Mặc dù đã có lệnh cấm đốt pháo, nhưng tại rất nhiều các tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Yên Bái, Nam Định, Bắc Giang, Lạng Sơn, Đồng Nai… vẫn có tiếng pháo, đặc biệt là vào thời điểm giao thừa.
Sáng mùng 1 Tết, xác pháo đỏ nằm rải rác khắp trên con đường chính qua qua các xã Tây Sơn, Sơn Tây thuộc huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Trước đó, tại huyện Đức Thọ, có rất nhiều tiếng pháo vào thời khắc giao thừa bất chấp lệnh cấm.
Tại tỉnh Nghệ An, các huyện Quỳnh Lưu, Đô Lương, Anh Sơn, Yên Thành, có nhiều tiếng pháo đã vang lên trong đêm chuyển giao năm mới, thu hút sự chú ý của người dân. Trước lúc giao thừa, cảnh sát thu 2 giàn pháo hoa 72 quả và 21 quả pháo các loại đã được treo ở lề đường tại xã Hưng Đông (TP Vinh).
Không chỉ đốt pháo bất chấp lệnh cấm, người dân còn đặt pháo ngay giữa lòng đường, đốt và đứng ngay cạnh các dàn pháo tại huyện Văn Quan, Lạng Sơn.
Ngoài ra, tại nhiều nơi như thôn Hồng Hà, thị trấn Mậu A (huyện Văn Yên), tỉnh Yên Bái; thị trấn Cồn, xã Hải Thịnh (huyện Hải Hậu), xã Yên Tiến (huyện Ý Yên) và xã Tân Thịnh (huyện Nam Trực), TP Nam Định; tại Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk, tại Biên Hòa, Đồng Nai… cũng có nhiều chùm pháo phát sáng nổ liên tiếp trên bầu trời.
So với những năm trước, năm nay việc đốt pháo diễn ra nhiều và có phần rầm rộ hơn, với nhiều bánh pháo, dàn pháo hoa vùn vụt sáng rực trên bầu trời thay vì các quả pháo nhỏ lẻ. Người dân cho biết pháo được mua ở khu vực biên giới, mỗi dây pháo đỏ dài khoảng 2m có giá hơn một triệu đồng. Ngoài xác pháo đỏ, trên đường phố còn bắt gặp xác pháo trắng – một loại pháo tự chế bằng cách cuốn giấy.
Mặc dù đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc tăng cường kiểm tra, xử lý, tình trạng đốt pháo trái phép vẫn diễn ra nhiều năm qua, đặc biệt nhiều trong dịp tết Nguyên đán.
Theo chỉ thị số 406/TTg ngày 8/8/1994, các hành vi sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa đáp ứng quy định tại Nghị định số 17-CP ngày 23/12/1992) bị nghiêm cấm trong phạm vi cả nước kể từ ngày 1/1/1995. Các tổ chức, cá nhân vi phạm bị tịch thu tang vật, tiêu hủy pháo và thuốc pháo, phạt tiền từ 500 ngàn đến 2 triệu đồng.
Theo Điều 10, Nghị định số 167/2013, hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm có thể bị phạt tiền từ 500 ngàn đến 10 triệu đồng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.
Chiều 28/1 (mùng 1 Tết), Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận 2 bệnh nhân bị thương nặng do Trung tâm Y tế huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) chuyển đến. Trong đó, bệnh nhân Hoàng Văn O. (31 tuổi) bị cụt 1/2 cẳng tay phải, mất nhiều máu. Bệnh nhân Hoàng Văn Nh. (28 tuổi) bị vỡ nhãn cầu mắt trái. Theo thông tin ban đầu, anh O. đốt pháo đón năm mới trong đêm giao thừa. Anh Nh. đứng bên cạnh. Pháo nổ khiến các nạn nhân gặp nạn, phải chịu những di chứng nặng nề. |
Trần Hưng
Xem thêm:
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…