Tạp chí du lịch Mỹ Fodor’s Travel vừa xếp vịnh Hạ Long vào danh sách sổ đen “No list” (không nên đi) năm 2024 bởi nơi đây bị đánh giá là ô nhiễm nặng nề bởi thùng xốp, rác thải nhựa và dầu diesel.
Mới đây, tạp chí Fodor’s Travel đưa tin ở các chuyến du ngoạn trên vịnh Hạ Long, du khách thường xuyên nhìn thấy chai nước, túi nhựa, cốc xốp và rác thải liên quan đến hoạt động đánh cá trôi nổi trên mặt nước cùng với những vệt dầu loang từ thuyền du lịch.
Bất chấp lệnh cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần trên thuyền kể từ năm 2019, du khách tham quan vẫn được cung cấp những chai nước nhỏ trên tàu. Đồng thời, nhiều khách quốc tế đánh giá trên nền tảng trực tuyến rằng mặt nước của vịnh đang trở nên ô nhiễm nặng nề bởi rác xốp và vệt dầu nhờn trôi theo từng đợt.
Một nhà nghiên cứu ô nhiễm biển, trực tiếp làm việc ở Việt Nam hơn 5 năm qua cho biết: “Vấn đề ở vịnh hiện nay là tình trạng quá tải khách tham quan nhưng ban quản lý khu du lịch không có giải pháp xử lý quản lý chất thải hiệu quả”.
Quy định yêu cầu các khách sạn 3 sao và du thuyền phải cung cấp 2 chai nước cho mỗi người trong mỗi phòng trong khi chính quyền không có chế tài chặt chẽ để xử lý rác thải nhựa.
Rác thải được tạo ra hàng ngày từ các hoạt động du lịch, không chỉ ảnh hưởng đến trải nghiệm du lịch mà còn ảnh hưởng đến hệ sinh thái vốn đang bị “tổn thương” bởi biến đổi khí hậu. Đáng chú ý, đã từng có 234 loại rạn san hô trong vịnh, nhưng hiện chỉ còn lại một nửa.
Vịnh Hạ Long còn có 20.600ha ao nuôi. Chính phủ Việt Nam gần đây yêu cầu các trang trại nuôi cá phải thay thế thùng xốp bằng vật dụng bền vững. Nhiều thùng xốp bỏ đi sau đó đã được đổ xuống vịnh.
Theo Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, khoảng 10.000m3 rác (bao gồm cả thùng xốp) đã được thu gom từ tháng 3 và hoạt động vớt rác vẫn sẽ được thực hiện hàng ngày.
Một vấn đề khác khiến giảm chất lượng trải nghiệm tại vịnh là việc tập trung đông đúc tàu thuyền chở khách. “Tôi có thể dễ dàng đếm được 30 chiếc thuyền khác xung quanh mình, trong đó có một chiếc thuyền tổ chức tiệc có nhạc lớn đến tận 11h đêm, khiến sự yên bình không còn nữa”, một du khách chia sẻ.
Các chuyên gia cũng nhận định số lượng tàu lớn cũng góp phần gây ô nhiễm nặng nề. Trong khi một số công ty du lịch vận hành những chiếc thuyền được thiết kế tốt và được bảo trì tốt thì những công ty khác lại chạy bằng động cơ diesel bị rò rỉ dầu vào vịnh.
Với hơn 500 tàu du lịch hoạt động và có lưu trú nghỉ đêm trên Vịnh, việc quản lý xả thải của các tàu du lịch được coi là vấn đề thách thức lớn nhất khi mới chỉ có khoảng 50/503 tàu du lịch có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, còn hệ thống xử lý nước thải la canh thì hoạt động ngày càng kém hiệu quả. Với những tàu thuyền đánh cá thì gần như mọi rác thải, nước thải đều được ngư dân xả thải trực tiếp xuống mặt Vịnh.
Bên cạnh đó, các công trình dự án ven bờ, đặc biệt tại khu vực vùng đệm Di sản nhiều công trình chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, đặc biệt là quy định về bảo tồn Di sản; ô nhiễm tại các cảng biển, khu công nghiệp, khai thác than chưa được kiểm soát đầy đủ (ô nhiễm dầu, dăm gỗ, nước thải than trên Vịnh)… đã ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan, suy giảm đa dạng sinh học, phá hủy các hệ sinh thái đáy, đặc biệt là hệ sinh thái rạn san hô… dẫn đến Trung tâm Di sản thế giới (UNESCO) nhiều lần gửi công hàm khuyến nghị về công tác bảo vệ môi trường Di sản…
Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của TP. Hạ Long với khu vui chơi giải trí, khách sạn sang trọng và các khu dân cư mới đang gây thêm áp lực cho hệ sinh thái. Fodor’s Travel lưu ý rằng hiện nay thành phố này chỉ có khả năng xử lý 40% lượng nước thải.
Vịnh Hạ Long cần sự nỗ lực bền bỉ của chính quyền và các công ty lữ hành để có những hành động phù hợp nhằm ưu tiên bảo vệ kỳ quan thiên nhiên. Một giải pháp do Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế đề ra là cần phải giảm số lượng du khách dựa trên đánh giá khách quan về khả năng chuyên chở của tàu du lịch.
Mặc dù việc hạn chế khách du lịch sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của người dân làm dịch vụ xung quanh. Tuy nhiên, chuyên gia môi trường nhận định một cách để đảm bảo lợi ích kinh tế là thực hiện thuế du lịch và đẩy mạnh đầu tư vào hoạt động dọn dẹp, làm sạch môi trường. Ngoài ra, cần đảm bảo các tàu du lịch tuân thủ các quy định về môi trường.
Được công nhận là di sản thế giới của UNESCO vào năm 1994, cho đến nay, vịnh Hạ Long đã thu hút hàng triệu du khách. Khu vực này có quang cảnh độc đáo, bao gồm 1.600 hòn đảo và những núi đá vôi cao chót vót được che phủ bởi cây xanh trong khi chỉ cách Hà Nội 3 giờ đi ô tô. Số lượng du khách đến Vịnh Hạ Long năm 2022 là hơn 7 triệu và dự kiến sẽ đạt khoảng 8,5 triệu lượt vào năm 2023. Tuy nhiên, tình trạng quá tải du lịch và ô nhiễm biển đang gây áp lực lên hệ sinh thái.
Theo tạp chí này, việc hạn chế du lịch sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người trong thời gian ngắn, nhưng không bảo vệ vịnh Hạ Long có thể gây ra hậu quả lâu dài. Danh sách hạn chế du lịch không nhằm “hạ bệ hay chê bai” mà thể hiện sự trân trọng và muốn bảo vệ các điểm đến nổi tiếng này.
Khánh Vy
Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…
Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…