Nhà máy điện hạt nhân Temelin ở Cộng hòa Séc. (Ảnh: Nadezda Murmakova/shutterstock)
Việt Nam khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, với hai nhà máy số 1 và 2 đặt tại xã Phước Hải và Vĩnh Hải. Dự kiến, nhà máy đầu tiên vận hành (phát điện) năm 2030, chậm nhất cuối 2031.
Ngày 2/4, Văn phòng UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết đã nhận được văn bản của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chủ đầu tư thực hiện các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục làm chủ đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1.
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 có 5 dự án thành phần, gồm: dự án Nhà máy điện hạt nhân; dự án hạ tầng phục vụ thi công Nhà máy điện hạt nhân; dự án khu quản lý vận hành, khu chuyên gia và trụ sở Ban quản lý dự án; dự án Trung tâm quan hệ công chúng về Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và dự án đào tạo nguồn nhân lực cho dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.
Dự án bao gồm 4 dự án thành phần: dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2; dự án hạ tầng phục vụ thi công nhà máy; dự án khu quản lý vận hành, khu chuyên gia và trụ sở Ban quản lý; dự án trung tâm quan hệ công chúng về Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm 2 nhà máy, tổng công suất khoảng 4.600MW. Trong đó, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 có công suất khoảng 2.400MW, đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam; Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, công suất khoảng 2.200MW, đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.
Dự kiến, nhà máy đầu tiên vận hành (phát điện) năm 2030, chậm nhất cuối 2031 để đảm bảo cho phát triển kinh tế, xã hội.
Ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), cho biết nhu cầu nhân lực của hai nhà máy là 2.400 người.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm một số quốc gia đã phát triển loại năng lượng này, Việt Nam còn cần khoảng 350 người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ các chuyên ngành luật về hạt nhân, chuyên gia nghiên cứu và phát triển (R&D)… Những nhân lực này nhằm phục vụ nghiên cứu, quản lý, vận hành, khai thác, đảm bảo an toàn cho nhà máy.
“Số lượng nhân lực nêu trên chưa tính đến nhu cầu cho quản lý Nhà nước, nghiên cứu viên tại các viện, giảng viên trong các cơ sở giáo dục”, ông Hùng nói.
Theo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội thông qua ngày 19/2/2025, tỉnh Ninh Thuận được áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất để xây dựng dự án ở mức cao nhất theo quy định nhân 1,5 lần.
Ngoài ra, Ninh Thuận triển khai đồng thời công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư song song với việc điều chỉnh dự án di dân, tái định cư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Tính đến giữa tháng 3, huyện Thuận Nam và Ninh Hải đã hoàn thành việc ban hành thông báo thu hồi đất tại vùng lõi và vùng đệm để xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân.
Cụ thể, tại dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, UBND huyện Thuận Nam đã thông báo thu hồi đất đối với 497 hộ dân tại vùng lõi xây dựng nhà máy và 27 hộ tại khu xây dựng tái định cư.
Tại dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, UBND huyện Ninh Hải đã thông báo thu hồi đất đối với 450 hộ tại vùng lõi xây dựng nhà máy và 190 hộ tại khu xây dựng tái định cư.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất Ninh Thuận (đơn vị đầu mối thực hiện di dân tái định cư điện hạt nhân), đến nay đã xác định tổng diện tích 2 khu tái định cư hai dự án điện hạt nhân là gần 920 ha.
Trong đó, diện tích khu tái định cư dự án điện hạt Ninh Thuận 1 là 64,84ha, tăng 21,17ha so với diện tích đã phê duyệt trước đây; tổng số lô đất ở 605 lô, diện tích mỗi lô 300m2.
Diện tích khu tái định cư nhà máy điện hạt nhân 2 là 54,39ha, tăng 10,74ha so với diện tích đã phê duyệt trước đây; tổng số lô đất ở 629 lô. Trong đó có 449 lô có diện tích mỗi lô 200m2, 100 lô có diện tích mỗi lô 250m2, 80 lô có diện tích mỗi lô 300m2.
Dự kiến sau khi hoàn thiện trình tự thủ tục, khu tái định cư sẽ được xây dựng hoàn thành trong thời gian 150 ngày, bắt đầu từ 29/7 đến 26/12/2025.
Hiện đơn vị này cũng đã dự trù nguồn vật liệu đất đắp đối với hai khu tái định cư vào khoảng hơn 1,5 triệu m3. Trong đó, đất cấp phối thiên nhiên khoảng hơn 540.000m3 và đất đắp nền hơn 1 triệu m3.
Quang Linh Vlogs và TikToker Hằng Du Mục bị khởi tố, bắt tạm giam vì…
Bộ Thương mại Trung Quốc hôm thứ Năm (3/4) đã yêu cầu Tổng thống Donald…
Nhu cầu cát san lấp tại TP. Cần Thơ được xác định lên tới khoảng…
Các nhà lãnh đạo của Nga và Ukraine đã sẵn sàng đạt thỏa thuận hòa…
Có lý do khiến bạn không ngủ được vào ban đêm. Bạn đã từng khổ…
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio đã trấn an các quốc gia thành viên NATO…