Bị can Đoàn Văn Huấn (ảnh trái) và Nguyễn Văn Chính. (Ảnh: bocongan.gov)
Từ năm 2019 đến 2023, bị can Đoàn Văn Huấn – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Thái Dương đã chỉ đạo cấp dưới tổ chức khai thác trái phép quặng đất hiếm và quặng sắt với tổng giá trị hơn 864 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 736 tỷ đồng, theo cơ quan điều tra.
Ngày 6/2, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương (Công ty Thái Dương) và các đơn vị liên quan.
Theo đó, 27 bị can liên quan đã bị đề nghị truy tố. Trong đó, bị can Đoàn Văn Huấn – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Thái Dương bị đề nghị truy tố cả 3 tội danh; Nguyễn Văn Chính – Phó tổng giám đốc kiêm kế toán trưởng bị đề nghị truy tố tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”; “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo kết luận điều tra được truyền thông đăng tải, năm 2013, Công ty Thái Dương được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác đất hiếm tại xã Yên Phú (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái). Tuy nhiên, sau khi được cấp giấy phép, công ty này không thực hiện đúng các quy định của pháp luật.
Cụ thể, từ năm 2019 đến 2023, bị can Huấn đã chỉ đạo cấp dưới tổ chức khai thác trái phép quặng đất hiếm và quặng sắt với tổng giá trị hơn 864 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 736 tỷ đồng. Trong đó, bán trái phép gần 10,3 ngàn tấn tinh quặng đất hiếm (hàm lượng TREO 18-20%); hơn 280 ngàn tấn tinh quặng sắt.
Bên cạnh đó, bị can Huấn cũng chỉ đạo nhân viên bơm, xả, đổ trái phép ra môi trường hơn 348 ngàn tấn bùn thải quặng đuôi và 2.425 tấn thải thạch cao lẫn bùn thải.
Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng cũng xác định khi bán các loại quặng trên, bị can Huấn chỉ đạo xuất hóa đơn một phần, với đơn giá thấp hơn thực tế mua bán; không kê khai nộp thuế, để ngoài sổ sách kế toán gần 28 tỷ, gây thiệt hại tiền thuế gần 10 tỷ đồng. Sau đó, số tiền bán quặng ghi trên hóa đơn được chuyển vào tài khoản Công ty Thái Dương, còn khoản tiền chênh lệch được trả bằng tiền mặt để không đưa vào hạch toán, không khai báo thuế. Ngoài ra, Công ty Đất hiếm Việt Nam bị cáo buộc sử dụng 14/15 hóa đơn để kê khai vào chi phí được trừ khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, gây thiệt hại về thuế hơn 4 tỷ đồng. Quá trình điều tra vụ án, cơ quan chức năng cho hay có sự buông lỏng trong việc quản lý cấp phép thăm dò, khai thác và chế biến sâu đất hiếm; thiếu kiểm tra trong việc thẩm định hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò, khai thác tài nguyên của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các bị can đã lợi dụng giấy phép thăm dò, khai thác tài nguyên để khai thác số lượng đặc biệt lớn mà không báo cáo các cơ quan chức năng, tiêu thụ trái quy định nguồn tài nguyên khai thác được để hưởng lợi bất chính. Mặt khác, việc kiểm soát quá trình sử dụng nguyên liệu nhập khẩu dùng để sản xuất còn sơ hở, chủ yếu theo sự báo cáo của doanh nghiệp. Lợi dụng điều này, các bị can đã mua nguyên liệu đất hiếm không có hóa đơn chứng từ được khai thác trái phép trong nước để sản xuất, chế biến thành “tổng ô xít đất hiếm” và khai báo với cơ quan hải quan khi thực hiện xuất khẩu là hàng hóa được sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu sản xuất để xuất khẩu, trái với các quy định của nhà nước về xuất khẩu đất hiếm, với thuế suất 0%, qua đó xuất khẩu trái pháp luật đất hiếm với số lượng lớn. Theo quy định hiện hành, đất hiếm được chế biến thành “tổng ô xít đất hiếm” có hàm lượng từ 95% trở lên mới được xuất khẩu. Để chế biến, doanh nghiệp phải có tiềm lực kinh tế đủ mạnh, hợp tác với các nước phát triển để chuyển giao công nghệ đạt chuẩn. Nhưng trên thực tế, việc chuyển giao công nghệ chế biến đất hiếm với các nước phát triển là hết sức khó khăn, công nghệ trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu. Doanh nghiệp được cấp phép tự lắp đặt dây chuyền theo hình thức chắp vá, không đảm bảo chế biến được sản phẩm đạt chuẩn để xuất khẩu, dẫn đến khai thác, bán trái phép đất hiếm gây thất thoát tài nguyên khoáng sản. |
Khánh Vy (t/h)
UBND quận Tây Hồ vừa thông báo tìm nhà đầu tư dự án xây dựng…
Nếu ý thức của chúng ta không biến mất khi qua đời, thì nó sẽ…
Cầu Vĩnh Tuy 1 được khánh thành và đi vào khai thác năm 2009, có…
Liên quan đến vụ sai phạm đất đai cấp 5 thửa đất không đúng đối…
Những năm qua Đảng Cộng sản Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp để…
Giá mỗi lít xăng RON 95-III tăng 150 đồng, E5 RON 92 tăng 150 đồng…