Bộ Y tế Việt Nam tối 1/8 công bố thêm 4.246 ca COVID-19, có 4.225 ca ở 35 tỉnh thành.
Trong 4.225 ca mới, TP.HCM có 2.025, Bình Dương (764), Khánh Hòa (298), Long An (251), Đồng Nai (163), Bà Rịa – Vũng Tàu (138)…
Trong ngày 1/8, Việt Nam ghi nhận 8.597 ca nhiễm tại 40 tỉnh thành, chủ yếu tại TP.HCM (4.052), Bình Dương (2.179), Long An (569), Đồng Nai (425)…
Hôm nay là ngày ghi nhận số ca nhiễm trong nước cao thứ tư kể từ đầu dịch, với 8.597 ca. Ngày có số ca nhiễm cao nhất là 24/7 (9.225 ca), ngày có số ca nhiễm cao hai là 30/7 (8.622), ngày có số ca nhiễm cao ba là 31/7 (8.620) .
Có 4.423 người được công bố bình phục trong ngày 1/8 (nâng tổng số ca lên 43.157). Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU 432 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO 18 ca.
Số ca mới đã nâng tổng số ca nhiễm tại TP.HCM lên 94.295, Bình Dương 16.858, Long An 6.012, Đồng Nai 4.551…
Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay là 150.423 ca, ghi nhận ở 62 tỉnh thành.
Trong 24 giờ qua đã thực hiện 143.141 xét nghiệm cho 179.127 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4 đến nay đã thực hiện 6.213.144 mẫu cho 17.535.773 lượt người.
Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 6.203.866 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 5.583.255 liều, tiêm mũi 2 là 620.611 liều.
Việt Nam đang thực hiện đợt tiêm chủng vắc-xin COVID-19 có quy mô trên diện rộng.
Tại Hà Nội: Sáng 27/7, thành phố bắt đầu đợt tiêm chủng vắc-xin phòng ngừa COVID-19 trên diện rộng. Sở Y tế Hà Nội đã có quyết định phân bổ hơn 626.000 liều vắc-xin COVID-19 của Moderna, Pfizer và AstraZeneca cho 30 quận, huyện, thị xã và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố.
Tại TP.HCM: Đợt tiêm vắc-xin thứ 5 được thành phố thực hiện đồng loạt từ ngày 22/7 với 624 điểm tiêm tại 312 phường, xã. Dự kiến trong 2 tuần thành phố tiêm xong 930.000 liều, gồm vắc-xin AstraZeneca, Moderna, Pfizer và một lượng vắc-xin Sinopharm (Trung Quốc). Bốn đợt trước, thành phố đã tiêm cho 991.322 người (943.215 người mũi một và 48.107 mũi hai).
Hôm 31/7, giới chức TP.HCM đã nhận 1 triệu liều vắc-xin COVID-19 Vero Cell của Sinopharm (Trung Quốc) – thuộc hợp đồng đặt mua 5 triệu liều của Sapharco với đối tác Sinopharm. 4 triệu liều còn lại sẽ được giao trong tháng 8/2021.
Đến hôm 31/7, TP.HCM đã tiêm được 1,5 triệu liều vắc-xin COVID-19. Trong đó 1,3 triệu người tiêm 1 liều, gần 75.000 người tiêm đủ 2 liều.
Đáng chú ý, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố đang tăng cường tiêm vắc-xin cho người dân.
“Đặc biệt tới đây, thành phố sẽ tổ chức các đội tiêm vắc-xin, xe tiêm vắc-xin lưu động đến từng gia đình. Người dân không cần phải đăng ký mà đội hình tiêm vắc-xin sẽ tới tận nhà người dân, ai chưa tiêm là được ghi tên để tiêm chủng ngay…”, ông Phong nói trên báo Sài Gòn Giải Phóng hôm 30/7.
Trước đợt tiêm chủng vắc-xin COVID-19 đang diễn ra trên diện rộng khắp Việt Nam, một phần người dân ở tại vùng dịch đã hoãn, từ chối tiêm. Vậy, người dân có bị xử phạt?
Báo Tuổi Trẻ hôm 1/8 dẫn lời bà Đặng Thanh Huyền – phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho biết theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, cơ quan chức năng có quyền yêu cầu bắt buộc người trong diện cần tiêm chủng đi tiêm chủng, đặc biệt ở vùng dịch.
Tuy nhiên trong thực hiện, “chúng ta khuyến khích người dân đi tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe, chưa xử phạt người từ chối tiêm chủng”, bà Huyền nói.
Trước đó, báo Vnexpress hồi tháng 6 có dẫn lời luật sư Phạm Thanh Hữu – Đoàn luật sư TP.HCM cho biết trường hợp từ chối tiêm vắc-xin COVID-19 theo yêu cầu bắt buộc của cơ quan y tế có thẩm quyền, người dân sẽ bị phạt theo “điểm a khoản 2 điều 9 Nghị định 117/2020/NĐ-CP”.
Theo ông Hữu, với quy định này, người dân sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng với hành vi không sử dụng hoặc cản trở việc sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc-xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh trong trường hợp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch theo yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên, trên trang Facebook cá nhân Hao Nguyen hôm 1/8, vị bác sĩ này cho biết Nghị định 117/2020/NĐ-CP là nói về những loại vắc-xin, sinh phẩm thuộc “chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia“… Các loại vắc-xin này đảm bảo 100% người tiêm được bảo vệ khỏi bệnh tật.
Trong khi, tất cả vắc-xin COVID-19 chỉ là “phê duyệt trong điều kiện khẩn cấp. Không có loại nào bảo vệ được 100% người tiêm và còn nhiều tai biến chưa lường trước được”.
Theo vị bác sĩ này, về nguyên tắc, người dân có quyền định đoạt tính mạng, sức khỏe của mình mà không làm ảnh hưởng đến sức khỏe người khác. Ai sợ ảnh hưởng đến sức khỏe thì cứ việc tiêm vắc-xin để không bị nhiễm bệnh…
Ông cũng chỉ ra một thực tế: “Người không tiêm vắc-xin bị nhiễm bệnh và lây lan như thế. Người có tiêm vắc-xin cũng bị nhiễm bệnh và lây lan như thế”.
“Vậy nếu họ chấp hành các quy định phòng dịch, tránh lây lan cho cộng đồng thì không thể quy trách nhiệm cho họ. Nếu vẫn bắt buộc người dân tiêm vắc-xin mà họ không mong muốn, rồi xảy ra những biến chứng có hại, thì người nào bắt buộc họ có chịu trách nhiệm gì không?”, vị này đặt câu hỏi.
Hoàng Minh
Xem thêm:
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…