Ban tổ chức lễ hội đền Trần (Nam Định) đã huy động hơn 2.000 công an, bộ đội, dân quân tự vệ, lắp 16 camera an ninh để giữ an ninh vào lễ khai ấn, phát ấn năm 2019.
Ban tổ chức lễ hội đền Trần (Nam Định) cho biết năm nay, lễ khai ấn đền Trần sẽ diễn ra vào đêm ngày 14, rạng sáng ngày 15 tháng Giêng Âm lịch (tức đêm 18/2, rạng sáng 19/2) với 3 nghi thức: dâng hương, rước kiệu ấn và khai ấn tại Tiên Miếu nhà Trần (phủ Thiên Trường). Thời gian diễn ra các nghi thức từ 22h40 đến 23h55.
Từ 5h sáng ngày 15 tháng Giêng (19/2), Ban tổ chức sẽ tổ chức lễ phát ấn cho người dân và du khách thập phương.
Năm nay, ban tổ chức lễ hội cho biết sẽ không hạn chế ấn phát ra, đảm bảo mọi du khách khi tới lễ hội đều có cho mình một cánh ấn.
Ngoài ra, nhằm bảo đảm an toàn cho du khách tham dự, Ban tổ chức đã cho lắp 16 camera an ninh tại khu vực làm lễ và nhiều vị trí trong các đền để có biện pháp xử lý những người có hành vi phản cảm, như ném tiền vào kiệu ấn, cướp lộc trong đêm khai ấn.
Cũng theo Ban tổ chức, từ 18h hôm nay (18/2), hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ công an, lực lượng quân sự, dân quân tự vệ sẽ được huy động trực 100%. Lực lượng này sẽ xây dựng 5 vòng, 23 chốt bảo vệ cho đêm khai ấn.
Về phương án phân luồng giao thông, theo Ban tổ chức, trừ các xe đi theo Quốc lộ 10 để vào dự lễ khai ấn, các phương tiện còn lại đi qua Nam Định sẽ lấy cầu Tân Phong và các tuyến đường gần Quốc lộ 10 để phân luồng và giảm tải áp lực cho Quốc lộ 10.
Cụ thể, xe đi từ Hà Nội, Ninh Bình sang Thái Bình phải rẽ phải khi đến ngã tư Big C lên cầu vượt Lộc Hòa, cầu vượt Lộc An, đi theo đường Lê Đức Thọ, đường nối quốc lộ 21 với cầu Tân Phong, cầu Tân Đệ để sang Thái Bình.
Ngược lại, phương tiện từ Thái Bình đi Hà Nội, Ninh Bình cũng phải rẽ trái từ Quốc lộ 10 lên cầu Tân Phong, theo đường tránh S2 lên cầu vượt Lộc Hòa rồi rẽ theo Quốc lộ 21 đi thẳng Phủ Lý, không rẽ vào Quốc lộ 21B.
Tại tuyến đường Trần Thừa nằm trước của đền Trần, cảnh sát giao thông tỉnh Nam Định tạo dải phân cách để tạo đường 2 chiều nhằm tránh ách tắc phương tiện khi vào đền. Đồng thời, hướng dẫn các phương tiện đi Lễ hội dừng đỗ trong Cung thể thao Nam Định, Khu đô thị Hoà Vượng, khu đô thị Thống Nhất,… để tránh tình trạng quá tải các bãi gửi xe.
Trước đó, tại hội nghị triển khai công tác tổ chức lễ hội 2019 do Bộ VH-TT&DL tổ chức, ông Nguyễn Đức Bình – Trưởng ban Quản lý di tích đền Trần cho biết hiện có nhiều ý kiến của người dân và du khách bày tỏ mong muốn được quay trở lại nghi lễ phát ấn vào giờ thiêng (tức là vào lúc 12h đêm ngày 14 tháng Giêng). Ban tổ chức phản ánh lại nguyện vọng của người dân để Bộ VH-TT&DL xem xét.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL khẳng định thời điểm này, lễ hội đền Trần vẫn tổ chức theo đúng Đề án với thời gian phát ấn vào rạng sáng ngày 15 tháng Giêng. Ban tổ chức lễ hội không có sự thay đổi thời gian phát ấn để tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy, vỡ trận như hình ảnh không đẹp đã từng diễn ra tại lễ hội này.
Được biết, trước đó năm 2018, đã có khoảng hơn 15 vạn người dự lễ khai ấn đền Trần.
Năm 2011, trong đề án “Khôi phục lễ hội đền Trần”, các chuyên gia lịch sử, ấn tín cùng các nhà văn hóa dân gian đã xác định, chiếc ấn dùng trong lễ khai ấn đền Trần hiện nay không liên quan gì đến triều chính mà chỉ là chiếc ấn bình thường của phủ đền xưa, làm bằng gỗ. Do vậy, ấn không mang lại lợi lộc trong thăng quan tiến chức như nhiều người vẫn nghĩ. PGS.TS Lương Hồng Quang – Viện phó Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (thuộc Bộ VH-TT&DL) cho rằng đang có một cuộc khủng hoảng về giá trị của ấn đền Trần, lá ấn cũng như lễ khai ấn. Xưa kia, khai ấn đền Trần là lễ hội mang tính chất vùng miền của tỉnh Nam Định, nhưng hiện giờ có xu hướng mở rộng với sự tham gia của nhiều người, thậm chí là quan chức. Lễ hội tạo ra tiềm năng phát triển kinh tế của địa phương, nơi người ta kiếm ra tiền, làm du lịch… Do vậy, người ta gán ghép cho nó các ý nghĩa mới để thu hút người tham dự. Quy luật lan truyền mạnh của văn hóa dân gian cùng với tác động của truyền thông cũng góp phần rất lớn vào câu chuyện này. “Những điều trên đang diễn tiến rất mạnh trong xã hội hiện nay. Nó làm cho không chỉ lễ khai ấn đền Trần mà còn nhiều lễ hội khác trở thành nơi thờ, nghi thức thờ, thổi cho thần linh giá trị, ý nghĩa mới, khác xa so với mục đích ban đầu” – ông Quang nói. |
Trần Tâm
Xem thêm:
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…