Dự án metro Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo được đề xuất tăng tổng mức đầu tư từ 19.555 tỷ đồng lên 35.679 tỷ đồng (tăng 16.124 tỷ đồng); lùi thời gian hoàn thành đến năm 2027 (thay vì năm 2015 như ban đầu).
Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB Hà Nội) vừa có tờ trình gửi UBND TP. Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội xem xét điều chỉnh đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo.
MRB Hà Nội đề xuất điều chỉnh đoạn tuyến đi ngầm thành 8,9km và đoạn tuyến trên cao thành 2,6km. Tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án được điều chỉnh là 92,04ha thay vì 49,06ha theo quyết định ban đầu.
Trên cơ sở điều chỉnh quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư dự án được đề xuất điều chỉnh từ 19.555 tỷ đồng lên 35.679 tỷ đồng – tăng 16.124 tỷ đồng (82%) so với quyết định được phê duyệt.
Nguyên nhân tăng tổng mức đầu tư là do thay đổi về quy mô đầu tư; biến động tỷ giá; giá vật liệu xây dựng, vật tư, thiết bị, nhân công tăng; thay đổi tỷ lệ trượt giá; thay đổi chế độ chính sách và các quy định của nhà nước liên quan đến quản lý chi phí đầu tư.
MRB Hà Nội cũng kiến nghị lùi thời gian hoàn thành dự án từ năm 2015 sang năm 2027.
Hiện UBND TP. Hà Nội đang rà soát, hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt này.
Theo quyết định 2054 ngày 13/11/2008 phê duyệt dự án của UBND TP. Hà Nội, tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo có tổng chiều dài tuyến 11,5km. Trong đó, 8,5km đường đi ngầm, 3km đi cao.
Điểm đầu Nam Thăng Long theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài – Hoàng Quốc Việt – Hoàng Hoa Thám – Thụy Khuê – Phan Đình Phùng – Hàng Giấy – Hàng Đường – Hàng Ngang – Hàng Đào – Đinh Tiên Hoàng – Hàng Bài. Điểm cuối giao với phố Trần Hưng Đạo.
Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2009-2015, thời gian bảo dưỡng dự kiến khoảng 5 năm. Tổng mức đầu tư dự án là 19.555 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 16.485 tỷ đồng; vốn đối ứng ngân sách TP. Hà Nội là 3.079 tỷ đồng.
Hồi tháng 3, UBND TP. Hà Nội thống nhất chuyển vị trí ga ngầm C9 (dự kiến ban đầu đặt cạnh hồ Hoàn Kiếm) ra khỏi vùng bảo vệ để giảm thiểu ảnh hưởng đến di tích hồ theo Luật Di sản văn hóa. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức lấy ý kiến thẩm định các cơ quan liên quan và có báo cáo về kết quả điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Lũy kế tới hết tháng 8, dự án mới giải ngân được hơn 890 tỷ đồng. Đặc biệt, một hiệp định vay ODA Nhật Bản ký năm 2009 đã hết hạn giải ngân từ năm 2019 khi mới giải ngân được khoảng 17%, chủ yếu cho chi phí tư vấn thiết kế, lãi và phí cam kết. Hiện, phía Nhật Bản đã thông báo đóng khoản vay này.
Về giải phóng mặt bằng, tới nay khu đề-pô (khu kỹ thuật) đã hoàn thành thu hồi phần đất nông nghiệp, đất quốc phòng và các cơ quan, phần đất ở đang kiểm đếm. Phần ga trên cao đã giải phóng mặt bằng được khoảng 92% diện tích; phần ga ngầm thu hồi xong khoảng 79% diện tích.
Kim Long
Mưa lớn kéo dài những ngày qua khiến một số điểm ở huyện miền núi…
Hôm thứ Bảy (23/11), tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một luật mới cấm…
Cuối ngày làm việc với Công an huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai), người đàn…
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell Metabolism (Chuyển hóa Tế bào) cho…
Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng số ca tử vong do ung thư…
Chính quyền Biden có thể công bố các hạn chế xuất khẩu mới sang Trung…