Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) TP.HCM cho biết đơn vị tổ chức không thực hiện đúng theo nội dung đã xin phép: xin trưng bày mẫu vật nhựa nhưng thực tế là cơ thể người thật, thời gian triển lãm vượt 4 tháng…
Tối 6/7, Sở Văn hóa, Thể thao TP.HCM ra thông cáo báo chí, cho biết đã yêu cầu Chi nhánh Công ty CP Dịch vụ và Thương mại Khai Thiên – Big Bang (đơn vị đề nghị xin tổ chức trưng bày) cung cấp hồ sơ, văn bản liên quan đến việc cấp phép tổ chức buổi triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” (Mystery of Human body) tại Nhà Văn hóa Thanh Niên (số 4 Phạm Ngọc Thạch, Q.1).
Cụ thể, Chi nhánh Công ty Khai Thiên cần cung cấp kế hoạch tổ chức, hồ sơ pháp lý, nguồn gốc, lý lịch, chất liệu cụ thể các mẫu vật từ Hàn Quốc vào Việt Nam và các văn bản do cơ quan chức năng Việt Nam cấp như Hải quan, Bộ Y tế… để Sở báo cáo xin ý kiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ Y tếvà Thường trực UBND TP.HCM … về triển lãm.
Trong thời gian chờ Chi nhánh Công ty Khai Thiên cung cấp hồ sơ, tạm ngừng triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” (Mystery of Human body) từ ngày 7/7/2018.
Theo nội dung thông cáo, Sở VH-TT TP.HCM đã tiến hành hậu kiểm, kiểm tra thực tế tại buổi triển lãm. Qua đó, Sở phát hiện và kết luận đơn vị tổ chức đã không trung thực khi các mẫu vật xin phép Sở trưng bày ghi là nhựa, nhưng thực tế “là cơ thể người thật sau khi chết, hiến tạng cho khoa học và được nhựa hóa”. Ngoài ra, thời gian triển lãm mở cửa tại Nhà văn hóa Thanh niên (từ ngày 21/6/2018 đến 31/12/2018) không đúng theo văn bản chấp thuận của Sở (từ ngày 1/11/2017 đến 1/9/2018).
Sở cho biết qua hai tuần hoạt động, triển lãm đã có hơn 6.000 lượt khách (giá vé 200.000 đồng/lượt – PV).
Về phản ứng trong dư luận, Sở cho biết có nhiều bài viết đánh giá tích cực về cuộc trưng bày, “nội dung giáo dục cao, hình thức sinh động, có tính nhân văn sâu sắc“. Song song, có những ý kiến phản ứng như “nguồn gốc các mẫu vật trưng bày như xương sọ, các khủy tay, chân… hoàn toàn của người thật“; “triển lãm mang lại cảm giác ghê rợn cho người xem, bên cạnh việc không rõ xuất xứ, bí mật liên quan đến xác sống, nội tạng cơ thể người“.
Thực tế, thông tin các mẫu vật là cơ thể người thật đã được công bố trong buổi họp báo ra mắt triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể con người” ngày 14/6. Ban tổ chức cho biết triển lãm dự kiến trưng bày khoảng 140 mẫu vật cơ thể người thật (trong đó có 11 bộ mẫu vật toàn thân và 126 bộ mẫu vật là các bộ phận trên cơ thể người), được nhựa hóa bởi công nghệ Plastination – một công nghệ trong bảo tồn xác người. Mục đích nhằm mang đến khán giả những trải nghiệm ấn tượng và chân thực nhất về cấu trúc sinh học của cơ thể con người.
Tối 6/7, ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh – Triển lãm đến kiểm tra độc lập tại triển lãm. Trước đó, ông Thành cho hay đơn vị tổ chức đã đến xin phép tổ chức triển lãm tại Hà Nội, song Cục từ chối cấp phép vì “độ nhạy cảm và những hình ảnh tạo sự ám ảnh quá lớn với người xem”.
Ngoài ra, theo luật hiện hành, Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh – Triển lãm không có quyền cấp phép đối với chương trình triển lãm thi thể người.
Việc Cục không có quyền cấp phép, song cuộc triển lãm lại được Sở VH – TT TP.HCM cấp phép và việc cuộc triển lãm đã họp báo công khai, trưng bày, khai thác thương mại hai tuần sau đó các cơ quan quản lý văn hóa mới vào cuộc yêu cầu báo cáo – những băn khoăn này đã được đặt ra song còn đang bỏ ngỏ.
Tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra vào ngày 5/7, ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng Bộ VH-TT&DL cho biết sau khi nhận báo cáo của Sở VH-TT TP.HCM và báo cáo độc lập của Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ mới cân nhắc được hướng xử lý đối với chương trình triển lãm.
Vĩnh Long
Xem thêm:
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.