Sau nhiều cơn mưa lớn do ảnh hưởng bão số 2, bão số 4, mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) – mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á đang đứng trước nguy cơ sạt lở quanh moong mỏ, mặc dù chủ đầu tư vừa khẳng định đã có phương án giải quyết tình trạng hạ mực nước ngầm, sụt lún và sạt lở bờ mỏ hồi đầu năm.
Moong mỏ sắt Thạch Khê rộng gần 100 hecta, có độ sâu từ 35m – 40m, hiện đang trở thành “hồ nước” khổng lồ sau những trận mưa lớn nhiều ngày qua.
Bờ mỏ không được ke chắn, gia cố dẫn đến tình trạng đất cát từ nhiều phía trôi xuống hố sâu. Điều này vừa làm mất diện tích đất, vừa gây nguy hiểm cho người dân sống gần khu vực moong mỏ.
Theo cảnh báo trước đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, mực nước tại hầu hết các hồ chứa đã cao hơn so với cùng kỳ 10 năm trở lại. Nếu bão số 4 gây mưa lớn sẽ đe dọa nhiều hồ đập nhỏ xuống cấp và các hồ đang thi công, nâng cấp. Các huyện trong danh sách cảnh báo gồm Hương Khê, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Lộc Hà…
Năm 2012, bãi thải mỏ sắt Thạch Khê cao trên 30m, rộng hàng trăm hécta, bị cảnh báo nguy cơ sạt lở khi bùn cát theo mưa chảy tràn vào nhà dân.
Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) – chủ đầu tư dự án mỏ sắt Thạch Khê – đang xin được tái khởi động lại dự án sau khi bị buộc phải dừng hoạt động từ tháng 8/2011 do dự án có quá nhiều yếu kém, bất cập chưa được giải quyết.
Tháng 1/2017, Công ty CP thép Hòa Phát gửi công văn tới Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị: “Tạo điều kiện tối đa cho mỏ sắt Thạch Khê được nhanh chóng triển khai và đưa vào khai thác để có thêm nguồn nguyên liệu quặng sắt cấp cho các doanh nghiệp đầu tư Lò cao trong nước. Công ty CP thép Hòa Phát sẵn sàng đặt hàng quặng sắt Thạch Khê trong thời gian dài để phục vụ cho Lò cao số lượng ít nhất 3 triệu tấn mỗi năm.”
Cùng thời gian này, Công ty TIC công bố thông tin cho hay đối với các vấn đề hạ mực nước ngầm, sụt lún và sạt lở bờ mỏ trong quá trình khai thác hay như caster và xâm nhập mặn; vấn đề cát bay, cát chảy; thu gom, xử lý và xả thải… dự án đều đã có các phương án và giải pháp xử lý hợp lý.
Tuy nhiên, trong buổi làm việc của tỉnh Hà Tĩnh với Thứ trưởng bộ Kế hoach và Đầu tư để bàn về vấn đề tái khởi động dự án mỏ sát Thạch Khê, ngày 29/5, ông Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhận định: “Quy mô và phạm vi dự án rất lớn, nên vấn đề ô nhiễm môi trường, sa mạc hóa, bão cát, sụt giảm nguồn nước ngầm, móng mỏ tạo thành hồ lớn sâu nằm ngay bờ biển và TP.Hà Tĩnh có thể gây ra những hậu quả khó lường”. Về lâu dài, dự án sẽ có những tác động, có thể phát sinh những hệ lụy nghiêm trọng. Do đó, tỉnh Hà Tĩnh đề nghị tạm thời dừng việc khởi động lại mỏ sắt Thạch Khê khi chưa đảm bảo được các yêu cầu thực hiện dự án.
Đây không phải lần đầu các tập đoàn có ý kiến xin được tiếp tục triển khai dự án khai thác khoáng sản này. Năm 2016, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) – cổ đông giữ quyền chi phối đối với TIC đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê.
Trước đề xuất này, ngày 22/12/2016, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã đưa ra kết luận của ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong đó chỉ ra nhiều yếu kém trong dự án, như về vấn đề huy động nguồn vốn, vị trí khai thác mỏ sát biển; các báo cáo, trình tự về đầu tư xây dựng, giải pháp kỹ thuật khai thác, chế biến, bảo vệ môi trường (tụt mực sa mạc hóa, hang caster, phòng chống bão, siêu bão, lũ, đổ thải lấn biển, bãi thải trên bờ, xử lí nước thải, chất thải, cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác) còn quá sơ sài, đơn giản…
Theo lãnh đạo tỉnh, quy mô ảnh hưởng của dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê là rất lớn, với 6.095 hộ, 25.987 nhân khẩu thuộc 6 xã của huyện Thạch Hà.
Người dân cho hay sau 8 năm triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê, vùng đất tại xã Thạch Khê đang trở thành vùng đất “chết” khi đồng ruộng can khô, nhiều khu vực bị sa mạc hóa do nước ngầm cạn kiệt, cây lúa và hoa màu không thể sống được, không có nước sinh hoạt; nước trong khu quy hoạch dự án bị ô nhiễm nghiêm trọng. Người dân mong dự án này dừng lại, san lấp lại mặt bằng để khôi phục mạch nước ngầm, có như vậy mới mong sự sống được hồi sinh.
Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê do Công ty CP sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư, được phê duyệt lần đầu vào năm 2008 với mức đầu tư hơn 9.932 tỷ đồng, tổng diện tích sử dụng đất 3.898 ha. Đến năm 2014, dự án được điều chỉnh, với mức đầu tư hơn 14.517 tỷ đồng, tổng diện tích sử dụng đất tăng lên 4.821 ha (gồm 3.898 ha trong đất liền và 923 ha lấn biển). Theo đánh giá, mỏ sắt nằm sát bờ biển, cách bờ biển 500m, phân bố tối đa ở độ sâu -550m so với mực nước biển, trữ lượng 544 triệu tấn quặng sắt có hàm lượng trung bình 58% Fe. Dự án mỏ sắt Thạch Khê được coi là dự án khai thác mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, được định giá khoảng 35 tỷ USD, nhưng bị dừng nhiều năm qua với lý do lo ngại về an toàn môi trường. Được biết, dự án mỏ sắt Thạch Khê được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển khu kinh tế Vũng Áng, đặc biệt là cung cấp nguyên liệu cho công ty Formosa. Nhưng đến nay Formosa vẫn chưa có ý kiến về việc sử dụng nguyên liệu từ mỏ sắt này. |
Nguyễn Quân (T/h)
Xem thêm:
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…