Bộ Công Thương cho biết sản lượng bia năm 2016 của Việt Nam là 3,788 tỷ lít bia. Mục tiêu sản lượng bia sản xuất trong năm 2017 sẽ tăng lên 3,92 tỷ lít.
Theo Báo cáo tình hình phát triển công nghiệp, thương mại của Bộ Công Thương, mức sản xuất và tiêu thụ của các nhà máy bia trong nước cả năm 2016 tăng chậm ở mức 9,3%, sản lượng chỉ bằng 85,6% kế hoạch năm.
Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thêm 5%, lên mức 55% từ tháng 1/2016 được cho là nguyên nhân chủ yếu khiến sản lượng sản xuất, tiêu thụ của các doanh nghiệp tăng không theo mục tiêu đặt ra – các doanh nghiệp sản xuất trong nước phải tăng giá bán sản phẩm để bù đắp chi phí, thuế; ngoài ra các doanh nghiệp phải nộp ngân sách tăng và bị truy thu thuế từ những năm trước theo yêu cầu của Bộ Tài chính và Kiểm toán Nhà nước…
Tuy nhiên, trong năm 2017, ngành bia tiếp tục đặt mục tiêu tăng cao so với năm 2016 dù từ ngày 1/1/2017, mức thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng đối với mặt hàng bia đã tăng lên 60% và tiếp tục tăng lên 65% từ 1/1/2018. Theo báo cáo về định hướng và giải pháp thực hiện sản xuất công nghiệp, thương mại 3 tháng cuối năm 2016, kế hoạch năm 2017 của Bộ Công Thương, ngành bia ước sản lượng sản xuất năm 2017 đạt khoảng 3,92 tỷ lít các loại, tăng 8,2% so với ước thực hiện năm 2016.
Theo quy hoạch của ngành, đến năm 2020, cả nước sẽ sản xuất khoảng 4,1 tỷ lít bia, tăng lên 4,6 tỷ lít vào năm 2025, và 5,5 tỷ lít vào năm 2035.
Theo VCSC_Research, hiện phần lớn thị phần bia Việt Nam là do 4 doanh nghiệp lớn nhất thị trường nắm giữ, chiếm 90% tổng sản lượng ngành bia. Phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài còn tương đối mới và các doanh nghiệp khác trong nước. Ngoài ra, Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết hiện Việt Nam nhập khẩu khoảng 3 triệu lít bia mỗi năm và xuất khẩu trên 70 triệu lít.
Theo đó, lượng bia sản xuất phần lớn được tiêu thụ trong nước, xuất khẩu không đáng kể. Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu ngành bia, rượu, nước giải khát của Việt Nam mới chỉ được đưa vào bản quy hoạch phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Trong khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ đứng 7/11 trong khu vực Đông Nam Á (2015), thì Việt Nam lại đứng thứ 11 thế giới và thứ 3 châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản) về lượng tiêu thụ bia, theo Global Beer Consumption by Country in 2014 (Kirin Beer University Report).
Năm 2016, tổng sản lượng bia của Việt Nam là 3,788 tỷ lít. Nếu tính theo dân số 90 triệu, trung bình mỗi người Việt ‘uống’ 42 lít bia, tăng khoảng 4 lít so với năm trước dù Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình thấp. GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2015 là 2.052 USD, chỉ ngang bằng mức GDP bình quân đầu người của Malaysia năm 1988, Thái Lan năm 1993, Indonesia năm 2008, Philippines năm 2010 và Hàn Quốc năm 1982.
Với mục tiêu sản lượng ước đạt khoảng 3,92 tỷ lít bia trong năm nay, mỗi người Việt sẽ tiếp tục ‘uống’ hơn 43 lít?
Thuế tiêu thụ đặc biệt (khoản thuế gián thu, chỉ thu đối với một số sản phẩm là hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước có chính sách định hướng tiêu dùng) đối với mặt hàng bia áp dụng phổ biến ở mức 40% trong năm 2008-2009, tới 2010 tăng lên mức 45%. Ba năm sau mới nâng lên mức 50% (2013), ba năm tiếp theo lên 55% (2016). Hiện tại là 60% và dự kiến lên 65% kể từ đầu năm 2018.
Tương tự như câu hỏi thu ngân sách của ngành sản xuất thuốc lá đạt 14.000 tỷ đồng/năm, liệu có đủ “bù” thiệt hại vì ung thư, thu ngân sách của ngành bia 6.000 tỷ đồng/năm (giai đoạn 2011-2015) liệu có đủ “bù” thiệt hại gây ra do tác dụng của thức uống có cồn này?
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, sử dụng rượu bia đứng đầu trong 7 nguyên nhân gây tai nạn giao thông trong năm 2016 (36,6% số vụ). Trong đợt Tết Nguyên đán 2016, có tới 44 nghìn ca nhập viện do TNGT, trong đó 90% liên quan đến bia rượu; từ ngày 29 đến mùng 4 Tết, có tới 2.716 trường hợp đánh nhau phải nhập viện.
Theo các số liệu đưa ra năm 2014, 60% số vụ TNGT, 68% vụ bạo lực gia đình và 38% số vụ gây rối trật tự an toàn xã hội liên quan đến việc lạm dụng rượu, bia. Tỷ lệ sử dụng rượu, bia trong độ tuổi pháp luật không cho phép là 45%. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 5 trong 15 nguy cơ sức khỏe hàng đầu tại Việt Nam.
Thói quen uống bia của người Việt một phần do bia ở Việt Nam quá rẻ, dễ bán và dễ mua, không có quy định riêng về đối tượng được phép bán, mua và sử dụng đồ uống có cồn hay quy định xử phạt nghiêm khắc với lái xe khi nồng độ cồn vượt quá mức cho phép.
Tại Mỹ, các nhà hàng, cửa hàng cần phải có giấy phép mới được bán đồ uống có cồn; nhà hàng gần trường học quá cũng không xin được giấy phép; người trên 21 tuổi mới được mua đồ uống có cồn; các quán bar, nhà hàng dừng bán bia rượu sau 2g sáng các ngày trong tuần và 3g sáng cuối tuần.
Tại Malaysia, giá một lon bia Heineken trong một siêu thị ở Kuala Lumpur là 11,45 RM (tương đương khoảng 63.000 đồng). Nếu ở trong nhà hàng thì giá bia đắt gấp 2-3 lần. Vậy nhưng giá xăng 95 tại đây chỉ 2,05 RM/lít (tương đương khoảng 11.200 đồng/lít), và miễn thuế GST (tương tự như thuế VAT ở Việt Nam) (Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 22/10/2015).
Các chuyên gia kinh tế cho rằng đánh thuế cao là biện pháp tốt để điều chỉnh nhu cầu tiêu dùng, tăng thu ngân sách, điều tiết cho ngành sản xuất và dịch vụ khác.
Thực tế, tại Việt Nam, Bia đang là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhóm hàng tiêu dùng nhanh, chiếm khoảng 41%, theo sau là Thực phẩm 15%, sản phẩm Sữa 15%, Thuốc lá 13%, chăm sóc Cá nhân 8%, chăm sóc Nhà cửa 6%, chăm sóc Em bé khoảng 3%.
Hiện tại, theo thống kê từ Hiệp hội Bia-Rượu-NGK Việt Nam, cả nước có khoảng 129 cơ sở sản xuất bia, chỉ có 20/63 tỉnh, thành phố là không có cơ sở sản xuất bia. Sản lượng bia sản xuất chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn và khu vực phía Nam do mật độ dân cư đông và thu nhập cao hơn mức trung bình, trong đó: TP.HCM chiếm 34,69%, Hà Nội 12,64%, Thừa Thiên Huế 6,8%, Bình Dương 7,58%, Nghệ An 5,57%, Quảng Ngãi 3,59%…
Chưa có quy định mới về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia sau năm 2018 và các chính sách kiểm soát việc mua, bán và tiêu dùng mặt hàng bia. Còn theo Quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 do Bộ Công thương phê duyệt, Việt Nam đặt mục tiêu tăng sản lượng lên 1,4 lần, không khuyến khích đầu tư với các nhà máy quy mô dưới 50 triệu lít/năm, tới năm 2025 tập trung sản lượng bia tại Đông Nam Bộ (chiếm lớn nhất 31,4%), tiếp đến là Bắc Trung Bộ và ĐB sông Hồng, đồng thời chuyển dịch năng lực sản xuất bia theo hướng tăng ở các vùng hiện sản lượng còn thấp so với dân số như Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, ĐBSCL.
Mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của toàn ngành là 5,8%/năm (giai đoạn 2016-2020); 4,6%/năm (giai đoạn 2021-2025) và 4,0%/năm (giai đoạn 2026-2035). Giá trị sản xuất ngành đến năm 2035 đặt mục tiêu đạt 167.920 tỷ đồng. Trong đó kim ngạch xuất khẩu năm 2035 đặt mục tiêu đạt 900 triệu USD, tương đương 20.412 tỷ đồng, chiếm 1/8 giá trị sản xuất toàn ngành.
Lê Trai
Xem thêm:
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…