Người tham gia giao thông có thể sử dụng bản sao chứng thực Giấy đăng ký kèm theo bản gốc Giấy biên nhận của ngân hàng để thay thế Giấy đăng ký xe bản gốc.
Ngày 15/8, Văn phòng Chính phủ có công văn hỏa tốc gửi các bộ Công an, Tư pháp, Giao thông Vận tải, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và UBND các tỉnh thành thông báo việc sử dụng “Giấy đăng ký phương tiện tham gia giao thông trong trường hợp thế chấp tại tổ chức tín dụng”.
Theo công văn, các chủ phương tiện tham gia giao thông được sử dụng bản sao chứng thực Giấy đăng ký phương tiện giao thông, kèm theo bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực. Hai loại giấy tờ này được thay cho bản chính Giấy đăng ký phương tiện để tham gia giao thông trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính nhằm bảo đảm nghĩa vụ dân sự trong việc thế chấp phương tiện.
Theo đó, Bộ Công an phối hợp với Bộ Tư pháp và NHNN hướng dẫn lực lượng có thẩm quyền xử phạt của ngành công an; Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tư pháp và NHNN hướng dẫn Thanh tra giao thông và người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành GTVT thực thi công vụ.
NHNN sẽ phối hợp với các Bộ Công an, Bộ Tư pháp ban hành văn bản hướng dẫn các tổ chức tín dụng cấp Giấy biên nhận nêu trên trong tháng 8. Tuy nhiên, ngân hàng chỉ được cấp một bản gốc Giấy biên nhận có thời hạn phù hợp với thời hạn thế chấp phương tiện.
Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các bộ Công an, Giao thông và NHNN rà soát, đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và báo cáo lên Thủ tướng trước ngày 30/9/2017.
Trước đó, nhiều chủ phương tiện ô tô bị phạt lỗi không có giấy tờ gốc vì cảnh sát giao thông không chấp nhận giấy xác nhận vay có đóng dấu ngân hàng thay thế đăng ký xe bản gốc.
Cục Cảnh sát giao thông cho biết theo Nghị định 46/2016 về xử phạt hành chính vi phạm giao thông, người điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy đăng ký xe; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đến 400.000 đồng.
Theo đó, người tham gia giao thông nếu không có đủ các giấy tờ đăng ký xe, bằng lái xe, bảo hiểm trách nhiệm dân sự bản chính… khi vi phạm giao thông sẽ bị xử lý.
Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/8, trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề xử phạt đối với trường hợp xe không có giấy tờ gốc (do đã thế chấp ngân hàng), Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết Nghị định 163 quy định khi thế chấp thì bên thế chấp vẫn được quyền nắm giữ giấy tờ của các tài sản này; trong khi đó, theo bộ luật dân sự, bên nhận thế chấp có quyền nắm giữ giấy tờ của các phương tiện đó nếu các bên có thỏa thuận.
NHNN cho biết các ngân hàng thương mại phản ánh việc nếu bên thế chấp vẫn nắm giữ giấy tờ trên thì có thể phát sinh việc mang tài sản đã thế chấp tại ngân hàng để thực hiện chuyển nhượng, mua bán, cầm cố, cầm đồ khiến các ngân hàng thương mại khó kiểm soát khi cho vay, dẫn đến nợ xấu phát sinh.
Do đó, NHNN đã có văn bản gửi Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Tư pháp cho phép người điều khiển giao thông được dùng bản sao, có xác nhận của tổ chức tín dụng và đề nghị Bộ Công an không xử phạt.
Phạm Toàn
Xem thêm:
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…