Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, các đại biểu đã đặt 3 câu hỏi khó với 3 vấn đề ô nhiễm đang là nguy cơ thảm họa hoặc đã từng gây bức xúc rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân, gồm: Nguy cơ rò rỉ phóng xạ từ Trung Quốc, thảm họa Formosa, ô nhiễm từ nhà máy Alumin. Bộ trưởng đều 3 lần khẳng định các đại biểu “yên tâm”.

3 nha may dien hat nhan trung quoc
3 nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc ngay sát biên giới Việt Nam. (Ảnh: Bộ KH&CN)

Câu hỏi thứ nhất được ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) đặt ra vào phiên làm việc chiều ngày 4/6 với nội dung Trung Quốc đặt 3 nhà máy hạt nhân gần biên giới nước ta, vậy có nguy cơ từ gì từ việc rò rỉ phóng xạ, Bộ có biện pháp gì phòng ngừa?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng cho biết Bộ đã nắm được sự việc; đồng thời đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng trạm để theo dõi chính xác. Bộ Khoa học và Công nghệ đã làm việc với cơ quan hạt nhân quốc tế để thường xuyên có đoàn thanh tra quốc tế kiểm soát các tiêu chuẩn an toàn.

Ngoài ra, TP. Hà Nội cũng đưa ra một quy hoạch rất cụ thể về việc phòng tránh tác hại của phóng xạ. Bộ trưởng cũng lấy ví dụ về việc đặt nhà máy điện hạt nhân sát biên giới đã có ở nhiều nước, ví dụ ở biên giới Pháp – Đức.

Tôi cho rằng nếu chúng ta làm tốt, cùng với công nghệ hiện đại, phối hợp với quốc tế để giám sát, kiểm soát thì chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm với vấn đề này” – Bộ trưởng khẳng định.

Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt Đề án “Quản lý và giảm thiểu các rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với TP. Hà Nội”. Theo đề án, rò rỉ phóng xạ từ 3 nhà máy hạt nhân Trung Quốc có thể trở thành thảm họa đối với quá trình phát triển của TP. Hà Nội.

Hiện 3 nhà máy cách biên giới nước ta chỉ khoảng 50-200km, gồm: Nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành tại Quảng Tây, nhà máy Xương Giang tại đảo Hải Nam và nhà máy Trường Giang tại Quảng Đông. Ngay từ khi mới hoạt động vào năm 2016, ba nhà máy này được các chuyên gia bày tỏ quan ngại và phải yêu cầu có hệ thống cảnh báo nguy cơ rò rỉ phóng xạ.

Tính đến cuối năm 2017, Trung Quốc có 38 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động và 19 nhà máy được xây dựng. Cơ quan Nguyên tử Năng Quốc tế dự báo tới năm 2030, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia hàng đầu về năng lượng hạt nhân.

Tiếp theo, ĐB Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) đặt câu hỏi với Bộ trưởng có “tin tưởng” việc Formosa sẽ không gây ô nhiễm trong thời gian tới đây, trong khi hiện nay Bộ đã chấp nhận Formosa chạy lò cao số 2. Bộ trưởng khẳng định vấn đề này ĐB có thể “yên tâm”.

Với tư cách là một người nói trước quốc hội và chúng tôi đã cho hoạt động, chúng ta đã thay đổi toàn bộ phương pháp quản lý, trong đó chúng ta đầu tư công nghệ sản xuất, bổ sung công nghệ xử lý môi trường công suất lớn hơn nhiều, công nghệ giám sát kiểm soát môi trường trực tuyến, và chúng ta có 3 nấc đề phòng sự cố: ngay tại nơi sản xuất, trong nhà máy và ngoài nhà máy. Đến nay, hồ sinh học có thể hoàn toàn tái sử dụng nước, nước có thể đạt loại A. Nên đối với Formosa, các đại biểu có thể yên tâm”.

formosa ha tinh
Nhìn lại thảm họa Formosa.

Câu hỏi cuối cùng được ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai)chất vấn Bộ trưởng về hàng loạt sự cố môi trường xảy ra tại hai nhà máy alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) và Tân Rai (Lâm Đồng).

Bộ trưởng cho rằng “Tôi đã đến kiểm tra nhà máy Nhân Cơ. Sự cố rò rỉ chỉ xảy ra nội bộ, quy mô nhỏ chứ không phải thảm hoạ gây ảnh hưởng lớn. Riêng hồ lắng bùn đỏ thì đang được làm theo 3 nấc hồ, việc lựa chọn và thiết kế độ bền của bạt đáy hồ cũng như hệ thống bao quanh hồ đã được cơ quan chức năng thẩm định. Tuy nhiên, vấn đề môi trường thì tôi cũng thống nhất là cần giám sát, kể cả trách nhiệm giám sát của Tập đoàn Than Khoáng Sản Việt Nam. Vì thế về cơ bản là chúng ta có thể yên tâm được”.

Dự án alumin Nhân Cơ được phê duyệt tại Quyết định số 167 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 1/11/2007, do Công ty Cổ phần Alumin Nhân Cơ (thuộc TKV) làm chủ đầu tư, Tập đoàn TKV chi phối, Công ty Chalieco (Trung Quốc) làm nhà thầu xây dựng.

Ngày 23/7/2016, nhà máy này xảy ra sự cố vỡ đường ống dẫn xút khiến 9,58m3 kiềm tràn ra khu vực sân nhà máy và một phần kiềm thẩm thấu xuống khu vực đất rộng trong phạm vi 600m2, phần còn lại chảy theo đường ống đổ về suối Đắk Dao (xã Nhân Cơ, tỉnh Đăk Nông).

PGS.TS Nguyễn Văn Phổ – Viện Công nghệ địa chất và Khoáng sản (Hội Địa chất Việt Nam) cảnh báo chưa nước nào trên thế giới có công nghệ xử lý bùn đỏ chế ngự được xút. Nếu để xút này chảy ra ngoài môi trường thì nguy hại toàn vùng, ảnh hưởng đến dòng chảy, môi trường sống của sinh vật ở các dòng sông, con suối trong khu vực…; từ góc độ tác hại môi trường thì chẳng khác gì Formosa.

Về dự án Alumin Tân Rai, năm 2018, trong báo cáo của Bộ TN&MT gửi Bộ Công Thương về tổng kết, đánh giá hiệu quả đầu tư thí điểm dự án này, đã chỉ rõ “Qua thực tế kiểm tra cho thấy, sau 9 năm triển khai các thiết bị của Nhà máy alumin Tân Rai và thiết bị tại một số hệ thống xử lý môi trường đã xuống cấp, khả năng tuổi thọ của các thiết bị này không được như mong muốn“.

Bộ TN cũng nhìn nhận hoạt động khai thác, chế biến boxit tại Tân Rai và Nhân Cơ vẫn luôn tiềm ẩn các nguy cơ ô nhiễm môi trường và phức tạp.

Trần Tâm

Xem thêm: