Việt Nam – Ấn Độ hợp tác khai thác dầu khí tại biển Đông
- Xuân Thành
- •
Mới đây Việt Nam đã đồng ý mở rộng thêm khu vực ở biển Đông cho Ấn Độ tiến hành khai thác dầu khí. Hoạt động này đã bắt đầu được triển khai tại một địa điểm mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền, khiến gia tăng mâu thuẫn giữa các bên trong việc kiểm soát vùng biển giàu tài nguyên và là đường hàng hải quốc tế chiến lược.
Động thái này của hai nước Việt Nam – Ấn Độ diễn ra trong thời điểm khá nhạy cảm trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội, cũng như quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi. Ấn Độ gần đây đã điều nhiều tàu chiến giám sát chặt chẽ Eo biển Malacca, nơi mà hầu hết các nguồn cung cấp năng lượng và thương mại của Trung Quốc đều phải đi qua.
Ấn Độ cũng đang đẩy mạnh chuyển giao cho Việt Nam các tàu hải quân để giám sát biển Đông
Giám đốc điều hành của công ty dầu khí ONGC Videsh, Ấn Độ nói với hãng tin Reuters rằng đầu tuần này Việt Nam đã cho phép công ty Videsh gia hạn thêm 2 năm thăm dò dầu khí tại lô 128, nằm ở ngoài khơi miền Trung Việt Nam. Một phần của lô 128 này nằm trong “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc vẽ ra để tuyên bố chủ quyền hầu hết biển Đông.
Một quan chức cao cấp của công ty ONGC Videsh, người yêu cầu được giấu tên vì sự nhạy cảm của vấn đề này, đã nói với Reuters rằng lợi ích từ lô 128 mang tính chiến lược nhiều hơn thương mại vì việc khai thác dầu mỏ ở đây được xem là có rủi ro cao và tiềm năng trữ lượng khá hạn chế.
Quan chức giấu tên này cho hay: “Việt Nam cũng muốn chúng tôi hiện diện ở đây vì sự can thiệp của Trung Quốc tại biển Đông”.
Tổng công ty dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) đã từ chối bình luận về việc mở rộng hợp tác với đối tác Ấn Độ. Công ty dầu khí nhà nước này lần đầu cho phép Ấn Độ tham gia thăm dò dầu khí tại Lô 128 trên biển Đông vào năm 2006, nhưng thỏa thuận đó đã hết hạn vào giữa tháng 6 vừa qua. Trước đó, từ năm 1988, công ty ONGC Videsh đã được cấp phép khai thác dầu khí ở Việt Nam ở Lô 6.1.
Theo VOA, Việt Nam tiêu thụ gần ¼ sản lượng dầu khí của công ty Videsh khai thác ở Việt Nam, bao gồm 5,5 triệu tấn dầu và 3,3 tỷ mét khối khí trong giai đoạn 2014 – 2015.
Nhấn mạnh về mối quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trong một phát biểu khi tham dự một diễn đàn ở New Delhi tuần này đã nói rằng Ấn Độ được hoan nghênh đóng vai trò lớn hơn ở Đông Nam Á, đặc biệt là tại biển Đông.
Mối quan hệ quốc phòng và thương mại ngày càng tăng của Hà Nội với New Delhi là một phần chiến lược đối ngoại của Việt Nam nhằm tìm kiếm nhiều quan hệ đối tác với các cường quốc lớn trong khi vẫn tránh tham gia vào các liên minh quân sự chính thức.
Ấn Độ cũng thực hiện chiến lược tương tự và tốc độ hợp tác quốc tế của nước này đã tăng nhanh kể từ khi Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền vào năm 2014. Ông Modi tìm cách đẩy lùi sự hiện diện mở rộng của Trung Quốc tại Nam Á bằng cách tăng cường mối quan hệ ngoại giao và quân sự với Đông Nam Á.
Ấn Độ đang cung cấp tàu tuần tra hải quân và vệ tinh theo dõi vùng biển cho Việt Nam, đồng thời cũng huấn luyện thủy thủ tàu ngầm và phi công chiến đấu cho Hà Nội. Đây là sự hỗ trợ quân sự mà Ấn Đô dành cho Việt Nam nhiều hơn bất cứ quốc gia Đông Nam Á nào khác.
Theo Reuters, các hoạt động chuyển giao này của Ấn Độ tới Việt Nam nằm trong gói hợp tác tín dụng về trang thiết bị quốc phòng, trong đó có tàu hải quân và tên lửa trị giá 500 triệu USD mà hai nước đã thông báo vào năm 2016.
Cũng nằm trong việc đẩy mạnh tầm ảnh hưởng trên biển, tuần tới hải quân Ấn Độ cùng với Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ đồng tổ chức các cuộc tập trận chung lớn nhất ở vịnh Bengal.
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa biển Đông tranh chấp biển Đông