Các cơ quan chuyên môn tỉnh Khánh Hòa cho biết hiện tượng tảo nở hoa tại vùng biển huyện Vạn Ninh đã khiến hàng chục tấn cá tự nhiên và cá nuôi tại đây chết hàng loạt từ ngày 24 đến 29/11.
Chiều ngày 29/11, tại cuộc họp liên quan đến hiện tượng cá biển tự nhiên và cá nuôi ở vùng biển vũng Sim (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) bị chết hàng loạt, các cơ quan chuyên môn đã thông báo kết quả phân tích.
Ông Đặng Hoàng Giang San – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Môi trường – Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Trung (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III) cho biết, cá chết không có biểu hiện bệnh.
Theo kết quả phân tích mẫu môi trường nước thu được tại vùng biển thôn Vĩnh Yên (xã Vạn Thạnh) ngày 24/11: các chỉ số môi trường như: pH, NH3, H2S, NO2-N, COD đều đạt so với quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước biển; chỉ số môi trường PO4 vượt so với quy chuẩn 0.2 mg/l, hàm lượng oxy hòa tan (DO) ở tầng mặt thấp hơn quy chuẩn.
Đáng chú ý, kết quả phân tích cho thấy sự xuất hiện của loài tảo gây hại với mật độ cao ở tầng mặt là: tảo Ceratium SP (mật độ 375.000 tế bào/ml) và tảo Peridinium SP (mật độ 1.500 tế bào/ml), ở tầng đáy có tảo Ceratium SP với mật độ 262.000 tế bào/ml.
Theo ông San, đây là một trong những nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt tại Vạn Ninh trong thời gian qua. Các loài tảo này khi phát triển mạnh mẽ gây mất oxy cục bộ, biến động các chỉ tiêu môi trường và ảnh hưởng đến các loài sinh vật biển.
Kết quả phân tích sơ bộ 4 mẫu nước lấy ở tầng mặt, tầng đáy tại Vạn Ninh từ Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) cũng cho thấy sự xuất hiện của tảo Ceratium SP với mất độ 514.500 tế bào/ml.
Trên cơ sở đó, ông Lê Tấn Bản – Giám đốc Sở NN&PTNT Khánh Hòa kết luận: nguyên nhân gây nên tình trạng cá chết ở Vạn Ninh thời gian qua là do tảo Ceratium SP xuất hiện với mật độ cao, các loài tảo nở hoa (thủy triều đỏ) gây tắc hệ thống mang và giảm oxy trong nước, tác động đến quá trình hô hấp của cá.
Trước đó, hàng tấn cá biển tự nhiên ở vùng biển vũng Sim bắt đầu chết hàng loạt từ ngày 24/11. Nhiều loài cá biển ở tầng đáy như: cá mú, cá hồng, cá chai, cá bống, ghẹ, chình biển,… cũng chết, nổi trắng xóa. Đến ngày 27/11, số lượng cá chết tại vùng biển này khoảng 20 tấn.
Không chỉ cá tự nhiên, cá bớp, ốc hương, tôm hùm nuôi của các hộ dân ở thôn Vĩnh Yên cũng bị chết. Theo ghi nhận, có khoảng 1.800 con cá bớp (loại 3-5 kg/con) và 500 kg ốc hương thả nuôi hơn 3 tháng, 1.000 con tôm hùm mới thả nuôi 1 tháng của 7 hộ ở thôn Vĩnh Yên bị thiệt hại hoàn toàn.
Theo người dân địa phương, khu vực xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt trước đó có xuất hiện luồng nước đỏ, đặc sánh và bốc mùi.
Hơn 117 tấn cá bớp nuôi tại Đầm Môn bị chết Sau khi hiện tượng cá tự nhiên chết hàng loạt chấm dứt, trong 2 ngày 28 và 29/11, cá bớp nuôi ở vùng biển Đầm Môn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) liên tục bị chết. Chỉ trong 2 ngày, 100% số cá bớp nuôi tại 35 hộ ở khu vực Đầm Môn bị chết, khối lượng khoảng 117,5 tấn; thiệt hại lên đến 12 tỷ đồng. Theo thông tin từ Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, khu vực Đầm Môn cũng xuất hiện luồng nước đỏ, từ khi có luồng nước đỏ này thì bắt đầu có hiện tượng cá nuôi chết. Các cơ quan chuyên môn đang tiếp tục phân tích tìm nguyên nhân. |
Thủy Minh (T/h)
Xem thêm:
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…