Theo tính toán, việc ghép tế bào gốc đối với kỹ thuật lưu trữ tế bào gốc ở nhiệt độ âm 80 độ C cho phép mỗi bệnh nhân chỉ trả chi phí 50 triệu đồng (trừ bảo hiểm y tế), thời gian ghép chỉ 60 phút và chỉ cần 1 bác sỹ, 1 điều dưỡng, thời gian nằm viện ngắn chỉ 3 tuần.
Ngày 18/7, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết Bệnh viện đã thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc cho bệnh nhân Dương Văn Quang (50 tuổi, ngụ ở TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) bị ung thư hạch (một dạng của ung thư máu) bằng kỹ thuật lưu trữ tế bào gốc trong dung dịch hes 12%/ dmso 10%/ albumin 8% ở nhiệt độ âm 80 độ C.
Đây là ca ghép tế bào gốc cho bệnh nhân ung thư bằng kỹ thuật lưu trữ tế bào gốc ở nhiệt độ âm 80 độ C lần đầu tiên được thực hiện tại bệnh viện này và cũng là lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam.
Theo bác sỹ Lê Phước Đậm – Khoa huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy (người trực tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật này), nếu thực hiện ghép tế bào gốc được bảo quản trong dung dịch dmso 5%/ dextran 401% lưu trữ trong ni tơ lỏng ở nhiệt độ âm 196 độ C như trước đây sẽ rất tốn kém. Thiết bị lưu trữ tế bào gốc ở kỹ thuật ghép tế bào gốc được lưu trữ ở nhiệt độ âm 80 độ C chỉ là một tủ lạnh âm sâu, chi phí để mua chiếc tủ này khoảng 150 triệu đồng; còn ghép tế bào gốc ở nhiệt độ âm 196 độ C như trước thì phải có hệ thống lưu trữ đến hơn chục tỷ đồng.
Với phương pháp mới, nhân lực, vật lực và kinh phí đầu tư cho hệ thống cũng giảm nhiều. Bác sỹ Đậm cho hay theo tính toán, đối với kỹ thuật ghép tế bào gốc lưu trữ ở nhiệt độ âm 80 độ C, chi phí ghép cho mỗi bệnh nhân chỉ 50 triệu đồng (trừ bảo hiểm y tế), thời gian ghép chỉ 60 phút, chỉ cần 1 bác sỹ và 1 điều dưỡng, thời gian nằm viện ngắn chỉ 3 tuần… Trong khi đó, ghép tế bào gốc được bảo quản ở nhiệt độ âm 196 độ C chi phí ghép cho một ca bệnh lên đến 100 triệu đồng (trừ bảo hiểm y tế), thời gian ghép lên đến 180 phút và phải cần đến 2 bác sỹ, 4 điều dưỡng.
Trước đó, tháng 6/2017, bệnh nhân Quý nhập viện trong tình trạng khó thở, hạch to ở vùng cổ, nách, bẹn kích thước khoảng 3x4cm. Các hạch có đặc điểm chắc, di động, không đau. Bệnh nhân được chuẩn đoán bị Lymphoma không Hodgkin (ung thư hệ lymphoma) giai đoạn IVBS dòng tế bào T, cần thực hiện hóa trị tiêu diệt tế bào ung thư sau đó ghép tế bào gốc. Các bác sỹ quyết định dùng phương pháp ghép tế bào gốc bằng kỹ thuật lưu trữ tế bào gốc ở nhiệt độ âm 80 độ C.
Bệnh nhân Quý cho hay ông phát hiện hạch vùng cổ từ tháng 8/2016. Ông có điều trị ở địa phương nhưng không giảm, kích thước hạch ngày càng to dần kèm theo nổi vùng hạch nách, bẹn, và giảm cân. Không những thế, ông còn có tiểu sử bệnh đái tháo đường type II. Sau khi điều trị bằng phương pháp mới, hiện sức khỏe của ông hồi phục trở lại và được xuất viện.
Tại Việt Nam, những nghiên cứu, ứng dụng việc ghép tế bào gốc đã bắt đầu từ những năm 1995. Hiện cả nước có 10 bệnh viện, viện chuyên ngành thực hiện ghép tế bào gốc ngoại vi tự thân trong điều trị các bệnh lý về huyết học cho trên 500 bệnh nhân. Tuy nhiên, đối với phương pháp ghép tế bào gốc theo phương pháp lưu trữ tế bào gốc ở nhiệt độ âm 80 độ C chỉ mới được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Trần Tâm
Xem thêm:
Theo VKS, bản án quy kết bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô 304.000 tỷ…
Theo thống kê, hơn 800.000 người nhập cư Venezuela đã đổ vào Mỹ trong 4…
Theo một báo cáo của Tạp chí Nature đăng vào ngày 8 tháng 11, hành…
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh - Giám đốc kiêm Chủ tịch Công ty Xuyên…
Các cuộc biểu tình chống NATO và ủng hộ Palestine đã nhanh chóng bùng phát…
35 trẻ mẫu giáo và tiểu học hiện phải quay về điểm trường cũ đã…