Từ các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam thừa nhận chi ngân sách nhà nước năm 2020 còn tình trạng lập kế hoạch vốn đầu tư phát triển không sát dẫn đến phải hủy bỏ vốn nước ngoài lớn; điều chỉnh dự toán chi đầu tư phát triển nhiều lần; chi không đúng chế độ, vượt tiêu chuẩn; trong khi ngân sách phải đi vay, trả nợ lãi cao để bù đắp bội chi nhưng số dư tại các quỹ rất lớn…
Sáng 15/6, trong chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020.
Với 453/457 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 90,96% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020.
Dù chưa đầy đủ, nhưng nhiều vấn đề tồn tại về thu chi ngân sách năm 2020 có thể thấy tại Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày trước khi tiến hành biểu quyết.
Ông Cường cho biết Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng công tác lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2020 còn nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm chưa được khắc phục; kỷ luật, kỷ cương tài chính quốc gia chưa nghiêm.
Tuy vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không liệt kê các cơ quan, đơn vị vi phạm, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm trong dự thảo Nghị quyết, mà nêu tại Điều 3 dự thảo Nghị quyết yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiểm điểm rút kinh nghiệm, kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế này.
Về thu ngân sách nhà nước năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế; chú trọng hơn trong công tác dự báo và lập dự toán thu sát khả năng thực hiện.
“Các địa phương khi lập dự toán thu tiền sử dụng đất cần bám sát kế hoạch, quy hoạch sử dụng, đấu giá quyền sử dụng đất từng thời kỳ; dự báo sự phát triển của thị trường bất động sản, khả năng đấu giá đất tại địa phương hàng năm sát thực tế”, trích nội dung báo cáo.
Ngoài ra, cơ quan này đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khắc phục tình trạng nợ đọng thuế thực tế vẫn còn rất lớn, tình trạng trốn thuế vẫn diễn ra phức tạp; yêu cầu báo cáo Quốc hội khi thực hiện xong Nghị quyết 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN [nghị quyết này được ban hành vào ngày 26/11/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020, thời hạn thực hiện trong 3 năm – chú thích].
Về chi ngân sách nhà nước năm 2020, các tồn tại, hạn chế từ ý kiến của đại biểu Quốc hội được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào Điều 1, Điều 3 dự thảo Nghị quyết để đề nghị Chính phủ “nghiêm túc rút kinh nghiệm, kịp thời khắc phục” gồm: Lập kế hoạch vốn đầu tư phát triển không sát dẫn đến phải hủy bỏ vốn nước ngoài lớn; công tác giao kế hoạch vốn còn chậm, dự toán chi đầu tư phát triển phải điều chỉnh nhiều lần; quyết toán các dự án đầu tư còn chậm.
Ngoài ra, các vấn đề tồn tại được đại biểu Quốc hội nêu như: nhiều hạn chế trong chi thường xuyên chưa được chấn chỉnh; có trường hợp chi không đúng chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức nhưng chưa được khắc phục.
Có 3 tỉnh, thành bị nêu tên đã chi sai ngân sách, gồm Hòa Bình, Vĩnh Long, Bình Phước, dùng nguồn thu tiền sử dụng đất và thu xổ số kiến thiết để bố trí tăng chi thường xuyên trái với quy định. Các địa phương này được yêu cầu phải bố trí các nguồn vốn khác hoàn trả đủ số vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất và xổ số kiến thiết đã cắt giảm để bố trí cho chi thường xuyên năm 2020 và các năm trước.
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội khác cho rằng số chi chuyển nguồn 2020 lớn, có xu hướng gia tăng, chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi NSNN, số chi chuyển nguồn NSTW và chi bổ sung có mục tiêu cho các địa phương lớn hơn số vay bù đắp bội chi.
Về điều này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn và kết dư NSĐP; trường hợp phát hiện các khoản quyết toán chi chuyển nguồn không đúng quy định hoặc đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán NSNN năm 2021 chưa thực hiện thì xuất toán, cắt giảm, hủy bỏ, thu hồi về NSNN.
Đối với ý kiến cho rằng trong điều kiện ngân sách phải đi vay, trả nợ lãi cao để bù đắp bội chi nhưng số dư tại các quỹ rất lớn; đề nghị báo cáo công khai Quốc hội việc huy động các khoản vốn vay và sử dụng các khoản vốn vay này – Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã bổ sung vào dự thảo Nghị quyết giao Chính phủ rà soát, kiểm soát việc huy động, quản lý các khoản vốn vay bù đắp bội chi, chi trả nợ gốc, trả nợ lãi, tạm ứng chi NSNN.
Cơ quan này đề nghị Chính phủ báo cáo công khai với Quốc hội việc huy động các khoản vốn vay và sử dụng các khoản vốn vay này.
Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 được 90,96% đại biểu Quốc hội phê chuẩn như sau: – Tổng số thu ngân sách nhà nước: trên 2.279.735 tỷ đồng. – Tổng số chi ngân sách nhà nước: trên 2.352.929 tỷ đồng. – Bội chi ngân sách nhà nước: trên 216.405 tỷ đồng, tương đương 3,44% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương. Mức thâm hụt này thấp hơn nhiều mức Quốc hội cho phép điều chỉnh là 368.300 tỷ đồng, khoảng 5,41% GDP. – Vay hơn 436.059 tỷ đồng (tương đương hơn 18,6 tỷ USD) để bù đắp bội chi và trả nợ gốc. Trong đó, trên 178.515 tỷ đồng vay để bù đắp bội chi ngân sách trung ương; trên 34.573 tỷ đồng vay từ nước ngoài. |
Nguyễn Quân
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…