Categories: Thời sựViệt Nam

Quỹ bảo hiểm gần 1,3 triệu tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu: ‘Khả năng bảo toàn và sinh lời ra sao?’

Ba quỹ bảo hiểm gồm Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và Quỹ Bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý hiện có số dư gần 1,3 triệu tỷ đồng, chủ yếu đầu tư vào trái phiếu Chính phủ.

Một ngư dân Hội An vào buổi sớm trên bến tàu, tháng 2/2024. (Ảnh minh họa: Jeremy Liebman/Shuterstock)

Vấn đề trên được đại biểu Quốc hội nêu trong buổi thảo luận của Quốc hội về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, ngày 5/11.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) bày tỏ lo lắng khi quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách chưa được quan tâm thấu đáo

Ông Đồng cho biết đối với định chế Bảo hiểm xã hội Việt Nam, theo Báo cáo 647 ngày 15/10/2024 của Chính phủ, tổng số dư đầu năm 2024 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý là khoảng 1,42 triệu tỷ đồng. Ước tính đến cuối năm 2024, số dư nguồn các quỹ tăng khoảng 56.000 tỷ đồng so với đầu năm.

Số dư của ba quỹ do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý, gồm Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và Quỹ Bảo hiểm y tế, là khoảng 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần như tuyệt đối trên 91% tổng số dư các quỹ.

“Số dư chủ yếu được sử dụng để đầu tư vào trái phiếu Chính phủ. Vấn đề là cơ cấu và chất lượng sử dụng vốn của khối nguồn vốn gần 1,3 triệu tỷ đồng trên thế nào, khả năng bảo toàn và sinh lời của chúng ra sao, theo đó là sứ mệnh bảo đảm an sinh xã hội của cơ quan bảo hiểm xã hội có hoàn thành không? Báo cáo của Chính phủ cũng chưa làm rõ điều này, kể cả các vấn đề đại biểu khác đề cập, như tình hình nợ đọng bảo hiểm xã hội hiện nay”, vị đại biểu nêu vấn đề.

Ông Đồng cho biết theo các chuyên gia, chiếm hầu hết trong cơ cấu sử dụng vốn của Bảo hiểm xã hội là khoản mục tài sản trái phiếu Chính phủ Việt Nam, trong khi có rủi ro thanh khoản và rủi ro thị trường nhưng chưa từng được các cơ quan phụ trách, cũng như chính bản thân cơ quan Bảo hiểm xã hội nhận diện, đo lường và công bố.

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) đề cập thêm về việc đánh giá hiệu quả của các quỹ ngoài ngân sách.

“Hiện nay chúng ta có khoảng hơn 20 quỹ, trong đó có một số quỹ chuẩn bị đóng cửa, như quỹ Vắc-xin COVID-19, và một số quỹ chuẩn bị mở, theo các luật mới, như luật Trật tự đường bộ, luật Công nghiệp quốc phòng. Nhưng các quỹ này hoạt động đến đâu? Báo cáo chính phủ đã nêu nhưng chưa có một đánh giá cụ thể”, ông Huân nói.

Ông Huân đề nghị nên có một cơ quan chuyên môn của Quốc hội tiến hành giám sát các quỹ. Báo cáo 647 của Chính phủ có đưa ra đánh giá hiệu quả của các quỹ, “nhưng chủ yếu ở bước thu – chi thế nào, dương hay âm”, ông Huân cho hay.

Đưa ra ví dụ về tình trạng bất cập trong quản lý quỹ, ông Huân nêu như Quỹ Khoa học Công nghệ hiện nay thuần túy là vốn ngân sách nhà nước, hàng năm được đầu tư 300 tỷ đồng. Hiện nay quỹ này được giao cho Bộ Khoa học Công nghệ quản lý.

“Nhưng có một số khoản chi chi sang cả nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước. Đã là quỹ thì nằm ngoài ngân sách nhà nước, nhưng quản lý quỹ này cho hoạt động thật sự hiệu quả thì hiện nay chưa có đánh giá cụ thể”, ông Huân nói.

“Chúng ta có những quỹ rất lớn như Quỹ Bảo hiểm xã hội, hiện nay có hơn 1 triệu tỷ đồng vẫn đang dư. Quỹ Hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, Quỹ đổi mới sáng tạo…, nhưng hiệu quả tới đâu? Chúng ta không nên đánh giá hiệu quả bằng số lượng dự án, mà phải đánh giá hiệu quả quỹ tới đâu. Khi quỹ hoạt động thì giúp cho tăng trưởng bao nhiêu phần trăm GDP”, theo ông Huân.

GDP tăng gần 7%/năm, nhưng dựa chủ yếu vào FDI

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho biết tuy GDP đang duy trì tăng trưởng gần 7%/năm, nhưng chưa đạt được yếu tố bền vững, vì vẫn dựa vào động lực của FDI.

“Trong khi các doanh nghiệp FDI xuất siêu nhiều, còn doanh nghiệp trong nước lại nhập siêu lớn. Nếu muốn duy trì nhịpy độ phát triển bền vững, cần dựa vào các nguồn lực phát triển trong nước”, ông Huân phát biểu.

Theo dự kiến, đến năm 2025, GDP vào khoảng 500 tỷ USD, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng đều 7%/năm, đến năm 2035 thì GDP nước ta sẽ vào khoảng 1000 tỷ USD, định hướng đến năm 2045 đạt mốc 5000 tỷ USD để trở thành nước thu nhập cao, phá bẫy thu nhập trung bình.

“Để thoát được bẫy này, có nhiều công cụ về các khía cạnh như lao động, tái cơ cấu, đầu tư phát triển, tuy nhiên chúng ta chưa quan tâm đúng mức các khía cạnh này”, đại biểu nêu ý kiến.

“Việc phát triển FDI có thể nói là cơ hội để GDP phát triển nhưng không phải là động lực chính”, ông Huân nhắc lại điểm khuyết của tăng trưởng GDP quốc gia.

Nguyễn Quân

Nguyễn Quân

Published by
Nguyễn Quân

Recent Posts

Cựu Dân biểu Matt Gaetz rút lui khỏi vị trí ứng cử viên tổng chưởng lý

Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…

5 phút ago

Ông Trump bán cây đàn guitar có chữ ký với giá hơn 10.000 USD

Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…

23 phút ago

Bệnh tiểu đường gây tổn thương võng mạc như thế nào?

Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…

42 phút ago

Hungary sẽ triển khai hệ thống phòng không gần biên giới của Ukraine

Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…

2 giờ ago

Quân đội Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần

Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…

2 giờ ago

Nga bắn tên lửa tầm trung, không phải ICBM — Tổng thống Putin

Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…

4 giờ ago