Tập Cận Bình thực hiện cải cách theo Trung Quốc truyền thống hay phương Tây?
- Mộc Vệ
- •
Sau khi phế bỏ hệ thống trại cưỡng bức lao động và xây dựng quy chế tuyên thệ theo Hiến pháp, đẩy mạnh cải cách quân đội, gần đây nhất lại cải cách thể chế giám sát, ông Tập Cận Bình đang dần thay đổi thể chế chính trị Trung Quốc hiện hành. Có phân tích cho rằng, ông Tập vừa noi theo mô hình chế độ dân chủ phương Tây, nhưng một phần cũng là học tập từ Trung Quốc truyền thống.
Ngày 7/11 vừa qua, ông Tập Cận Bình công bố thực hiện thí điểm cải cách thể chế giám sát nhà nước tại các địa bàn Bắc Kinh, Sơn Tây, Chiết Giang, và tuyên bố “đây là cuộc cải cách chính trị trọng đại có ảnh hưởng đến toàn cục”. Ông Tập nhấn mạnh, Ủy ban Giám sát (UBGS) thực chất là cơ cấu chống tham nhũng, là sự kết hợp hai hình thức kiểm tra giám sát chấp pháp và kỷ luật, có quyền giám sát toàn diện mọi nhân viên công vụ sử dụng quyền lực công.
Bước đi mới nhất này nhất quán với báo cáo tại Hội nghị toàn thể lần thứ 6 vào cuối tháng Mười vừa qua. Báo cáo chỉ rõ: “Các cấp ủy Đảng các cấp cần đảm bảo thực hiện kiểm tra giám sát theo pháp luật đối với cơ quan và nhân viên công chức của các tổ chức đồng cấp như Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, Chính phủ, Giám sát, Tư pháp”. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc xếp “Cơ quan Giám sát” ngang hàng với Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, Chính phủ và Cơ quan Tư pháp.
Theo thông tin, thể chế UBGS mới này ra đời từ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (đồng cấp với tổ chức này), các tổ chức đồng cấp khác như Ban Kỷ luật (Cơ quan Kiểm tra Kỷ luật Đảng) và Cơ quan Giám sát (Cơ quan Giám sát Hành chính Chính phủ) được nhập chung vào Ban Giám sát.
Thể chế mới đội lên cái mũ “Ủy ban Giám sát Quốc gia” cho toàn bộ hệ thống Ủy ban Kỷ luật từ Trung ương đến các địa phương. Quyền kiểm tra kỷ luật của Ủy ban Kỷ luật sẽ được gộp chung với quyền lực giám sát, cơ quan Kiểm tra Kỷ luật trở thành cơ quan Giám sát Quốc gia. Như vậy, ông Vương Kỳ Sơn và Ủy ban Giám sát được giám sát quan chức các cấp trên toàn quốc, toàn Đảng, không còn tranh cãi vấn đề “Đảng đứng trên pháp luật” như trong cơ chế Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật.
Từng bước thay đổi thể chế
Giới bình luận cho rằng, nếu việc thí điểm giám sát ở Bắc Kinh, Sơn Tây và Chiết Giang thuận lợi thì thời gian sửa đổi Hiến pháp sẽ không còn xa. Trong báo cáo của Hội nghị toàn thể lần thứ 6 có nhắc đến 4 hệ thống ngang hàng nhau: Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, Chính phủ, Cơ quan Giám sát, Cơ quan Tư pháp, trong đó hai cơ quan là Cơ quan Giám sát và Cơ quan Tư pháp không tồn tại trong Hiến pháp Trung Quốc hiện hành, trong Hiến pháp chỉ có “Cơ quan xét xử” (tòa án) và “Cơ quan Kiểm sát” (viện kiểm sát). Đây là cách làm sao chép mô hình của Liên Xô trước đây. Tòa án và Viện Kiểm sát là đặc trưng của chính thể Liên Xô cũ.
Thời mới xây dựng chính quyền, Trung Quốc dập khuôn theo mô hình Liên Xô, sau đó lại du nhập “chế độ Đảng lãnh đạo” của Lenin và “chuyên chính giai cấp vô sản” của Stalin. Sau khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền năm 2012 đã thực hiện thay đổi hàng loạt chính sách đặc hữu trong truyền thống ĐCSTQ, ví dụ vào tháng 12/2013 đã loại bỏ chế độ cưỡng bức lao động kéo dài hơn 50 năm.
Chế độ cưỡng bức lao động bị lên án từ lâu. Từ hệ thống này, cơ quan công an tùy tiện đưa người vào trại cưỡng bức lao động để “tẩy não” và dùng cực hình mà không thông qua tòa án thẩm vấn. Người tập Pháp Luân Công trở thành đối tượng chính bị đưa vào quy trình này kể từ năm 1999 khi ông Giang Trạch Dân phát động bức hại Pháp Luân Công. Trong Báo cáo Tự do Tôn giáo của chính phủ Mỹ năm 2008 có nhắc đến con số hơn một nửa số người được đưa vào hệ thống trại cưỡng bức lao động là người tập Pháp Luân Công. Theo trang Minh Huệ của Pháp Luân Công, trong hơn 10 năm qua có hàng triệu người tập Pháp Luân Công được đưa vào hệ thống trại cưỡng bức lao động, bị tra tấn tù đày bất hợp pháp.
Ngoài việc phế bỏ hệ thống cưỡng bức lao động, vào ngày 1/7/2015, ông Tập Cận Bình xây dựng “Quy chế tuyên thệ theo Hiến pháp”, thực thi từ ngày 1/1/2016. Trong quá khứ, nghi thức tuyên thệ này bị giới chính trị ĐCSTQ xem là sản phẩm của “chủ nghĩa tư bản”. Trong Quy chế tuyên thệ do ông Tập Cận Bình đưa ra có câu “Trung với tổ quốc, trung với nhân dân”, “chịu sự giám sát của nhân dân”, đáng chú ý là không có ý “phải trung thành với Đảng”.
Bỏ mô hình quân sự kiểu Liên Xô
Cải cách quân sự của ông Tập Cận Bình là hoạt động cải cách quân sự lớn nhất trong lịch sử xây dựng chính quyền của ĐCSTQ, theo đó ông Tập từ bỏ mô hình Liên Xô để chuyển sang mô hình kiểu Mỹ.
Chế độ quân sự kiểu Liên Xô theo kiểu “thống nhất quân chính và quân lệnh”, cơ quan lãnh đạo quân sự kiêm cả quản lý hành chính (quân chính) và chỉ huy tác chiến (quân lệnh). Đó là sự hợp nhất cao độ giữ hệ thống quân lệnh chỉ huy tác chiến và hệ thống quân chính phụ trách xây dựng và hành chính, chiều dọc là cơ cấu 4 tổng bộ trực thuộc Quân ủy gồm hải quân, không quân và hai lực lượng pháo binh, còn chiều ngang gồm các đại quân khu đồng cấp mà chức năng có thể hòa trộn hợp nhất. Hiện Trung Quốc đã hủy bỏ 7 đại quân khu. Hệ thống này phòng ngự tác chiến theo khu vực và mặt trận cố định, không còn phù hợp với chiến tranh công nghệ hiện đại.
Đa số các nước trên thế giới áp dụng mô hình quân đội kiểu Mỹ thì “phân biệt Quân lệnh và Quân chính”, nghĩa là chỉ huy tác chiến và quản lý hành chính thuộc cơ quan phụ trách khác nhau. Mô hình kiểu Mỹ hoạt động hiệu quả hơn nhiều, là mô hình các cường quốc quân sự thế giới ngày nay áp dụng.
Trong cải cách quân đội thời ông Tập Cận Bình thực hiện theo nguyên tắc “Tổng quản Quân ủy, chủ chiến Chiến khu, chủ kiến Quân chủng”, xây dựng hệ thống chỉ huy tác chiến (hệ thống quân lệnh): Quân ủy – Chiến khu – Quân đội và hệ thống quản lý lãnh đạo (hệ thống quân chính): Quân ủy – Quân Chủng – Quân đội. Chuyển từ 7 đại quân khu thành 5 đại chiến khu, còn 4 tổng bộ chuyển thành mô hình 15 cơ quan chức năng, thực tế đây là cách làm “tách rời quân chính và quân lệnh” theo kiểu Mỹ.
Với việc xây dựng mô hình kiểu mới này, quyền lực của ông Tập Cận Bình trong hệ thống quân đội lớn mạnh chưa từng có, đồng thời đã phá bỏ được cục diện mà trước đây ông Hồ Cẩm Đào bị thân tín của ông Giang Trạch Dân là Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng thao túng. Ngoài ra cũng loại bỏ được rất nhiều bộ phận hủ bại do giới quan tham thuộc phe cánh ông Giang trước đây dựng lên.
Học theo phương Tây
Có thể nói, con đường cải cách quân đội của ông Tập Cận Bình vừa theo mô hình phương Tây nhưng cũng vừa theo truyền thống Trung Quốc. Trung Quốc cổ đại cũng nhiều lần xuất hiện mô hình quản lý quân đội theo kiểu phân biệt “quyền thống binh” và “quyền điều binh” (tức quân chính và quân lệnh). Vào đời Tống có thuyết “Binh quyền tam phân”, theo đó Viện Xu mật có quyền điều binh nhưng không quản lý và chỉ huy quân đội; Bộ Tam nha thì quản lý và chỉ huy nhưng không có quyền điều binh; khi có chiến sự thì vua bổ nhiệm đại thần dẫn quân xuất chinh, ở đây đã thực hiện tách rời “điều binh” và “thống binh”, quyền lực tập trung ở vua.
Người khai quốc triều Minh là Chu Nguyên Chương cũng thực hiện chế độ tách rời “điều binh” và “thống binh”, lập Phủ Đô đốc thống lĩnh quân đội cả nước, nhưng Phủ Đô đốc chỉ phụ trách quân tịch và quân chính chứ không có quyền điều binh. Việc thăng chức quan tướng cùng quyền điều động quân đội thuộc Bộ binh. Khi có chiến tranh thì vua bổ nhiệm Thống soái và Quan trưởng Phủ Đô đốc dẫn quân xuất chinh, cuối cùng thì quân quyền vẫn nằm trong tay vua.
Nếu nói việc cải cách quân đội của ông Tập Cận Bình vừa theo Tây phương lại vừa theo Trung Quốc truyền thống, vậy thì càng có thể khẳng định cơ chế giám sát mới nhất dựa theo Trung Quốc truyền thống, vì thế giới Tây phương hiện đại không có tổ chức nhà nước nào có quy cách cao như thế.’
Ngự sử Trung Quốc bắt đầu có từ thời nhà Tần, sau đó có Ngự sử đài, đến triều Minh – Thanh đổi thành Viện Đô sát (viện giám sát tối cao), là tổ chức giám sát hành chính trung ương, là “tổ chức giám sát” nằm ngoài quyền lực Thừa tướng, phụ trách giữ trật tự, vạch tội quan chức, giữ gìn kỷ cương. Trong chế độ năm viện của Đài Loan hiện nay cũng có tổ chức giám sát (lập pháp, hành pháp, tư pháp, giám sát, khảo thí). Chế độ chính trị “ngũ quyền phân lập” này do Tôn Trung Sơn khởi xướng.
Ngày 11/11 vừa qua, ông Tập Cận Bình tổ chức lễ kỷ niệm long trọng 150 năm ngày sinh Tôn Trung Sơn, gọi Tôn Trung Sơn là “Anh hùng dân tộc vĩ đại, nhà yêu nước vĩ đại, nhà cách mạng dân chủ Trung Quốc tiên phong vĩ đại”.
Nhà bình luận thời sự Lý Lâm (Lilin) nhận định, ông Tập Cận Bình đã học theo thể chế “ngũ quyền phân lập” của Đài Loan, học theo kinh nghiệm chính trị của Tôn Trung Sơn, Tưởng Giới Thạch, Tưởng Kinh Quốc. Qua cuộc “hội đàm Tập – Mã” và đại lễ duyệt binh kỷ niệm kháng chiến cho thấy ông Tập Cận Bình rất có thiện cảm đối với thể chế của Đài Loan hiện nay.
Trong cơ chế tam quyền phân lập của phương Tây (lập pháp, hành pháp, tư pháp) không có cơ quan giám sát độc lập, nhưng có cơ quan tư pháp. Hiện việc ông Tập Cận Bình bố trí “cơ quan tư pháp” như thế nào (song hành với các cơ quan Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, chính phủ, giám sát) như báo cáo tại Hội nghị toàn thể lần thứ 6 đưa ra, đang là tâm điểm chú ý.
Ông Lý Lâm nói: “Sau khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền đã nhiều lần nhấn mạnh trị nước theo luật, theo tôn chỉ này thì phải cải cách mạnh tư pháp, vì thế việc thiết lập cơ quan tư pháp cấp quốc gia là hoàn toàn có khả năng. Giống như hiện nay tách một phần chức năng Viện Kiểm sát cho Ban Giám sát, sáp nhập lại với cơ quan hành chính tư pháp để nâng cấp thành cơ quan tư pháp cấp quốc gia”.
“Còn việc ông Tập Cận Bình cải cách chính trị bắt đầu từ cải cách cơ chế giám sát là vì xây dựng quyền lực chống tham nhũng, chống tham nhũng trở thành công ước trọng tâm, trở thành lý do chính đáng để cải cách chính trị”.
Tư tưởng cải cách đã thể hiện rõ ràng?
Có nhận định, con đường cải cách của ông Tập Cận Bình không chỉ hạn chế ở cải cách chính trị mà còn liên quan đến các lĩnh vực văn hóa truyền thống và tôn giáo tín ngưỡng. Ông Tập Cận Bình đã nhiều lần công khai lên tiếng thể hiện lòng sùng bái văn hóa truyền thống Trung Quốc.
Vào năm 2013, có thông tin do một quan chức cấp cao Trung Quốc tiết lộ, trong con đường “Trung Quốc mộng” có ba điểm đáng chú ý: mộng văn hóa truyền thống Trung Quốc, mộng chính trị dân chủ Trung Quốc, mộng tôn giáo Trung Quốc. “Trung Quốc mộng” mà ông Lưu Vân Sơn cùng cỗ máy tuyên truyền Trung Quốc giải thích không đúng ý ông Tập Cận Bình đã làm ông Tập Cận Bình vô cùng tức giận.
Thông tin cũng chỉ rõ, ông Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc ngày nay đứng trước tình cảnh bị mất chuẩn mực đạo đức, thực trạng tăng trưởng kinh tế cao độ và khuynh hướng toàn dân lao vào làm giàu như con thiêu thân đã tạo ra một khoảng trống mênh mông về đạo đức, khoảng trống này cần được bổ khuyết bằng văn hóa truyền thống và tôn giáo tín ngưỡng. Vì thế mà ông Tập Cận Bình đã thực hiện điều chỉnh đối với chính sách tôn giáo của Trung Quốc, có thái độ cởi mở hơn đối với tôn giáo tín ngưỡng.
Ông Tập hiểu rằng, chống tham nhũng chỉ là trị phần ngọn, cái gốc nằm ở cải cách thể chế chính trị và tín ngưỡng tôn giáo.
Có nhận định chỉ ra, tư tưởng trị nước của ông Tập Cận Bình hiện nay vừa noi theo thể chế phương Tây, nhưng cũng là hấp thu thể chế truyền thống của Trung Quốc cổ đại, ông Tập Cận Bình muốn xây dựng một con đường mới mẻ. Nhà bình luận Lý Lâm cho biết: “Trong quá trình thực hiện phục hồi văn hóa truyền thống Trung Quốc, thực hiện tự do tín ngưỡng, cải cách thể chế chính trị Trung Quốc, hủy bỏ những cơ chế từng được ĐCSTQ xem như vàng ngọc là chế độ cưỡng bức lao động, sinh sản theo kế hoạch, chế độ hộ tịch, chính pháp, quân đội…. thì thể chế hiện hành tự nhiên tiêu vong, Trung Quốc có thể chuyển giao chế độ trong hòa bình…”
“Quá trình cải cách thể chế của ông Tập Cận Bình đã thể hiện rõ ràng, mọi người đều trông thấy, thể chế chính trị hiện hành của Trung Quốc đáng ghê tởm, phản tiến bộ, phi nhân tính. Hiện nay rất nhiều người không hiểu ông Tập Cận Bình vì bản thân ông Tập ở trong bộ máy của ĐCSTQ. Nhưng ông Tập Cận Bình đủ sáng suốt để không tiếp tục gánh vác nỗi oan ức này”, nhà bình luận Lý Lâm khẳng định
Mộc Vệ
Xem thêm:
Từ khóa Trung Quốc cổ đại Trung Quốc truyền thống Tập Cận Bình dân chủ Cải cách thể chế Chế độ Trại cưỡng bức lao động