Theo nhiều người dân sống ở khu vực hồ Tây, trước đây ở hồ cũng từng xảy ra hiện tượng cá chết nhưng chưa bao giờ nghiêm trọng như lần này. (Ảnh: FB Bùi Trang)
Chỉ trong vòng 3 ngày, cơ quan chức năng ghi nhận có khoảng 76 tấn cá chết ở hồ Tây (TP. Hà Nội).
Theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, đến cuối giờ chiều ngày 3/10, đã có khoảng 76 tấn cá chết tại hồ Tây được thu gom. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu nước và vật phẩm tại hồ để xét nghiệm và tìm nguyên nhân sự việc.
Hiện tượng cá chết hàng loạt tại hồ Tây bắt đầu từ ngày 1/10. Đến ngày 2/10, cá chết nhiều hơn, nổi lên trắng mặt hồ. Nhiều loại cá như cá chép, cá trôi, cá mè,… với nhiều kích thước khác nhau bị chết hàng loạt bất thường. Tới ngày 3/10, các loài cá to cũng bắt đầu chết và nổi lên dày đặc trên mặt nước, có nhiều con có trọng lượng 4-5 kg, có con nặng tới 6 kg.
UBND TP. Hà Nội đã lập Ban chỉ huy xử lý sự cố và triển khai 7 biện pháp cấp bách. Lực lượng chức năng bao gồm: Bộ Tư lệnh thủ đô, công an thành phố, sở cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn, cảnh sát môi trường cùng nhiều đơn vị khác đã được huy động để vớt cá và xử lý sự việc.
TP cũng khuyến cáo người dân không vớt, sử dụng cá chết tại hồ Tây trong những ngày qua làm thực phẩm khi chưa có kết luận chính xác của cơ quan chức năng.
Theo nhiều người dân sống ở khu vực hồ Tây, trước đây ở hồ cũng từng xảy ra hiện tượng cá chết nhưng chưa bao giờ nghiêm trọng như lần này. Cá chết trên diện rộng, trắng xóa mặt nước.
Theo kết quả kiểm tra nhanh bước đầu các mẫu nước trên diện rộng từ trong bờ ra giữa hồ, từ tầng nước mặt đến tầng nước sâu, mặt nước của hồ không có oxy, chỉ số oxy=0.
Công ty môi trường đô thị đã lắp đặt khoảng 40 máy sục khí, oxy khắp mặt hồ, đồng thời sử dụng chế phẩm Redoxy-3C để làm sạch nước hồ, khử mùi và tạo oxy tại các tầng nước sâu.
Trước tình trạng cá chết bất thường tại hồ Tây, ngày 3/10, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội – ông Nguyễn Đức Chung đã có công điện hỏa tốc yêu cầu kiểm tra, quản lý các hồ nước tại khu vực thủ đô Hà Nội.
Theo Ban quản lý hồ Tây, mỗi ngày có khoảng 4.000 m3 nước thải chưa qua xử lý từ các nhà hàng, quán ăn uống và người dân sinh sống xung quanh đổ xuống hồ. Kết quả phân tích mẫu nước gần đây cho thấy, hàm lượng amoniac gấp 3 lần tiêu chuẩn cho phép. |
Hải Linh
Xem thêm:
Bộ Y tế kiến nghị trình Quốc hội xem xét bổ sung dự toán 4.080…
Giới quan sát phân tích chiến lược "ngoại giao cây tre" của Việt Nam giúp…
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao…
Với mức tăng vốn 3.714 tỷ đồng, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng…
Càng là sự nghiệp lớn thì càng cần phải bỏ ra công sức nhiều và…
Sân bay quốc tế Liên Khương (tỉnh Lâm Đồng), cửa ngõ hàng không quan trọng…