Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, người Việt cần cù nhưng dễ thỏa mãn, hiểu biết nhanh nhưng ít học từ đầu đến cuối, thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách.
Góp ý vào tờ trình Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030, sáng 1/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định), Giám đốc Khu du lịch Cửa Biển dành nhiều thời gian để bàn về tư duy và văn hóa đọc sách phổ biến hiện tại.
Nêu lợi ích của việc đọc sách, ông Cảnh cho rằng chúng ta đều biết lợi ích của việc đọc sách. Đọc sách là thói quen rất quan trọng trong việc giúp học tập suốt đời.
Đọc sách khác nhiều so với cập nhật kiến thức trên không gian mạng. Đọc sách giúp thấu hiểu chính mình và cảm thông với người khác. Còn đọc lướt thông tin trên mạng không đầy đủ nội dung dễ nảy sinh phiến diện, xu hướng muốn đả kích người khác hoặc ủng hộ thái quá.
“Thói quen đọc hết một cuốn sách giúp hình thành thói quen làm việc đến nơi đến chốn. Đọc lướt trên mạng tạo thói quen hời hợt, không tập trung”, ông Cảnh nói.
Theo ông Cảnh, người Việt Nam được khen thông minh, cần cù và được thiên nhiên ưu đãi, tuy nhiên đất nước chưa phát triển đúng tiềm năng. Nguyên nhân là người Việt chúng ta cần cù nhưng dễ thỏa mãn, hiểu biết nhanh nhưng ít học từ đầu đến cuối, cởi mở nhưng không kéo dài, tiết kiệm nhưng cũng hoang phí do sĩ diện hoặc phô trương, thích tụ tập nhưng thiếu kỹ năng trong hoạt động nhóm.
“Những điểm yếu này của người Việt có thể khắc phục nếu chúng ta tạo thói quen đọc sách trong toàn xã hội” – ông Cảnh nhìn nhận.
Qua đọc sách sẽ giúp con người nhận ra giá trị của quy tắc ứng xử trong cuộc sống, chuẩn mực đạo đức; hướng con người đến cái nhìn tích cực, thấu hiểu, chia sẻ với người xung quanh, phê phán thói hư tật xấu. Đây chính là xây dựng văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt.
Muốn người khác đọc sách, mình nên đọc trước, ông Cảnh nói, cho biết vừa đọc xong cuốn “Tật xấu người Việt” thấy được cách viết gần gũi tính cách đời sống người Việt.
“Hiện nay, cha mẹ muốn con đọc sách để giảm bớt thời gian sử dụng thiết bị điện tử, nhưng phần lớn cha mẹ không đọc sách”, đại biểu đoàn Bình Định nhận xét.
Trước đây nhân cách trẻ được hình thành qua giáo dục đạo đức, văn hóa từ thầy cô, phụ huynh, xã hội. Trẻ hiện nay tự do, đọc nhiều thông tin không chọn lọc. Đại biểu đề nghị ngành giáo dục nên có quy định giao cho trẻ tiểu học về nhà đọc sách và tóm tắt nội dung để hình thành thói quen đọc sách; từ đó sẽ tạo điều kiện cho mọi người có không gian đọc ở mọi nơi.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung phát triển không gian đọc ở nhiều nơi. Không gian đọc không chỉ ở các thư viện, phố sách, cà phê sách mà ở cả sân trường, bảo tàng, vườn hoa, công viên, phòng chờ sân bay, bến cảng, khách sạn, khu du lịch, khu vui chơi, trạm chờ xe bus, nơi chờ khám bệnh, nơi chờ giải quyết thủ tục hành chính ở các cơ quan công sở…
Nói về Chương trình mục tiêu, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) cho rằng chỉ tiêu “100% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên và người học được tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức và các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh, thân thiện, hạnh phúc” rất khó để đánh giá vì còn khá chung chung.
Sơn Nguyên
Tàu hàng qua đèo Hải Vân bị trật bánh khiến ba toa hàng văng khỏi…
Cần tiền để đầu tư chứng khoán và tiền điện tử, cựu Trưởng kho quỹ…
Không có loại thuốc thông thường nào cho bệnh tiểu đường loại 2 được chứng…
Với chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024, cả Phó Tổng thống Harris và…
Trận lũ lụt tồi tệ nhất ở châu Âu trong nửa thế kỷ mà Tây…
Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương cùng 16 bị can bị…