Kênh dẫn nước Đ3 (ở huyện Krông Pắk, Đắk Lắk, được đầu tư gần 15 tỷ đồng) thiết kế thấp hơn mặt ruộng cả mét, không dẫn được nước khiến lúa của dân chết khát, bị bỏ hoang từ năm 2018. Thế nhưng, theo giới chức huyện, nguyên nhân kênh bị bỏ hoang là do tác động từ bão số 12 hồi năm 2017.
Báo chí nhà nước hôm 26/4 cho biết UBND huyện Krông Pắk đã có phúc trình gửi UBND tỉnh Đắk Lắk, Sở NN&PTNT, Huyện ủy liên quan đến kênh dẫn nước Đ3 được đầu tư gần 15 tỷ đồng nhưng lại xây thấp hơn mặt ruộng dẫn đến phải bỏ hoang…
Kênh dẫn nước Đ3 thuộc hệ thống kênh của Dự án Hồ thuỷ lợi Krông Búk Hạ được xây dựng tại xã Krông Búk (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk).
Phúc trình do bà Ngô Thị Minh Trinh, phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, gửi Sở NN&PTNT khẳng định tuyến kênh dài 1,4km sẽ đảm bảo nguồn nước tưới cho 65ha cà phê, 17ha lúa khu vực này và tạo mạch nước ngầm.
Tuyến kênh đưa vào sử dụng cuối tháng 12/2015 theo đúng thiết kế nhưng “cơn bão số 12 năm 2017 đã gây sạt lở tuyến kênh Đ3 tại nhiều vị trí, tắc nghẽn nhiều nơi, nhiều đoạn bị vùi lấp, không còn khả năng sử dụng”.
Do đó, từ năm 2018 đến nay, kênh này bị bỏ hoang.
Tuy nhiên, ông Mai Quang Vượng – giám đốc Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 8 (Ban 8, Bộ NN&PTNT) cho hay, sau khi hoàn thành bản thiết kế cơ sở, Ban quản lý đã giao hồ sơ thiết kế hệ thống kênh, trong đó có kênh Đ3 để giới chức huyện phê duyệt thiết kế kỹ thuật và bản vẽ thi công.
Ngày 27/9/2013, Ban quản lý có văn bản khẳng định tuyến kênh Đ3 đi theo địa hình phức tạp, vốn đầu tư xây lắp, giải phóng mặt bằng (thời điểm 2011) lên đến 16 tỷ đồng là quá cao, khó đảm bảo tính hiệu quả.
Ngày 4/10/2013, văn bản do ông Nguyễn Sỹ Kỷ, chủ tịch UBND huyện, ký trả lời thừa nhận suất đầu tư kênh Đ3 lớn nhưng vẫn quyết tâm đầu tư vì đây là công trình “hết sức cần thiết”.
Hậu quả của việc “quyết tâm” này chính là sau khi tuyến kênh được xây dựng, đưa vào sử dụng chưa được 1 năm thì bỏ hoang cho đến nay.
Ngoài ra, theo phản ánh của người dân nơi đây, ngay từ đầu, tuyến kênh này được thiết kế có mặt nước dẫn vào kênh thấp hơn mặt ruộng cả mét khiến nước không thể tự chảy vào ruộng mà để tưới tiêu, người dân phải dùng máy bơm bơm nước vào.
Không chỉ có vậy, sau một thời gian bỏ hoang, không phát huy tác dụng, vào cuối năm 2020, nhiều địa điểm trên tuyến kênh này bị sạt lở, làm ảnh hưởng đến đất canh tác của người dân sống xung quanh. Để khắc phục sự cố này, tỉnh Đắk Lắk phải bỏ thêm số tiền hơn 800 triệu đồng để kè rọ đá, san ủi, khắc phục.
Theo hồ sơ, quyết định điều chỉnh vốn đầu tư, lựa chọn nhà thầu làm công trình kênh Đ3 do ông Ngô Sỹ Kỷ ký, phê duyệt và do công ty xây dựng thương mại Thiện Lộc của bà Nguyễn Thị Năm (vợ ông Trần Đức Lanh, cựu phó chủ tịch huyện Krông Pắk), làm giám đốc trúng thầu thi công.
Thế nhưng, đơn vị trúng thầu sửa chữa, gia cố kênh Đ3 cũng lại chính là công ty Thiện Lộc, khiến nhiều người nghi ngại về tính minh bạch tại công trình hàng chục tỷ này.
Hoàng Minh
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…