Kỳ lạ chuyện quy hoạch: Năm 2020, mỗi ngày một người Việt sẽ có một lon bia, một ly rượu!
- NGUYỄN HƯƠNG
- •
Công tác quy hoạch ngành trong hàng chục năm qua không chỉ lãng phí ngân sách, đôi khi quy hoạch ngành là cách để các Bộ tạo “giấy phép con”, xiết chặt cơ chế xin – cho, can thiệp thô bạo vào các nguyên tắc của thị trường, triệt tiêu năng lực sáng tạo của doanh nghiệp. Quy hoạch ngành rượu bia vừa qua dường như đi ngược lại với tinh thần Văn kiện Đại hội Đảng XII là “hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường”.
- Chuyên đề: Việt Nam đánh mất cơ hội ‘dân số vàng’ có một không hai như thế nào?
- Xem phần 16, phần 18, phần 19, phần 20
Ngày 12/9/2016, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký ban hành Quyết định số 3690/QĐ-BCT phê duyệt quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, cả nước sản xuất 4,1 tỷ lít bia, 350 triệu lít rượu. Sản lượng tịnh tiến tăng lên 4,6 tỷ lít bia, 350 triệu lít rượu năm 2025; 5,5 tỷ lít bia, 350 triệu lít rượu năm 2035. Như vậy tỷ lệ rượu bia so với tổng sản lượng có giảm nhưng số lượng tuyệt đối thì tăng lên.
Tính sơ sơ, đến năm 2020, một người Việt Nam trưởng thành, cả nam cả nữ sẽ được 1 lon bia, 1 chén rượu một ngày.
Báo cáo của Hiệp hội Bia rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, năm 2015, sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia ở Việt Nam đạt 3,4 tỷ lít, tăng gần 41% so với 2010. Mức tiêu thụ rượu và nước giải khát cũng tăng trưởng đáng kể với 75 triệu lít và 4,8 tỷ lít. Theo Bộ Y tế, con số này quả thực đáng báo động. Trong khi mức tiêu thụ rượu bia bình quân đầu người một năm của thế giới là 6,2 lít, không thay đổi trong 15 năm qua, đạt ngưỡng bão hòa. Việt Nam thì ngược lại, tăng gấp 2 lần lên 6,6 lít và còn tiếp tục tăng theo quy hoạch.
Dự thảo Luật Quy hoạch và bước đầu đạt thống nhất cao về loại bỏ quy hoạch sản phẩm
Trong một diễn biến gần đây và không lâu sau khi quy hoạch ngành rượu bia được công bố, sáng 16/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến dự án Luật Quy hoạch. Đa số ý kiến thống nhất loại bỏ các quy hoạch sản phẩm là bước đột phá, giải pháp quan trọng thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh, loại bỏ cơ chế xin- cho…
Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông, thay đổi quan trọng nhất trong dự thảo Luật chính là xóa bỏ quy hoạch ngành, sản phẩm cụ thể. Những quy hoạch như làm bao nhiêu tấn cá tra, bao nhiêu ha tôm đến giai đoạn hiện nay không còn phù hợp. Cái đó do nhu cầu thị trường quyết. Các dạng quy hoạch ngành, sản phẩm thường tạo cơ chế xin – cho.
Tuy nhiên, kiến nghị trên của Bộ KH-ĐT đã gặp phải sự phản đối khá quyết liệt của Bộ Công thương. Bộ Công thương cho rằng, các quy hoạch như rượu bia, thuốc lá, phân bón, xăng dầu… “nhất thiết phải lập quy hoạch” mới đảm bảo công tác quản lý nhà nước, định hướng cho nhà đầu tư, tránh lãng phí nguồn lực của các doanh nghiệp.
Thực tiễn chứng minh, công tác quy hoạch ngành, sản phẩm trong hàng chục năm qua không chỉ lãng phí ngân sách, đôi khi quy hoạch ngành là cách để các Bộ tạo “giấy phép con”, siết chặt cơ chế xin – cho, can thiệp thô bạo vào các nguyên tắc của thị trường, triệt tiêu năng lực sáng tạo của doanh nghiệp. Quy hoạch ngành rượu bia của Bộ Công thương vừa qua dường như đi ngược lại với tinh thần Văn kiện Đại hội Đảng XII là “hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường”.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống kê có tới 19.285 bản quy hoạch. Kinh phí làm quy hoạch giai đoạn 2011-2020 lên tới gần 8.000 tỷ đồng. Quy hoạch được lập ra ở hầu hết các ngành nghề và liên tục được điều chỉnh theo thời kỳ, thậm chí là nhiệm kỳ. (Theo Báo điện tử Doanh nhân Sài gòn online) |
Nguyên Hương
Xem thêm:
Từ khóa rượu bia Kinh tế Việt Nam quy hoạch