UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cơ sở đóng tàu gian dối trong vụ việc 17 tàu vỏ thép hư hỏng khiến ngư dân thiệt hại nặng nề.
Liên quan đến việc xử lý hai cơ sở đóng tàu (Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương) trong vụ việc 17 tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định vừa hạ thủy chưa lâu đã bị hỏng hóc, UBND tỉnh Bình Định đã kiến nghị Thủ tướng và Bộ Công an về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hai công ty này.
Cụ thể, theo kiến nghị gửi tới Thủ tướng và Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị các cơ quan chức năng của Bộ phối hợp với Công an tỉnh Bình Định điều tra, xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cơ sở đóng tàu có hành vi gian lận trong thực hiện hợp đồng với ngư dân; kiến nghị Bộ NN&PTNT yêu cầu Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Tổng cục thủy sản) kiểm định chất lượng các tàu sau khi được các công ty đóng tàu sửa chữa, khắc phục; kiến nghị Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại có chính sách gia hạn nợ, kéo dài thời gian ân hạn đối với các chủ tàu vỏ thép bị hư hỏng phải nằm bờ.
Cũng trong kiến nghị này, UBND tỉnh Bình Định giao công an tỉnh báo cáo Bộ Công an về tình hình hư hỏng của 18 tàu vỏ thép và đề nghị lập hồ sơ khởi tố trước pháp luật các cơ sở đóng tàu gian dối.
Trước đó, trong buổi làm việc ngày 30/6 giữa Sở NN&PTNT Bình Định, 18 chủ tàu có tàu vỏ thép hư hỏng và đại diện của công ty Nam Triệu, công ty Đại Nguyên Dương, các bên đã thống nhất các giải pháp xử lý, sửa chữa đối với các tàu hư hỏng.
Trao đổi về trách nhiệm và việc xử lý Công ty TNHH MTV Nam Triệu – là công ty trực thuộc Bộ Công an, đại diện chủ sở hữu công ty Nam Triệu là Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật cho biết Tổng cục đã yêu cầu công ty thanh tra toàn bộ quá trình đóng tàu. Theo ông Nguyễn Văn Dư – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật, công ty Nam Triệu là một trong các doanh nghiệp tham gia chương trình đóng tàu của Chính phủ, đến nay bị phát hiện là có sai phạm trong quá trình thực hiện hợp đồng. Ông Dư cho biết công ty Nam Triệu có 20 năm kinh nghiệm trong hoạt động đóng tàu, phục vụ ngành công an, là 1 trong số 73 công ty được Bộ NN&PTNT công nhận đủ năng lực tham gia chương trình đóng mới tàu cá theo cơ chế đặc biệt của Chính phủ. |
Theo ghi nhận của Bộ NN&PTNT, đến nay, ngoài tỉnh Bình Định, còn có các tỉnh khác như: Thanh Hóa, Phú Yên, Quảng Nam cho biết có nhiều tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 xảy ra sự cố.
Tại Thanh Hóa, tính đến hết tháng 5/2017, tỉnh có 23 tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 hoạt động. Riêng tại TP. Sầm Sơn có tổng cộng 7 chiếc tàu vỏ thép hoạt động, tuy nhiên trong đó có 4 tàu bị hư hỏng phải thường xuyên sửa chữa.
Theo phản ánh của ngư dân Nguyễn Duy Muộn (tại thôn Tiến Lợi, xã Quảng Cư, TP. Sầm Sơn), chiếc tàu vỏ thép mang số hiệu TH 93968 TS của gia đình có tổng vốn đầu tư hơn 17,7 tỷ đồng nhưng 9 lần ra khơi thì cả 9 lần đều gặp sự cố.
Cụ thể, ông Muộn cho biết sơn của tàu chất lượng không tốt nên đã phải sơn lại; máy phụ (gồm 2 máy) là máy cũ hoạt động không đảm bảo đã hư hỏng 2 lần; hệ thống lái thủy lực không đảm bảo dẫn đến hư chân vịt và phải lên đà sửa chữa; thép làm neo không đúng thiết kế dẫn đến gãy 2 neo; hệ thống dàn đèn: bóng kém chất lượng, nhanh hỏng, đã cháy hơn 100 quả,….
18 con tàu thường xuyên hư hỏng của ngư dân Thanh Hóa được đóng chủ yếu bởi Công ty Cổ phần Đại Dương (xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) và công ty Đại Nguyên Dương (có địa chỉ tại Nam Định) khiến các chủ tàu vừa rơi vào cảnh sửa tàu, vừa cắm nhà trả nợ.
Nhật Minh
Xem thêm:
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…