Hạn mặn gay gắt khiến hàng chục nghìn hộ dân ở Cà Mau thiếu nước sinh hoạt, hơn 18.000 ha lúa bị thiệt hại, ít nhất hơn 21 km đường sụt lún.
Sáng 24/2, ông Lê Văn Sử – phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau – cho biết hiện tại toàn tỉnh Cà Mau đã có hơn 18.000 ha lúa bị thiệt hại do thiếu nước, hơn 42.800 ha rừng bị khô hạn (trong đó cấp II là 8.160,4 ha; cấp III là 11.450,6 ha; cấp IV là 11.156,3 ha; cấp V là 12.101,5 ha). Hơn 20.500 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt.
Nắng nóng, khô hạn khiến cạn kiệt nước dưới các kênh, sông vùng ngọt, kéo theo tình trạng sụt lún đất ven sông, các tuyến lộ giao thông. Toàn tỉnh có hơn 1.000 điểm sụt lún.
Tuyến Tắc Thủ – Vàm Đá Bạc (tuyến đường có trị giá hơn 700 tỷ đồng mới đưa vào sử dụng 1 năm) sụt lún 5 điểm, tuyến Co Xáng – Cơi Năm – Đá Bạc có nhiều vết rạn nứt. Đường giao thông nông thôn có 907 vị trí sụt lún với tổng chiều dài hơn 21,6 km.
Đáng chú ý, đê biển Tây (đoạn từ Đá Bạc đi Kênh Mới) sụt lún khoảng 190 m, sâu từ 1,8-2 m. Trong đó, khoảng 100 m bị sụp lún hoàn hoàn toàn. Đoạn đê bị sụt lún khiến cho mặt đường bê tông và đất 2 bên đường đều bị đứt gãy.
Chênh lệch mức nước trong đồng và ngoài sông từ 2,5 m – 3,5 m khiến các cống Kênh Mới, cống Sào Lưới (trên đê biển Tây); cống Trùm Thuật Nam (trên tuyến đường Rạch Ráng – Sông Đốc) mất ổn định, nước mặn xâm nhập vào phía nội đồng (nước mặn chảy dưới bản đáy cống và hai bên mang cống). 18 cống vùng ngọt hóa cũng đang có hiện tượng tương tự.
Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài khiến mực nước trên hệ thống kênh tại tỉnh Cà Mau chỉ còn từ 0,5 – 1m. Các kênh mương nội đồng đã khô cạn.
UBND tỉnh Cà Mau nhận định hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô 2019-2020 ở ĐBSCL nói chung và Cà Mau nói riêng xuất hiện sớm và gay gắt hơn trung bình các năm trước. Với mức độ thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ đồng, ông Sử cho hay Cà Mau đang cân nhắc công bố tình huống khẩn cấp do thiên tai cấp 1 trên phạm vi toàn vùng ngọt để có những giải pháp ứng phó phù hợp.
Tuy nhiên, phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai – ông Nguyễn Trường Sơn cho rằng luật chỉ quy định thiên tai sụp lún do mưa lũ, dòng chảy, chưa quy định tình huống thiên tai sụt lún do hạn hán. Vì luật chưa quy định nên địa phương không thể dựa vào tình trạng sụt lún mà công bố thiên tai.
Ông Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam (Bộ TN-MT), nhận định nguyên nhân sụt lở có thể do mực nước ở dưới kênh dẫn bị hạ thấp quá nhiều so với hàng năm. Việc sạt lở đường chỉ xảy ra ở từng đoạn cho thấy phía sau đường chắc chắn sẽ có một cái ao hoặc hồ nước, dẫn đến sự chênh lệch mực nước giữa trong và ngoài gây ra sạt lở.
Một số ý kiến khác cho rằng Cà Mau có thể công bố tình huống thiên tai do hạn hán cấp độ 2, để từ đó tạo khung hành lang pháp lý giúp tỉnh có những quyết sách ứng phó tình trạng hạn hán, sụp lún và sạt lở đang diễn ra khắp nơi ở vùng ngọt hóa trong tỉnh.
Một giải pháp chống sạt trước mắt được tỉnh Cà Mau đề xuất là đưa nước mặn vào các con sông ở vùng ngọt hóa, dẫn nước vào kênh, để tăng áp lực nước lên các bờ kênh để hạn chế nguy sơ sụp lún, sạt lở.
Căn cứ để ông Sử đưa ra giải pháp này là các địa phương vùng mặn đang có nước không diễn ra tình trạng sụp lún. Gần nhất, khi cống ngăn mặn Trùm Thuật bị rò rỉ, nước mặn xâm nhập vào kênh thủy lợi thì các tuyến kênh này đã không còn diễn ra sụp lún.
Một số ý kiến quan ngại đưa nước mặn vào sẽ gây xâm mặn nặng nề hơn ở vùng ngọt. Trong khi đó, Viện trưởng Viện khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam – ông Trần Tân Văn đồng tình với giải pháp vì cho rằng kênh mương có lượng nước cân bằng sẽ không gây ra sạt lở.
Phó Viện Trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam Lê Quý Kha cho rằng kênh rạch khô cạn không lưu thông được, nên việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân chủ yếu dồn vào đường bộ. Tải trọng mới khác với tải trọng khi thiết kế cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sụp lún, sạt lở.
Cùng quan điểm, ông Trần Anh Tuấn – phó Cục trưởng Cục Hạ tầng (Bộ Xây dựng) cho biết đặc điểm của vùng ĐBSCL là “dưới kênh trên lộ” – khi dưới kênh khô cạn thì bao nhiêu hàng hóa chuyển lên lộ, làm gia tăng áp lực lên các tuyến lộ. Theo ông Tuấn, nếu cho nước mặn vào mà không ảnh hưởng đến trồng trọt thì cũng nên tính đến giải pháp này.
PGS.TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho rằng việc phải làm ngay là hỗ trợ người dân tích trữ nước sinh hoạt, còn về lâu dài phải chuyển nước ngọt của Mekong về Cà Mau – đây là giải pháp căn cơ đối với tình trạng hạn, mặn, sạt lở tại Cà Mau.
TS Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL lưu ý Cà Mau cần chú ý việc giữ các ô thủy lợi quy mô vài trăm hecta để trữ nước sử dụng trong mùa khô.
Trong mùa hạn năm 2016, tại tỉnh Cà Mau, hơn 64.000 ha lúa bị thiệt hại; hơn 43.500 ha rừng tràm bị khô hạn, nguy cơ cháy cấp V. Đàn gia súc bị chết 2.046 con, gia cầm là 7.754 con. Toàn vùng có 94 tuyến công trình xảy ra sạt lở, sụt lún, làm hư hỏng 113 km đường giao thông. Có 9.843 hộ dân thiếu nước sạch sử dụng. Tổng thiệt hại 1.500 tỷ đồng. |
Nguyễn Sơn
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…