Đại biểu Hồ Thị Vân (Quảng Ngãi) chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc chúng ta đang ở giai đoạn nào, phải đi hết bao lâu trong con đường quá độ sau khá nhiều thay đổi về ngành giáo dục ? Bộ trưởng cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, động chạm đến nhiều vấn đề. “Chúng ta đang ở giai đoạn thực hiện nhiều nhiệm vụ và có hiệu quả” – Bộ trưởng nói.
Sáng nay (6/6), Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ sẽ trả lời các câu hỏi về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập; giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.
Có 5 phút báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nói thời gian qua ngành đã đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực rộng lớn, khó, cần thời gian mới đạt được hiệu quả. Bản thân ngành cũng còn nhiều thiếu sót, nhiều vấn đề tồn tại, gây bức xúc trong dư luận. Với trách nhiệm người đứng đầu, Bộ trưởng xin chịu trách nhiệm về những việc chưa làm được và hứa thực hiện tốt hơn thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết có 63 đại biểu đăng ký chất vấn.
ĐB Hồ Thị Vân (Quảng Ngãi) chất vấn Bộ trưởng từng nói giáo dục ta đang trong giai đoạn quá độ nên phải chấp nhận để đổi mới.
“Sau khá nhiều thay đổi thì giáo dục của chúng ta đã đi đến đâu, phải đi hết bao lâu và đến giai đoạn nào của con đường quá độ? Trong nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng dự kiến đạt được bao nhiêu phần trăm của quá trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục?” – đại biểu Vân hỏi.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định việc đổi mới, đặc biệt là đổi mới giáo dục – việc này không nóng vội được vì liên quan đến nhiều đối tượng, do đó, cần phải có giai đoạn quá độ.
“Không thể cứ thấy bí, thấy vướng là làm ngay vì giáo dục là việc động chạm nhiều vấn đề nhạy cảm, muốn thực hiện phải có lộ trình, bước đi” – Bộ trưởng nêu.
Bộ trưởng Nhạ thông tin thêm việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia cũng đã được đổi mới theo lộ trình 3 năm, từ 2 kỳ thi chỉ còn 1 kỳ thi; từ việc tổ chức 2 loại cụm còn 1 cụm thi. Đến năm 2017, việc tổ chức kỳ thi đã tương đối ổn định về cơ bản và năm nay chỉ chỉnh sửa một số vấn đề kỹ thuật để hoàn thiện hơn.
Về câu hỏi “giáo dục Việt Nam đang ở đâu trong giai đoạn quá độ“, Bộ trưởng khẳng định: “Chúng ta đang ở giai đoạn thực hiện nhiều nhiệm vụ và có hiệu quả“.
Bộ trưởng Nhạ lấy dẫn chứng giáo dục mầm non đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, so với các nước trong khu vực được Unicef đánh giá cao; tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 cũng thuộc diện cao; cấp tiểu học cũng đạt kết quả tốt như kết quả Pisa, tổ chức World Bank cũng đánh giá cao; chương trình giáo dục phổ thông cũng đã hoàn thành chương trình tổng thể và tới đây xây dựng sách giáo khoa.
“Để kết luận làm được gì thì chưa đủ căn cứ, nhưng chúng tôi có cơ sở tin rằng trong nhiệm kỳ sẽ có kết quả không chỉ chuyển biến mà là rõ nét. Trong lúc chờ chương mình mới, chúng tôi cũng đổi mới, cải tiến các chương trình hiện hành. Đây là bước chuyển không sốc nhưng vô cùng gian lao, vì vậy, rất mong các đại biểu chia sẻ với ngành giáo dục” – Bộ trưởng phân trần.
Chúng ta đang ở ví trí nào trong bảng xếp hạng Châu Á?
ĐB Mai Thị Phương Hoa nêu băn khoăn khi Việt Nam có 300 trường đại học, nhưng chỉ 5 trường có tên trong bảng xếp hạng châu Á. Đại biểu nêu câu hỏi “giáo dục đại học Việt Nam đang ở đâu trong bảng xếp hạng châu Á?“.
Bộ trưởng cho biết “Hiện so với mặt bằng thế giới, giáo dục đại học chúng ta còn thấp, trong xếp hạng Ranking chưa có trường đại học nào xếp vào bảng xếp hạng danh tiếng. Gần đây, có 5 trường được vào nhóm 400 của châu Á. Theo thông tin tôi mới biết, đã có 2 đại học lọt vào 1.000 trường tốt nhất thế giới”.
Về nguyên nhân, Bộ cho rằng chương trình đào tạo chưa sát với yêu cầu của thị trường, chương trình học chủ yếu được các thầy cô xây dựng dựa trên hiểu biết chứ không xuất phát từ thực tế. Bên cạnh đó là chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính còn nhiều vấn đề.
Ngoài ra, mức học phí cũng ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục. “Suất học phí đối với sinh viên trong nước bình quân là 630 USD, trong khi Mỹ là 19.000 USD, Trung Quốc 3.500 USD,… chi phí thấp nên nên chất lượng đại học khó mong đợi cao” – Bộ trưởng cho hay.
Sau phiên làm việc buổi sáng, có 32 ĐB chất vấn, 18 ĐB tranh luận, 9 ĐB đặt câu hỏi chất vấn chưa được trả lời. Chiều nay, còn 59 ĐB chờ chất vấn và tranh luận.
Trong báo cáo gửi đến Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ thừa nhận chất lượng đào tạo chưa cao, đặc biệt là đào tạo sau đại học, liên kết, liên thông,… Cụ thể, số lao động trong độ tuổi lao động (15-60) có trình độ đại học không có việc làm là khoảng 200.000 người. Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định nếu tính trong tổng số hơn 5 triệu lao động trình độ đại học thuộc độ tuổi này thì tỷ lệ cử nhân thất nghiệp trên không quá lớn (năm 2017 tỷ lệ này khoảng từ gần 3% đến 4,5%), chủ yếu là làm việc không đúng ngành hoặc không muốn chấp nhận dịch chuyển đến nơi thiếu lao động. “Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các nước trên thế giới” – Bộ cho hay. |
Kim Long – Trần Tâm
Xem thêm:
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…