đó, về sản xuất kinh doanh điện năm 2023, EVN báo lỗ 34.244,96 tỷ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2023 là 12.423,40 tỷ đồng.
Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2023 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN (thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng) lỗ 21.821,56 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).
Ngoài ra, còn khoản lỗ 18.032,07 tỷ đồng chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023, bao gồm phần còn lại khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện phần còn lại năm 2019 và khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện các năm từ 2020 – 2023.
Cùng ngày 10/10, tại buổi tọa đàm “Giá thành điện – Thực trạng và giải pháp” do báo Chính phủ tổ chức, một trong những khách mời – nguyên cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa cho hay giá thành điện đang cao hơn giá bán 6,92%, là “mua cao, bán thấp”. Vì vậy cần thực hiện cơ chế giá điện theo đúng quy định để bù đắp các chi phí hợp lý, hợp lệ, tránh lỗ của ngành điện và bao cấp cho cả nền kinh tế – ông này nhận định.
Ông Hà Đăng Sơn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho hay trong cơ cấu nguồn điện, hơn một nửa là từ nhiệt điện (điện than và điện khí), khoảng 1/3 là từ thuỷ điện và phần còn lại (hơn 20%) là từ các nguồn tái tạo (điện gió, điện mặt trời).
Theo ông Nguyễn Thế Hữu – Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), trong năm qua EVN chịu áp lực khi giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng cao khi huy động các nguồn điện có giá đắt như than, dầu, giá nguyên liệu tăng. Trong khi nhu cầu điện của Việt Nam tăng cao, xấp xỉ 10-11%, nên càng phải huy động các nguồn giá cao.
EVN báo đã tiết kiệm 10-15% các chi phí định mức thường xuyên, tiết giảm 20-50% chi phí sửa chữa lớn…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…