Trong 9 luật mới vừa được công bố trong lệnh của Chủ tịch nước, Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Đặc xá là hai luật thuộc lĩnh vực hình sự.
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 gồm 10 chương, 96 điều. So với Luật hiện hành, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 thay cụm từ “xử lý người có hành vi tham nhũng” bằng cụm từ “xử lý tham nhũng”, mở rộng phạm vi bao gồm cả việc xử lý người có hành vi tham nhũng, xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Luật bổ sung quy định kiểm tra hoạt động chống tham nhũng trong cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân; bổ sung quy định thẩm quyền của cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước trong thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng…
Luật năm 2018 quy định cụ thể hơn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng (Điều 70); trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác (Điều 71); trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách (Điều 72 và Điều 73).
Theo luật mới, nếu phát hiện tài sản, thu nhập có biến động từ 300 triệu đồng trở lên thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có quyền yêu cầu người đó cung cấp thông tin có liên quan; nếu biến động tăng thì phải giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm. Luật hiện hành không quy định rõ mức giá trị tài sản tăng thêm có nghĩa vụ giải trình, chỉ quy định chung: mọi biến động về tài sản thuộc sở hữu của mình và tài sản thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên cũng đều phải được người có nghĩa vụ kê khai kê khai. Quy định này bị cho là mang tính hình thức.
Luật Đặc xá năm 2018 gồm 6 chương, 39 điều, tăng 3 điều (bỏ 2 điều, bổ sung 5 điều), sửa đổi, bổ sung 34 điều so với Luật Đặc xá năm 2007.
Theo quy định mới, có 16 tội danh mà người bị kết án phạt tù không được đề nghị đặc xá, gồm:
– Tội phản bội Tổ quốc;
– Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân;
– Tội gián điệp;
– Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ;
– Tội bạo loạn;
– Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân;
– Tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
– Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
– Tội phá rối an ninh;
– Tội chống phá cơ sở giam giữ;
– Tội khủng bố;
– Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh của Bộ luật Hình sự (5 tội danh).
Luật Đặc xá năm 2007 không quy định về vấn đề này.
Ngoài ra, bản án, phần bản án hoặc quyết định của Tòa án đối với người đó đang bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự thì không được đề nghị đặc xá.
Các trường hợp: Bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác; Trước đó đã được đặc xá; Có từ 2 tiền án trở lên; Trường hợp khác do Chủ tịch nước quyết định cũng sẽ không được đề nghị đặc xá.
Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Đặc xá năm 2018 cùng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…