Trong mưa lũ kéo dài suốt 4 ngày qua, tính tới chiều 1/12, ít nhất 17 người được phát hiện đã chết và mất tích, khoảng 60.000 nhà bị ngập lụt, hơn 6.030 hộ dân phải sơ tán. Hàng trăm điểm ngập và sạt lở, hàng nghìn gia súc gia cầm và hoa màu của người dân bị thiệt hại.
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cập nhật đến 17h ngày 1/12, từ ngày 27/11 – 30/11, các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum đã xảy ra mưa lớn, lượng mưa phổ biến 300-500mm… Khoảng 60.000 nhà dân bị ngập, có nơi ngập sâu từ 1-2m; khoảng 6.030 hộ dân đã được sơ tán…
Hàng loạt tuyến quốc lộ bị ngập, sạt lở gồm: QL 14H, 40B, Trường Sơn Đông (Quảng Nam); QL 24, 24C (Quảng Ngãi); QL 1 (tuyến tránh An Nhơn) và một số vị trí tại QL27C (huyện Khánh Vĩnh, Bình Định), quốc lộ 19C, 25, 27, 29 ở Phú Yên…
Đến 17h ngày 1/12, báo cáo cho hay QL40B và 27C thuộc khu vực tỉnh Bình Định đã thông xe một làn, giao thông còn khó khăn.
Số người chết và mất tích đã tăng lên 12 người, tăng 8 người so với ngày 30/11. Trong đó, tỉnh Bình Định 3 người, tỉnh Phú Yên 6 người, tỉnh Kon Tum 1 người và tỉnh Đắk Lắk 2 người.
Về tài sản, 775 ha lúa của người dân bị thiệt hại, trong đó, nặng nhất tại Phú Yên (455 ha), đến Bình Định (176 ha), Gia Lai (134), Đắk Lắk (10 ha). Trong tổng 617 ha hoa màu bị thiệt hại, người dân Quảng Nam bị thiệt hại nhiều nhất, 228 ha; kế đến là Gia Lai (200,5 ha), Phú Yên (90 ha), Bình Định (72 ha), Quảng Ngãi (26,5 ha).
Có 2.858 gia cầm bị lũ cuốn trôi (Bình Định 1.250 con, Phú Yên 1.608 con).
Khoảng 1.540m kè, 23.843m kênh mương, 9.310m bờ sông, bờ suối bị sạt lở; 55 trường học bị ảnh hưởng khiến hơn 66.000 học sinh tỉnh Bình Định phải nghỉ học.
Có 3 tàu bị chìm, gồm Bình Định (1), Phú Yên (1), Khánh Hoà (1); 2 sà lan (Khánh Hòa) đang thi công đập ngăn mặn sông Cái bị nước lũ cuốn trôi.
Đáng lưu ý, theo báo cáo nhanh số 87/VP-PCTT của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Nghệ An, một tàu cá của ngư dân Nghệ An (số hiệu NA 93553TS) đang khai thác cách Đông Mũi Ròn/Hà Tĩnh khoảng 32 hải lý thì bị nước tràn vào khoang làm chìm tàu. Trên tàu có sáu thuyền viên, một người đã được cứu, còn lại 5 người vẫn đang mất tích. Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An đã điều động tàu CN 9 tham gia tìm kiếm cứu nạn các thuyền viên bị mất tích.
Các số liệu thiệt hại đang tiếp tục được cập nhật…
Lũ ở Phú Yên, Bình Định xấp xỉ mức lịch sử năm 1993 và 2013Tại cuộc họp về ứng phó với mưa lũ tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên do Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức vào sáng 1/2, ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết đợt mưa lớn ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã kết thúc vào ngày 30/11. Trong đợt mưa này, một số sông lên mức báo động (BĐ) 3, trong đó lũ trên sông Kôn (Bình Định), sông Ba (Phú Yên) xấp xỉ mức lũ lịch sử năm 1993 và 2013. “Theo tính toán dự báo, ở miền Trung không xuất hiện các đợt mưa lớn. Từ nay đến cuối năm, ít có khả năng xảy ra đợt mưa lớn như vừa qua” – ông Khiêm đưa ra thông tin dự báo. Đại diện cơ quan khí tượng quốc gia cho biết sẽ có một đợt không khí lạnh tăng cường kéo dài trong 4-6 ngày tới. Dự báo ở Bắc Bộ xuống 11-14 độ C, vùng núi cao 7-10 độ, khả năng xuất hiện sương muối ở khu vực vùng núi cao. “Cho đến giờ đất đai, núi đồi đã tích nhiều nước, từ người dân đến chính quyền đã mệt mỏi. Chỉ cần một bất cẩn nhỏ thôi cũng có thể xảy ra những điều đáng tiếc”, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai (PCTT) nói về nguy cơ sạt lở đất sau mưa lớn. Ông Hoan cũng đề cập đến việc đưa ứng dụng công nghệ vào dự báo thời tiết bất thường. “Nếu chỉ dự báo mực nước lũ cao nhiêu milimet thì người dân sẽ rất khó hình dung. Vừa qua, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long áp dụng chuyển đổi số, chỉ trong 6 ngày ảnh vệ tinh đã có thể quét ra trà lúa phát triển như nào. Thế nên chúng ta cần ứng dụng công nghệ thông tin vào dự báo mưa lũ, thiên tai một cách mạnh mẽ hơn”, ông Hoan cho hay. Ông Trần Quang Hoài – Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT nói hiện nay nước bắt đầu rút nhưng tình hình ngập vẫn còn trên diện rộng, do đó các địa phương cần chủ động rà soát, người dân cần phải đi bệnh viện thì phải sắp xếp phương tiện đưa đón, tránh để xảy ra việc người dân đi tự phát dẫn đến tai nạn đáng tiếc. Thông tin về thủy điện xả lũ được đề cập trong cuộc họp nhưng không đi vào chi tiết. “Đề nghị Bộ Công thương kiểm tra lại việc vận hành hồ chứa thủy điện, ban chỉ đạo sẽ trao đổi với Bộ Công thương về việc này để rút kinh nghiệm” – ông Hoài nói, báo Tuổi Trẻ dẫn tin. |
Minh Phương
Xem thêm:
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…